Về trang chủ Văn hóa Khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với hơn 100 hoạt động hấp dẫn

Khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với hơn 100 hoạt động hấp dẫn

Tiếp nối thành công của Lễ hội thiết kế sáng tạo tổ chức từ năm 2021, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” chính thức khai mạc vào tối 9/11 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (trước Nhà hát Lớn Hà Nội).

Sau gần 5 năm trở thành thành viên “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO”, Hà Nội đã có nhiều hoạt động cụ thể hóa những cam kết xây dựng “Thành phố sáng tạo”, từng bước khẳng định vị thế của một trong những thành phố, Thủ đô năng động sáng tạo của châu Á. Thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động thiết kế sáng tạo, kết nối cơ hội hợp tác giữa các thành phố cùng mạng lưới. Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo là một trong nhiều hoạt động sáng tạo đa dạng của Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, tiếp nối thành công của Lễ hội thiết kế sáng tạo tổ chức từ năm 2021, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 sẽ có nhiều chương trình, hoạt động sáng tạo, đặc sắc hơn nữa.

“Tiếp nối thành công của các sự kiện, năm 2024 với chủ đề  “Giao lộ sáng tạo” sẽ được hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá. “Giao lộ sáng tạo” không chỉ có một tuyến trải nghiệm về Kinh tế sáng tạo cho Thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của Thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội”, bà Hà nói.

Ngay trong lễ khai mạc, người dân và du khách được trải nghiệm không gian biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với thiết kế sân khấu mở cùng sự tham gia, kết hợp của nhiều nghệ sỹ qua tác phẩm “Giao lộ”. Cùng với đó là các chương trình nghệ thuật truyền thống kết hợp nghệ thuật đương đại, hoạt động diễu hành, tham quan các tuyến phố.

Ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Tổng đạo diễn lễ khai mạc của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 cho biết: “Điều đặc biệt nhất của lễ khai mạc năm nay, là giới thiệu các tác phẩm cũng như những sáng tạo mới của các nghệ sĩ. Sân khấu cũng như toàn bộ những cảnh quan của tác phẩm có sự đối thoại cùng với kiến trúc của thành phố Hà Nội, đó là Nhà hát Lớn và đặc biệt là sân khấu mở nằm giữa Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ bản địa giới thiệu những công việc cũng như cách thức tiếp cận với những chất liệu di sản phi vật thể tại Việt Nam và đặc biệt với vẻ đẹp của tiếng Việt, nằm trong những làn điệu. Ví dụ như tuồng, chèo, trong ca trù để có thể mang tới một nguồn cảm hứng mới cho các nhà sáng tạo trẻ”.

Bên cạnh hoạt động tham quan các công trình di sản tiêu biểu của thành phố, lễ hội còn có 3 công trình biểu tượng (Pavilion) “Hành lang thơ ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, “Dòng” ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các công trình biểu tượng được sắp đặt ở vị trí tương tác với di sản. Thông qua đó, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại.

Ông Nguyễn Công Hiệp, thành viên nhóm kiến trúc sư thiết kế lễ hội năm nay cho biết: “Tôi phụ trách thiết kế cũng như điều phối hoạt động ở  Bảo tàng lịch sử quốc gia, trong đó có thiết kế một Pavilon tên là “Rồng rắn lên mây” ở khuôn viên của bảo tàng. Đây là dịp quý giá hàng năm để giới kiến trúc nói riêng hay những người làm thiết kế sáng tạo nói chung có thể nói lên tiếng nói của mình, đến gần hơn với công chúng và đặc biệt năm nay khi mà chọn những địa điểm nó ở ngay vị trí trung tâm, là những công trình di sản có giá trị và yếu tố là những công trình quan trọng, người dân cũng dễ dàng được tiếp cận với những thiết kế đó hơn”.

 Trong thời gian diễn ra lễ hội, người dân và du khách sẽ được tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động ở các địa điểm khác nhau. Tại cung Thiếu nhi Hà Nội sẽ diễn ra hơn 30 hoạt động trưng bày, giới thiệu, chiếu phim, sắp đặt kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn. Tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ) trưng bày tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” với hơn 20 tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo.

Ngoài ra, người dân và du khách sẽ được thưởng thức các hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật đường phố, diễu hành áo dài trên các tuyến phố Tràng Tiền, nhà triển lãm (số 45 Tràng Tiền); xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Rạp Công nhân…Các chuỗi hoạt động của lễ hội sẽ diễn ra từ nay đến ngày 17/11 tới.

Theo VOV.

Có thể bạn quan tâm