Nam Cao là tên tuổi nổi bật của văn học hiện đại VN thời kỳ 1930 – 1945, với các tác phẩm đậm tính hiện thực như Chí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn… Tuy vậy ông cũng có một kho sáng tác dành cho thiếu nhi rất đáng chú ý mà ít người biết.
Mới đây, NXB Kim Đồng và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã dày công sưu tầm, biên soạn và giới thiệu đến độc giả những tác phẩm này trong tập truyện ngắn Con mèo mắt ngọc. Theo ông Ân, mảng sách dành cho trẻ em xuất bản ở VN trước năm 1945 đã và đang là một khoảng trắng lớn cho giới nghiên cứu phê bình cũng như lịch sử xuất bản. Tuy nhiên đề tài nói trên đang được “mở rộng đường” nghiên cứu khi vài năm gần đây, Thư viện quốc gia Pháp đã số hóa các bộ lưu trữ sách báo ở nhiều thuộc địa, trong đó có kho sách báo Đông Dương được nộp lưu chiểu giai đoạn 1922 – 1945.
Với riêng Nam Cao, trước năm 1945, ông đóng góp nhiều truyện ngắn nhất cho series Hoa mai được NXB Cộng Lực cho ra mắt vào ngày 1 và 15 hằng tháng, phỏng theo loại sách đẹp giá rẻ Livre Rose của Pháp. Ngoài ra ông cũng đóng góp cho tuần san Truyền bá của NXB Tân Dân, loạt ấn phẩm Nhi đồng họa bản của nhà sách Kiến Thiết… tổng cộng có khoảng 17 truyện đã in.
Nổi tiếng với việc đặc tả dấu ấn hiện thực, trong các truyện thiếu nhi, đặc điểm nói trên cũng được thể hiện một cách rõ nét. Đa phần nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao đều là những người bất hạnh. Đó là những em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải trải qua rất nhiều thử thách trong cuộc sống này nhưng điểm chung nhất là vẫn vượt qua bằng sự thiện lành, tính ham học và năng lượng tích cực. Chẳng hạn trong truyện Nụ cười, cậu bé Hoạt tuy bặt tin anh trai khi anh vào Nam lập nghiệp, phải từ bỏ việc học, đi bán lạc rang nhưng vẫn luôn hồ hởi, tin vào đời sống, cuối cùng vì ham học hỏi mà được một nhà giàu nhận nuôi.
Ngoài ra ông cũng không ngại phản ánh những thói hư tật xấu của con người, từ việc hủ Nho coi khinh công việc chân tay (Người thợ rèn), thói trở mặt do ăn sung mặc sướng (Áo vải)… cho đến những cảm xúc rất cá nhân như ganh ghét, tị hiềm, từ đó khởi phát nhiều hành động xấu (Người đàn bà nuôi rắn, Ba người bạn, Những trẻ khốn nạn…). Có thể nói qua những ngậm ngùi của mạch truyện, những thông điệp giá trị đã được trao gửi mà không gượng gạo hay là rao giảng.
Về mặt nghệ thuật, Nam Cao cũng cho thấy được sự đa dạng trong các sáng tác đa thể loại, từ việc kể lại các áng văn kinh điển như Tấm Cám, Chú mèo Đi Hia trong Con mèo mắt ngọc, Kinh Thánh trong Bảy bông lúa lép… cho đến học hỏi từ phương Tây, như dòng văn học phiêu lưu trong Đảo Hang Cọp hoặc thuật lại những sự kiện có thật như hành trình tìm ra thượng nguồn sông Nile trong Thám hiểm châu Phi…
Những điều này cho thấy tài năng khác biệt của Nam Cao khi khéo léo thay đổi cốt truyện sao cho phù hợp với độc giả trong nước, từ đó để lại những dấu ấn rất riêng trong vốn kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, gửi gắm đức tin tôn giáo vào các tác phẩm và sự đa dạng trong phong cách sáng tác: từ hiện thực, dã sử, phiêu lưu, chuyện đường rừng… Với việc khám phá những truyện ngắn này, có thể nói một Nam Cao mới mẻ, đa dạng đã được hiện ra trước mắt độc giả.