Về trang chủ Kinh doanh Chứng khoán Hưng phấn bùng nổ, tiền vào ào ạt

Hưng phấn bùng nổ, tiền vào ào ạt

Tổng thanh khoản khớp lệnh HoSE và HNX sáng nay lên gần 11 ngàn tỷ đồng, bảng điện xanh mướt sau khi chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ đêm qua với tin CPI hạ nhiệt. Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng mạnh, VN-Index cũng nằm trong nhóm mạnh nhất thế giới với mức tăng 1,72%…
Tiền vào càng nhiều, giá tăng càng khỏe.

Tổng thanh khoản khớp lệnh HoSE và HNX sáng nay lên gần 11 ngàn tỷ đồng, bảng điện xanh mướt sau khi chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ đêm qua với tin CPI hạ nhiệt. Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng mạnh, VN-Index cũng nằm trong nhóm mạnh nhất thế giới với mức tăng 1,72%.

Tác động quan trọng của diễn biến CPI tại Mỹ là đồng USD giảm giá, từ đó làm giảm áp lực tỷ giá trong nước. Điều này đồng nghĩa với giảm sức ép lên chính sách duy trì lãi suất thấp của Ngân hàng nhà nước. Đó là điều thị trường chứng khoán mong đợi nhất.

VN-Index mở cửa đã có cú nhảy tăng 1,34% so với tham chiếu và duy trì trạng thái dao động đi ngang ở nền rất cao. Do cổ phiếu đồng loạt tăng rất mạnh ngay từ sớm nên khả năng leo dốc bị hạn chế. Đỉnh cao nhất chỉ số chạm tới là 1.132,75 điểm, tăng 2,07%. Chốt phiên sáng chỉ còn còn tăng 1,72% tương đương +19,1 điểm.

Diễn biến rất tích cực trong giao dịch sáng nay là thanh khoản rất khá, HoSE khớp tăng trên 15% so với sáng hôm qua, đạt khoảng 9.524 tỷ đồng chưa kể thỏa thuận. Độ rộng hoàn toàn áp đảo trọn phiên, với 491 mã tăng/58 mã giảm lúc chốt phiên sáng, trong đó 180 mã tăng trên 1% tương đương 51,2% tổng số cổ phiếu có phát sinh giao dịch.

Thực tế thị trường vẫn xuất hiện áp lực chốt lời, thậm chí sức ép khá mạnh ở nhiều cổ phiếu. Thống kê với HoSE, khoảng 49% số cổ phiếu đã phải lùi xuống so với giá đỉnh trên 1%. Trong bối cảnh thị trường rất hưng phấn và giá tăng trên diện rộng, biên độ lùi giá xuống như vậy phản ánh hiệu ứng chốt lời.

Tuy nhiên với độ rộng còn rất tốt và số lớn cổ phiếu tăng với biên độ rộng, sức ép chốt lời hoàn toàn “thất thủ” trước lực mua mạnh mẽ. Thêm nữa nhà đầu tư nào muốn bán hoàn toàn có thể chốt ở giá cao và không cần thiết phải hạ giá nhiều.

VN30-Index chốt phiên sáng đang tăng 1,94% trong khi Midcap tăng 1,09%, Smallcap tăng 1,61%. Nhóm cổ phiếu blue-chips tiếp tục dẫn dắt thị trường đi lên với toàn bộ 30 mã đều tăng, trong đó 26 mã tăng từ 1% trở lên. Dẫn đầu đang là MSN tăng 6,55%. Cổ phiếu này trong phiên có lúc chạm tới giá kịch trần. Ngoài ra VNM tăng 3,92%, SAB tăng 3,23%, ACB tăng 2,86%, VHM tăng 2,93%. Rổ này cũng có tới 10 mã tăng trên 2% so với tham chiếu.

Điều hơi đáng tiếc trong nhóm vốn hóa lớn nhất là VCB mới tăng 1,86%, VIC tăng 1,22%. Đây là hai cổ phiếu rất có ảnh hưởng tới VN-Index.

Chỉ số VN-Index bật tăng rất mạnh ngay khi mở cửa.

Sàn HoSE đang có 28 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng và nhóm này chiếm 66% tổng giá trị khớp cả sàn, thì có tới 14 mã tăng trên 2%, 11 mã tăng trong khoảng 1% tới 2%. Ngoài các cổ phiếu thuộc rổ VN30, có thể kể tới NVL tăng 3,11% với 270,9 tỷ; VND tăng 2,94% với 286,3 tỷ; DIG tăng 2,83% với 330,3 tỷ; VIX tăng 2,79% với 288,2 tỷ; HAG tăng 2,58% với 115,1 tỷ; PDR tăng 2,46% với 276,4 tỷ…

Nhóm 58 mã đi ngược dòng đáng thất vọng sáng nay không có giao dịch đặc biệt, phần lớn thanh khoản quá nhỏ. Duy nhất 3 mã thanh khoản trên 10 tỷ đồng là BMP giảm 1,15% với 15,4 tỷ; CTD giảm 0,63% với 76,5 tỷ; FRT giảm 0,38% với 13,3 tỷ. Điều này cho thấy các mã giảm giá có lực cầu yếu hơn là bị chốt quá nhiều.

Khối ngoại sáng nay cũng mua ròng khoảng 130 tỷ đồng trên HoSE. Quy mô này là quá nhỏ. Tổng giá trị mua khoảng 688,2 tỷ đồng, chiếm chưa tới 9% giao dịch. Ngay cả với các mã được mua nhiều nhất, cầu ngoại cũng không ảnh hưởng tới giá. SSI đang được mua khoảng 1,79 triệu cổ và mức ròng là 46,8 tỷ đồng thì cũng chỉ chiếm hơn 12% tổng thanh khoản của mã này. Các cổ phiếu khác được mua khá nổi là VNM +39,8 tỷ, PDR +34,2 tỷ, HDB +23,1 tỷ. Phía bán có MWG -32,1 tỷ, SAB -20 tỷ.

VN-Index chốt phiên sáng đã vượt qua ngưỡng đỉnh ngắn hạn tuần trước, xác nhận thị trường bước vào một nhịp tăng mới. Điều nay đang kích thích dòng tiền mua vào vì điều chỉnh là rất ngắn. Mặt khác, mối lo ngại lớn nhất lúc này là câu chuyện tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể khi sức ép tăng lãi suất thêm của FED cũng không còn.

Theo Kim Phong/Vneconomy

Có thể bạn quan tâm