Kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng.
Ngày 29/06/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Kết luận thanh tra số 809/KLBTC thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nội dung liên quan tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam.
Nội dung thanh tra là chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nội dung liên quan tại các công ty bảo hiểm này trong thời gian năm 2021.
Sun Life: Tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm thứ nhất tại TPBank 73%, tại ACB 39%
Năm 2021, Sun Life triển khai bán bảo hiểm thông qua 2 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bancass) bao gồm ACB và TPB.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của Công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 2,038.14 tỷ đồng, tương ứng 61.15% tổng doanh thu phí; doanh thu khai thác mới qua kênh bancass đạt 1,907.79 tỷ đồng, tương ứng 82.27% doanh thu phí khai thác mới.
Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ACB đạt 1,248.65 tỷ đồng (chiếm 61.26%) và tổng doanh thu phí bảo hiểm qua TPB đạt 789.48 tỷ đồng (chiếm 38.74%).
Năm 2021, Sun Life phát hành mới 80,117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, trong đó có 3,247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỷ lệ 4.05%), tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPB là 73%, qua ACB là 39%.
Prudential: Tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên là 41%
Theo kết quả thanh tra, năm 2021, Prudential triển khai bán bảo hiểm thông qua 8 tổ chức tín dụng (bancass) gồm: VIB, MSB, PVcomBank, SeABank, Standard Chartered, VietBank, UOB và Shinhan (Việt Nam).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 6,184.57 tỷ đồng, tương ứng 21.48% tổng doanh thu phí, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt 3,700.25 tỷ đồng, tương ứng 54.89% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Công ty hạch toán chi phí chi trả cho các đại lý bảo hiểm là ngân hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổng số tiền 1,972.11 tỷ đồng.
Năm 2021, Công ty phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất đối với các HĐBH khai thác qua kênh bancass (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.
BIDV Metlife: Tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm thứ nhất là 39%
Năm 2021, BIDV Metlife triển khai bán bảo hiểm thông qua 1 tổ chức tín dụng là BIDV.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của Công ty, doanh thu phí bảo hiểm triển khai bán thông qua BIDV đạt 1,553.28 tỷ đồng, tương ứng 99.2% tổng doanh thu phí (1,565.22 tỷ đồng), doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua BIDV đạt 452.62 tỷ đồng, tương ứng 98.3% tổng doanh thu phí khai thác mới (460.3 tỷ đồng).
Năm 2021, Công ty phát hành mới 21,123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39.4%.
MB Ageas: Tỷ lệ hủy hợp đồng sau một năm là 32%
Còn với MB Ageas, trong thông báo kết luận thanh tra, doanh nghiệp này bán bảo hiểm qua Ngân hàng MB và Công ty tài chính MB Shinsei (hay Công ty tài chính MCredit).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của Công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 4,466.52 tỷ đồng, tương ứng 78% tổng doanh thu phí, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt 2,820.91 tỷ đồng, tương ứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Năm 2021, Công ty phát hành mới 66,757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, trong đó 3,946 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỷ lệ 5.91% ).
Tình hình hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng bảo hiểm phát hành qua kênh bancass là 32.4%.
Bộ Tài chính cho biết kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng. Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
“Đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch” – Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo Vietstock