Những năm qua, yếu tố quan trọng giúp K+ thu hút khách hàng là bởi đơn vị này nắm giữ bản quyền những giải bóng đá lớn như Ngoại hạng Anh, La Liga, Champions League (C1). Việc mất bản quyền sẽ khiến K+ mất đi một lượng lớn khách hàng.
Bản quyền đội nón ra đi
Mới đây nhất, Goal cũng đã tuyên bố đạt được bản quyền giải bóng đá Tây Ban Nha-La Liga tại Việt Nam mà không chia sẻ với các nhà đài khác trong nước. Các trận đấu của La Liga kể từ mùa giải năm nay sẽ được livestream miễn phí trên website của Goal.com Việt Nam. Những năm trước đó, K+ là đơn vị nắm giữ bản quyền giải bóng đá này.
Facebook cũng tuyên bố đã đạt được thỏa thuận phát sóng độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải tiếp theo tại Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia. Bắt đầu từ mùa giải 2019-2020, người dùng Facebook tại Việt Nam và một số nước trong khu vực có thể xem trực tuyến các trận đấu thuộc giải Ngoại hạng Anh trên nền tảng mạng xã hội này.
Để mua được bản quyền Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải, Facebook đã bỏ ra số tiền 264 triệu USD, đánh bại cả các nhà cung cấp truyền hình hàng đầu châu Á như BeIN Sport hay Fox Sport Asia. Gói bản quyền giúp Facebook được quyền phát sóng toàn bộ 380 trận đấu mỗi mùa giải. Trong đó, gói bản quyền cho thị trường Việt Nam được cho là có mức giá 100 triệu USD.
Kịch bản về bản quyền nào sẽ xảy ra ?
Hiện chưa rõ Facebook có chia sẻ bản quyền giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh này hay không, nhưng rõ ràng đây là thông tin không mấy vui vẻ với các nhà đài trong nước bởi điều này gây thất thu một lượng lớn tiền quảng cáo cũng như khách hàng.
Nếu Facebook sẵn sàng chia sẻ bản quyền thì có lẽ các đơn vị trong nước cũng chỉ tiếp cận được gói bản quyền không đầy đủ, bị giới hạn một số trận đấu Super Sunday như cách mà K+ đã làm trong 9 mùa giải qua. Khi đó, sẽ không còn sự khác biệt giữa K+ và các nhà đài khác như những năm trước.
Còn trong trường hợp Facebook không chia sẻ bản quyền thì các nhà đài từng phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh như K+, VTVCab hay SCTV đều sẽ không thể cung cấp nội dung này như trước. Theo đánh giá của giới quan sát, khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra bởi việc mua lại giải Ngoại hạng Anh của Facebook là biện pháp duy trì số lượng người dùng và mở rộng doanh thu, nhất là đối với các thị trường mới nổi như châu Á.
Trên thực tế, các nhà đài trong nước cần phải đối mặt với khả năng không có bản quyền bởi Facebook từng phát sóng trực tiếp một số trận đấu thuộc giải bóng đá Tây Ban Nha – La Liga tại khu vực Nam Á. Điều tương tự nhiều khả năng cũng sẽ diễn ra khi bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh tại Việt Nam đã nằm trong tay Facebook.
Có thể nói, sự lấn sân của Facebook cũng như các dịch vụ nền tảng Internet khác như Youtube, Amazone, Goal…sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đài. Đây là xu thế khó tránh khỏi và đang diễn ra ngày càng mạnh trên bình diện toàn cầu.
Đâu là lối ra cho K+ ?
Ra đời năm 2009, K+ là sản phẩm kết hợp giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Canal+ (Pháp). Dù tuổi đời non trẻ, nhưng K+ đã mau chóng tạo dựng vị thế trong ngành truyền hình Việt Nam. Nếu như năm 2009, K+ chỉ có hơn 95.000 thuê bao thì đến năm 2016 đã tăng lên gần 800.000 thuê bao.
Mặc dù thu hút được nhiều khách hàng nhưng kết quả kinh doanh của K+ khá thất vọng khi liên tục thua lỗ. Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của K+ lên tới 2.733 tỷ đồng. Với khoản thua lỗ khổng lồ trên, K+ hiện đã âm vốn chủ sở hữu gần 2.400 tỷ đồng.
Những năm qua, yếu tố quan trọng giúp K+ thu hút khách hàng là bởi đơn vị này nắm giữ bản quyền những giải bóng đá lớn như Ngoại hạng Anh, La Liga, Champions League (C1). Việc mất bản quyền La Liga từ mùa giải năm nay hay Ngoại hạng Anh từ mùa giải sau chắc hẳn sẽ khiến K+ mất đi một lượng lớn khách hàng với nhu cầu chính là xem bóng đá, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu nhà đài.
Theo Bongda-Thethao-VOV
ICT News: Liên quan đến việc Facebook mua độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2019-2022 (EPL) tại Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á, mới đây Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản gửi Bộ TT&TT đề nghị Bộ cần có các công cụ quản lý nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và công bằng cho các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam.
Cụ thể, là chống lại các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ OTT, truyền hình trả tiền trên phạm vi cả nước, xem xét ngăn chặn các hoạt động cung cấp dịch vụ theo cơ chế độc quyền của các đơn vị từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo VNPayTV, việc Facebook độc quyền phát sóng EPL vào Việt Nam dẫn đến vi phạm Luật Cạnh tranh cũng như vi phạm các quy định về quản lý nội dung chương trình truyền hình theo Luật Báo chí. Hiện Facebook có khoảng 60 triệu người dùng ở Việt Nam, doanh thu quảng cáo tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 235 triệu USD mỗi năm.
Tại Thái Lan, Facebook đang đàm phán hợp tác với kênh True Sport để tổ chức bình luận EPL bằng tiếng Thái. Do đó, khả năng Facebook cũng sẽ hợp tác với một đài truyền hình của Việt Nam để thực hiện bình luận bằng tiếng Việt.
(Theo ICT News)