NAPAS đã hợp tác với Thái Lan thanh toán qua mã QR, năm nay có thể thêm Campuchia và sẽ tiếp tục mở rộng, để người Việt có thể thanh toán không tiền mặt ở nước ngoài.
Ngày 26-5, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm 2023.
Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy thanh toán không tiền mặt đã tiến một bước rất dài, từ chỗ kêu gọi người dân “thử một lần thanh toán không tiền mặt”, đến nay cà thẻ, quét mã, chuyển khoản… đã thành thói quen.
Tăng trưởng ấn tượng
Ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết chủ đề của Ngày không tiền mặt năm nay là “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh” nhằm hưởng ứng năm chuyển đổi số, kết nối dữ liệu của Chính phủ đề ra.
Một trong những hoạt động chính là hội thảo về chính sách thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. “Chúng tôi muốn giới thiệu cho người dân TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung các hoạt động thanh toán khác nhau mà không phải ai cũng hiểu hết”, ông Toàn nói.
Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cho biết nhìn lại bốn năm qua, chương trình Ngày không tiền mặt do Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức đã truyền tải thông điệp tích cực để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong ba tháng đầu năm 2023, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,5% về giá trị. Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,7% về số lượng và tăng 18,5% về giá trị.
Đáng chú ý đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ rút tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt. Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,5%, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,3%. Đến cuối tháng 3, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và 430.625 máy POS, tăng tương ứng 3,8% và 26,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Một điểm đáng chú ý là những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)… đã được các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt đến với người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới sẽ có thêm nhiều bước đột phá khi khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện. Tới đây mạng lưới đại lý chấp nhận thanh toán không tiền mặt sẽ vươn tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Thanh toán không tiền mặt xuyên biên giới
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đăng Hùng, phó tổng giám đốc NAPAS, cho biết hiện NAPAS đã hợp tác với Thái Lan thanh toán qua mã QR. Người Việt qua Thái Lan du lịch đã có thể quét mã VietQR để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thanh toán của các ngân hàng liên kết.
Năm nay có thể sẽ mở rộng hợp tác thêm với Campuchia. Mục tiêu của NAPAS là hoạt động thanh toán không tiền mặt sẽ không chỉ diễn ra trong Việt Nam mà còn giúp người dân Việt Nam có thể thanh toán ở nước ngoài dễ dàng.
“Hiện nay khi người Việt ra nước ngoài mang một lượng tiền mặt lớn thì rất bất tiện trong việc cất giữ cũng như bị an ninh kiểm tra. Do đó, chúng tôi đang thúc đẩy các hợp tác với các nước khác, đặc biệt là ở Đông Nam Á, để người Việt Nam có thể cà thẻ NAPAS hoặc thanh toán qua mã QR dễ dàng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam”, ông Hùng nói.
Đồng thời, ông cũng cho biết thanh toán qua mã QR đang phát triển rất mạnh, đặc biệt trong năm 2022 có thêm hai nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam là VNPT và Viettel tham gia vào mạng lưới thanh toán mã QR của NAPAS. Đã có khoảng 26 triệu lượt người dân sử dụng thanh toán qua mã QR. Thời gian tới thanh toán qua mã QR chắc chắn sẽ phát triển rộng hơn nữa.
Nâng cao kỹ năng tài chính cho người trẻ
Bà Kim Lan Anh, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), cho biết ngành ngân hàng đang hướng tới là toàn bộ người dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhóm người ít sử dụng, chưa sử dụng các dịch vụ tài chính, tập trung hơn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc các đối tượng là phụ nữ.
Nhóm người dùng mà Ngân hàng Nhà nước cũng dành nhiều quan tâm trong kế hoạch giáo dục tài chính là giới trẻ. “Người trẻ Việt Nam là đối tượng mà Ngân hàng Nhà nước đang muốn hướng đến để tập trung nâng cao hiểu biết, có kỹ năng tài chính tốt. Nhìn qua các nước trong khu vực, gần nhất là Singapore, giới trẻ họ rất am hiểu kỹ năng về tài chính. Điều đó rất tốt vì nếu hiểu về quản lý tài chính, quản lý chi tiêu thì thị trường tài chính sẽ rất phát triển”, bà Lan Anh nói thêm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, ngoài kênh tuyên truyền chính thức trên báo chí, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại và các đơn vị cung cấp các dịch vụ tài chính thường xuyên có thông tin, đưa ra cảnh báo làm sao ngoài tiêu tiền, người sử dụng dịch vụ hiểu về tài chính thông minh.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong mục tiêu thời gian tới, cơ quan này sẽ hướng tới cung cấp cho người dân những thông điệp dễ ghi nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện để ai cũng có thể xây dựng cho bản thân kỹ năng tài chính thông minh.
Người mua sắm ngày càng ít tiêu tiền mặt
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, giám đốc khối vận hành chuỗi Co.opmart – hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, cho biết ba năm gần đây số lượng giao dịch bằng thẻ, chuyển khoản và thanh toán bằng ví điện tử tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đều tăng trưởng mạnh so với năm trước đó.
Kết quả này chủ yếu đến từ tính tiện lợi hơn so với thanh toán tiền mặt: gọn nhẹ, tính tiền nhanh vì không phải chờ đếm tiền, thối tiền. Ngoài ra khi dùng thẻ thì còn nhận được nhiều ưu đãi từ ngân hàng phát hành thẻ.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thanh toán không tiền mặt đã len lỏi và tạo được chỗ đứng vững chắc trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng hằng ngày của người dân thành phố.
Đặc biệt trong các ngày cao điểm của “Lễ hội không tiền mặt – Cashless Town” từ ngày 16 đến 18-6 ở khu vực trung tâm quận 1 (TP.HCM) sẽ có nhiều hoạt động tăng cường kết hợp với các đơn vị thanh toán, hiện thực hóa các lợi ích mà thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đem lại.
Sẽ dẹp nạn tài khoản ngân hàng rác
Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Anh Tuấn thông tin từ đầu năm 2024 tất cả ngân hàng và trung gian thanh toán sẽ định danh giao dịch online dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia nhằm dẹp nạn có quá nhiều tài khoản ngân hàng sau khi được “chính chủ” lập ra đã bị mang đi bán lại.
Ông Tuấn cho biết Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đầu tiên phối hợp với Bộ Công an để triển khai kế hoạch khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và định danh điện tử.
Đây là kế hoạch rất quan trọng của ngành ngân hàng trong việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc làm sạch, định danh điện tử khách hàng cũng như cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng của mình trên cơ sở dữ liệu.
Trước tiên sẽ làm sạch dữ liệu trên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Hiện Ngân hàng Nhà nước đã kết nối với C06 để định danh chính xác từ số CMND cũ sang CCCD mới, làm sao đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.
Song song đó, các ngân hàng cũng phối hợp với cơ quan công an để rà soát lại dữ liệu. Đây chính là cơ hội để ngành ngân hàng làm sạch dữ liệu của mình.
Đảm bảo đúng nhân thân là bước đầu tiên, tiếp đến là đối chiếu xem người mở và người dùng tài khoản có khớp không. Hiện nay nan giải nhất là nạn cho thuê, cho mượn tài khoản để nhận tiền lừa đảo, sau đó đối tượng lừa đảo chuyển tiền đi vòng vòng qua nhiều tài khoản để chiếm đoạt.
Câu hỏi đặt ra là các ngân hàng phải làm sao chứng minh được người dùng là chính chủ. Vì hành vi lừa đảo chưa xảy ra khi mở mà chỉ xảy ra khi sử dụng tài khoản. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấn chỉnh và giao cho các ngân hàng tự xác định khẩu vị rủi ro của mình và đặt ra ngưỡng để yêu cầu xác minh.
Theo thống kê 4 tháng qua, 90% giao dịch liên ngân hàng có giá trị dưới 2 triệu đồng, như vậy chủ yếu là giao dịch nhỏ lẻ. Chỉ có 10% là giao dịch trên 2 triệu đồng. Tội phạm thường chỉ lừa tiền trăm triệu, tiền tỉ. Như vậy, các ngân hàng hoàn toàn có thể đặt ngưỡng 5 – 10 triệu đồng trở lên phải xác minh chính chủ.
Quá trình này chỉ mất 5 – 10 giây, hoàn toàn không ảnh hưởng đến trải nghiệm nhưng đảm bảo chính chủ, đúng theo quy định thông tư 23. Nếu xác minh không đúng chính chủ, ngân hàng có quyền tạm dừng giao dịch và yêu cầu xác thực tại quầy.
Theo Báo Tuổi Trẻ