Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Huy động tăng nhanh, hỗ trợ giảm lãi vẫn chậm

Huy động tăng nhanh, hỗ trợ giảm lãi vẫn chậm

Lãi suất tiết kiệm trên thị trường vẫn tiếp tục tăng trong khi các ngân hàng dù đã công bố hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nhưng thực hiện còn khá chậm.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng

Trong những ngày vừa qua, nhiều ngân hàng (NH) tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất (LS) huy động. Chẳng hạn, từ ngày 30.9, NH Đông Á tăng LS tại các kỳ hạn gửi 1 – 11 tháng với mức tăng từ 0,1 – 3,35%. Trong đó, LS các kỳ hạn từ 6 – 8 tháng được NH tăng mạnh 0,35%, lên mức 5,55%/năm; LS các kỳ hạn từ 9 – 11 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 5,7%/năm. Riêng các kỳ hạn dài hơn được giữ nguyên và mức cao nhất là 6,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 18 – 36 tháng.

Tương tự, NH Nam Á tăng thêm đến 0,4% đối với LS kỳ hạn 1 tháng tại quầy, lên 3,6%/năm. NH này đang áp dụng LS cao nhất 5,6% cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Riêng với số tiền dưới 500 tỉ đồng, LS cao nhất là 5,7%/năm kỳ hạn 24 – 36 tháng gửi online. Hay NH Oceanbank tăng 0,3% các kỳ hạn 6 – 9 tháng lên mức 5,3 – 5,4%/năm. Hiện mức cao nhất ở NH này là 6,1%/năm áp dụng kỳ hạn 24 – 36 tháng. Còn NH GPBank và CB áp dụng mức LS huy động lên tới 5,85%/năm cho các khoản tiền gửi online tại các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên…

Nhiều DN bị ảnh hưởng nặng từ bão số 3 và thiệt hại nghiêm trọng

Theo Hiệp hội NH VN – Văn phòng đại diện phía nam, trong 3 tuần qua đã có 10/36 NH tăng nhẹ LS từ 0,05 – 0,2% các kỳ hạn từ 1 – 60 tháng, tại quầy và online. Như vậy, nếu so với tháng 8 có đến 15 nhà băng tăng LS thì trong tháng 9 số lượng NH tăng LS huy động ít hơn.

Ở góc độ khách hàng, nhiều người vẫn lựa chọn kênh gửi tiền vào NH. Chị Kim Phượng (Q.3, TP.HCM) cho hay trong cuối tháng 9 khi đáo hạn sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, chị làm lại sổ mới cũng kỳ hạn 6 tháng với LS là 5,3%/năm, cao hơn đợt gửi tháng 5 chỉ 4,9%/năm cho cùng kỳ hạn. Còn nếu so với đầu năm nay thì LS tiết kiệm của chị đã tăng thêm 1,1%/năm. Việc LS tiết kiệm liên tục tăng cũng là lý do khiến chị chỉ chọn gửi kỳ hạn ngắn mà không chọn kỳ hạn 1 năm trở lên. Chị cho hay một số NH thương mại áp dụng LS cho kỳ hạn 6 tháng lên 5,5% hay 12 tháng lên trên 6%/năm nay đã khá nhiều, nhưng vì đã quen gửi ở NH hiện tại nên không thay đổi.

Trong khi đó, LS tiền đồng trên thị trường liên NH tuần qua cũng tăng mạnh từ 0,5 – 0,7%/năm, LS lên 4,2 – 4,8%/năm ở các kỳ hạn. Để LS trên thị trường không tăng nhanh, NH Nhà nước đã thực hiện bơm mạnh tiền ra thị trường. Cụ thể, trong tuần qua, NH Nhà nước bơm ròng 65.847,55 tỉ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở…

Dè dặt giảm lãi cho doanh nghiệp

Trong khi các nhà băng vẫn tăng LS huy động tiền gửi thì ở chiều ngược lại, dù đã có nhiều văn bản từ Chính phủ đến NH Nhà nước nhưng việc giảm LS cho các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bão số 3 (Yagi) vừa qua vẫn còn khá chậm, mức lãi giảm ít. Đại diện Công ty VTF cho biết theo ước tính tổng thiệt hại của công ty do bão số 3 lên hơn 100 tỉ đồng.

Những ngày qua, sau khi làm việc trực tiếp với NH – nơi DN đang có khoản vay – thì được NH thông báo giảm LS 0,5% cho các khoản vay. Đối với việc giảm LS tối đa 2% như NH này đã công bố thì chi nhánh không thể tự quyết định nên công ty phải chờ để được phê duyệt. Trong khi đó, việc khoanh nợ, giãn nợ hay xóa nợ phía NH cho rằng chưa được hướng dẫn.

“Công ty bị hụt dòng tiền nên rất cần NH thực hiện khoanh nợ và cho vay thêm vốn lưu động, vốn trung dài hạn để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Được giảm LS cũng mừng nhưng mức giảm 0,5% là còn quá nhỏ so với thiệt hại mà công ty bị ảnh hưởng. Do vậy chúng tôi cũng mong muốn được NH xem xét xóa nợ với phần thiệt hại mất hẳn do bão; khoanh nợ với số dư nợ trung dài hạn, kéo dài thời gian trả nợ; cấp thêm vốn lưu động để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh cần theo luồng thẩm định đặc biệt và có phê duyệt nhanh, gọn. Càng để kéo dài, DN bị âm vốn chủ sở hữu thì càng khó để khắc phục”, đại diện VTF nói và đề xuất để công ty được thụ hưởng tiền bồi thường bảo hiểm (thay vì NH là người thụ hưởng) để DN có thêm tài chính phục hồi lại nhà máy, mua nguyên liệu sản xuất và hoàn tất các đơn hàng đã ký.

Công ty bị hụt dòng tiền nên rất cần NH thực hiện khoanh nợ và cho vay thêm vốn lưu động, vốn trung dài hạn để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Được giảm LS cũng mừng nhưng mức giảm 0,5% là còn quá nhỏ so với thiệt hại mà công ty bị ảnh hưởng.

Đại diện Công ty VTF

 

Tại tọa đàm sáng 1.10 do Báo Tiền Phong tổ chức, ông Đỗ Việt Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn TASECO, cho biết sau cơn bão, thiệt hại của DN cũng lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đây chỉ là con số thiệt hại trước mắt nhưng nếu thời gian hoạt động trở lại chậm, DN sẽ mất cơ hội, dòng tiền, chi phí nhân công. Tuy nhiên việc bồi thường và hỗ trợ còn chậm. Cụ thể, ngày 8.9, DN có văn bản gửi DN bảo hiểm kiểm tra, thẩm định bảo hiểm. DN bảo hiểm cử nhân viên xuống, làm thủ tục nhưng đến nay, chưa nhận được bồi thường và vẫn đang trong quá trình thẩm định thiệt hại. Công ty mong muốn NH Nhà nước chỉ đạo NH hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Theo thông tin tại Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cách đây 4 ngày, các NH báo cáo đến ngày 25.9, dư nợ bị ảnh hưởng bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỉ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng. Đã có 32 NH công bố các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3 với LS thấp hơn LS cho vay thông thường 0,5 – 2%. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà nhiều DN mong muốn là cần đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nói trên. Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng DN đang trong cơn hoạn nạn thì cần được giải quyết càng nhanh càng tốt, nhất là liên quan dòng tiền và như vậy mới đúng tinh thần hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc thực hiện nhanh các chính sách hỗ trợ cũng sẽ mang lại hiệu quả cao nhất để DN khôi phục sản xuất.

Đồng tình, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, cũng cho rằng DN cần được hỗ trợ, xét duyệt khoản vay vốn mới thật nhanh với thủ tục, chính sách thông thoáng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

NH Nhà nước đang dự thảo thông tư quy định về cơ cấu hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn do thiệt hại của bão số 3. Chính sách này áp dụng cho người đi vay tại 26 tỉnh, thành phố phía bắc.

Theo đó, các NH có quyền cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gốc, lãi dựa trên đề nghị của khách hàng và khả năng tài chính của chính NH. Chính sách này chỉ áp dụng với dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7.9.2024 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ ngày 7.9.2024 – 31.12.2025; số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận. NH được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đã quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7.9 đến ngày thông tư này có hiệu lực khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu tiên theo quy định.

Theo Thanh niên.

Có thể bạn quan tâm