Không chỉ vụ Khá Bảnh, trên thực tế đang có rất nhiều nội dung phản cảm, giang hồ, tục tĩu, thậm chí bôi nhọ, nói xấu chế độ… tồn tại trên YouTube một cách công khai. Nhiều người đặt câu hỏi YouTube đang ở đâu và có trách nhiệm gì với xã hội, với người dùng -những người giúp họ kiếm bộn tiền từ các nhà quảng cáo?
Kiếm tiền trên YouTube cách nào? Thực tế cho thấy, cộng đồng nhà sản xuất nội dung trên YouTube ở Việt Nam là khá lớn với muôn hình vạn trạng về thông điệp trong clip. Thậm chí có nhiều những video đơn giản nhưng thu hút hàng triệu lượt xem.
Theo quy định của Google, người dùng có thể kiếm tiền thông qua Chương trình Đối tác YouTube qua 5 hình thức. Tuy nhiên, vẫn theo YouTube do yêu cầu pháp lý tại từng quốc gia, có thể một trong số các tính năng này sẽ không được cung cấp.
Thứ nhất là nhận doanh thu từ quảng cáo hiển thị hình ảnh, quảng cáo lớp phủ và quảng cáo video. Thứ hai là hội viên trả một khoản phí định kỳ hàng tháng để hưởng các đặc quyền mà YouTube cung cấp. Thứ ba là người hâm mộ có thể duyệt xem và mua hàng hóa mang thương hiệu chính thức của kênh được trưng bày trên các trang xem của YouTuber.
Thứ tư là người hâm mộ trả tiền để làm nổi bật tin nhắn của họ trong các buổi phát trực tiếp của YouTuber. Và thứ năm là nhận một phần từ phí đăng ký của người đăng ký YouTube Premium khi họ xem nội dung của YouTuber.
Trong đó, phổ biến kiếm tiền ở Việt Nam qua YouTube là gắn quảng cáo vào các clip nội dung và “ăn chia” cùng Google. Điều kiện để bật quảng cáo là kênh đó phải có từ 1.000 người đăng ký trở lên, đạt 4.000 giờ xem trong 12 tháng qua và đã liên kết tài khoản AdSense…
Điều này đã khiến khá nhiều YouTuber tìm cách được nổi tiếng trên mạng xã hội này để có thu nhập, thậm chí là vi phạm pháp luật khi sản xuất các nội dung thiếu tính giáo dục, chửi bậy, bôi nhọ chế độ… Minh chứng rõ nhất cho việc này có lẽ ở trường hợp của Khá Bảnh, khi YouTuber này làm nội dung phản cảm mà Khá khoe là kiếm cả trăm triệu đồng trên YouTube, có tháng, con số này lên tới gần 20.000 USD.
Dung túng clip xấu? Theo chuyên gia xã hội học-phó giáo sư, tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, Internet thực sự đem lại sự đổi thay cho đời sống, kinh tế, xã hội nhưng đi cùng với nó là những hiệu ứng thiếu tích cực, kéo lùi một số giá trị xã hội. Ở vụ Khá Bảnh, môi trường Internet mà cụ thể là YouTube chính là nơi để tiếp tay cho “Giang hồ mạng” này tung hoành ngang dọc, tạo ra sự cộng cảm trong bộ phận giới trẻ.
Theo các chuyên gia, bất kỳ một nội dung nào được xem đi xem lại nhiều lần, ở các độ tuổi khác nhau sẽ có sự ảnh hưởng tới hành vi của người dùng khác nhau. Đặc biệt, khi nhân vật đó được xem là thần tượng song lệch lạc với các tiêu chuẩn sẽ trở nên nguy hại vô cùng lớn cho xã hội. Nhận thấy những mối nguy hại ngày một lớn, cơ quan quản lý Việt Nam đã thiết lập những kênh làm việc với Google.
Thời gian qua, hàng nghìn video clip, kênh trên YouTube vi phạm đã bị xóa sổ với sự thông báo từ cơ quan chức năng. Thế nhưng, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng cơ quan quản lý tìm kiếm thì có lẽ việc ngăn chặn này sẽ mãi mãi chỉ là “ném đá ao bèo” bởi một ngày không biết bao nhiêu clip được đăng tải lên YouTube. Hơn nữa, khi một Khá Bảnh bị “diệt,” chắc chắn sẽ mọc ra hàng tá “Khá Bảnh” khác…
Do đó, theo các chuyên gia, chủ thể làm công việc này hiệu quả nhất chính là YouTube. Trong một thông tin gửi tới báo chí vào tháng 12/2017, phía YouTube khi đó cho rằng, đơn vị này đã thấy “kẻ xấu lợi dụng tính cởi mở của YouTube để gây hiểu nhầm, thao túng, sách nhiễu hay thậm chí gây tổn hại.”
Phía YouTube cũng tuyên bố đưa ra các công nghệ mới để chống lại các mối đe dọa mới đang nổi lên và tăng dần, thắt chặt chính sách quy định nội dung nào có thể xuất hiện trên các nền tảng hoặc tạo doanh thu cho người sáng tạo. Bên cạnh việc nhóm thực thi đang tăng lên, YouTube đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để giúp các kiểm duyệt viên xử lý video và comment vi phạm.
Hãng cũng cho biết đầu tư vào đội nhóm giải quyết nội dung lên tới 10.000 nhân viên vào 2018… “Chúng tôi đang hành động để bảo vệ nhà quảng cáo và những người sáng tạo khỏi nội dung không phù hợp. Chúng tôi muốn các nhà quảng cáo yên tâm rằng quảng cáo của họ đang chạy trên những nội dung phản ánh giá trị thương hiệu của họ,” phía YouTube khi đó cho hay.
Vào 17 giờ ngày 2/4, sau khi kênh Khá Bảnh bị lên án mạnh mẽ, đại diện truyền thông của Google tại Việt Nam phát đi thông báo của YouTube cho biết: Gần đây, chúng tôi đối mặt với các hành vi tiêu cực của một số YouTuber làm tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo, ngành công nghiệp truyền thông và quan trọng nhất là công chúng.
Đối với những hành vi này, chúng tôi cam kết thắt chặt các chính sách của YouTube và sẽ thông tin một cách nhanh chóng và minh bạch hơn. Chúng tôi đã ban hành các biện pháp xử lý mới đối với những trường hợp cá biệt khi hành vi tiêu cực của một nhà sáng tạo làm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng. Nói vậy, nhưng hãy thử lên YouTube và tìm kiếm, hàng tá kết quả có nội dung thiếu lành mạnh, vi phạm sẽ lập tức hiện ra.
Điều này cho thấy trách nhiệm của YouTube với xã hội và đặc biệt là với những thành viên đang dõi theo mạng xã hội này còn rất nhiều điều đáng bàn. Ngay ở vụ Khá Bảnh, sau khi YouTube đã hạ kênh này xuống thì vẫn còn rất nhiều nội dung clip của nhân vật này được các YouTuber khác đăng tải trên mạng mà YouTube vẫn không quản…
Trong khi chờ đợi một sự thay đồi-mà có lẽ là sẽ rất khó từ YouTube, dư luận trông chờ sự mạnh tay hơn nữa của cơ quan quản lý để làm trong sạch môi trường mạng, tránh sự lệch chuẩn, méo mó trong văn hóa sẽ gây ảnh hưởng khôn lường, đặc biệt là tới giới trẻ…
Ở khía cạnh khác, những bậc cha mẹ nên có biện pháp của riêng mình để giúp con cái tiếp cận với văn hóa lành mạnh, tránh những lệch lạc hình thành trong suy nghĩ. Cùng lúc, các cơ quan, tổ chức xã hội cũng cần sớm đưa ra những cảnh báo, định hướng sớm để giúp cộng đồng tránh xa những xu hướng lệch chuẩn trên Internet có thể gây hại cho gia đình, xã hội.
Theo Vietnamplus
Singapore: Tịch thu vảy tê tê trị giá hơn 880 tỷ đang trên đường đến Việt Nam