Ngân hàng được phép cơ cấu hạn trả nợ cho khoản vay của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, muộn nhất là tới cuối năm 2027.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 và thiên tai sau bão, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1510/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định của pháp luật trước thời điểm xảy ra thiên tai đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024, căn cứ Quyết định số 1510/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 53/2024/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3.
Thông tư bao gồm 09 điều, quy định đối tượng là các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trên địa bàn 26 địa phương; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cơ cấu số dư nợ gốc và lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính có số dư nợ gốc phát sinh trước ngày 07/09/2024 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 07/09/2024 đến 31/12/2025. Số dư nợ được xem xét cơ cấu còn trong hạn hoặc quá hạn không quá 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ đã thỏa thuận.
Tuy nhiên để hỗ trợ khách hàng có thời gian khắc phục hậu quả sau bão, Thông tư cho phép xem xét cơ cấu lần đầu tiên đối với số dư nợ quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 07/9/2024 đến hết 10 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn số lần cơ cấu. Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2027.
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cùng với việc Thủ tướng quyết định cho phép giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 sẽ góp phần hỗ trợ giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện để khách hàng có thể tiếp cận vốn vay mới, có thêm năng lực để khôi phục lại sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau thảm họa thiên tai.
Bão Yagi và hoàn lưu bão hồi tháng 9, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Trước đó, theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, bão Yagi ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp, du lịch miền Bắc và gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 81.500 tỷ đồng.
Với ngành ngân hàng, trên 94.000 khách vay với tổng dư nợ 165.000 tỷ đồng chịu thiệt hại nặng sau bão Yagi. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng.