Năm 2021, khi loạt tranh và ký họa chủ đề Sài Gòn thời giãn cách ra đời, tạo ấn tượng, gây tiếng vang cùng những cảm xúc lớn lao, thì họa sĩ Lê Sa Long dường như biến đâu mất giữa những đám đông. Trong dự cảm của tôi, Lê Sa Long hoặc đang ở trong một chặng nghỉ hoặc đang chìm ngập trong một dự án mới.
Nhưng linh tính thiên về vế sau hơn, bởi sau bao năm chơi với nhau, tôi biết Lê Sa Long là người của công việc, người ít khi ngoái lại để tự tưởng thưởng cho mình. Quả vậy, sau hơn một năm gặp lại, họa sĩ Lê Sa Long hồ hởi khoe anh đã đi hơn nửa chặng đường dự án hội họa mang tên Bánh mì Sài Gòn.
Vẽ bánh mì vì một lời hứa với cha
Lê Sa Long rất ít khi nói về mình cũng như chuyện gia đình. Nhưng góp nhặt qua những câu chuyện bên ly cà phê, tôi biết anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa. Trước năm 1975, cha anh, họa sĩ Thạc Đức, có một phòng vẽ ở số 275 Võ Tánh (nay là đường Lê Hồng Phong, TP.Quy Nhơn, Bình Định), và mấy người con trai lẫn con rể đều theo nghề vẽ như một nghề mưu sinh.
Nhưng trước đó, năm 1958, khi 20 tuổi, họa sĩ Thạc Đức đã đưa gia đình nhỏ của mình vào Sài Gòn. Ông cũng đăng ký học những khóa ngắn tại trường Mỹ thuật Gia Định. Năm 1962, ông lại đưa gia đình về Sa Đéc (Đồng Tháp) lập nghiệp. Ông làm giáo viên mỹ thuật trường Bồ Đề Sa Đéc và cộng tác với các báo Gió Nam, Tin Sáng, Đại Từ Bi… nên từ đó, ông cũng thường đi đi về về giữa Sa Đéc và Sài Gòn.
Họa sĩ Lê Sa Long chào đời trên mảnh đất phương Nam trù phú, bên cạnh dòng sông Tiền. Cái tên Lê Sa Long do người cha đặt, có nghĩa là “hạt cát bên dòng Cửu Long giang”.
Đến năm 1973, khi chiến sự trở nên căng thẳng, nghe theo lời thúc giục của người vợ, họa sĩ Thạc Đức đưa cả gia đình về lại Quy Nhơn, mở một tiệm vẽ nhỏ và sống ở đó cho đến ngày cuối đời (năm 2003).
“Câu chuyện bánh mì Sài Gòn này, cũng có thể nói là câu chuyện về người cha của tôi. Nhớ năm 1998, lần cuối cùng vào lại TP.HCM, hai cha con tôi đi dạo dọc đường Lê Lợi ra chợ Bến Thành và dừng lại rất lâu ở đó. Thực sự cha tôi rất muốn ở lại TP.HCM để sống và để vẽ. Cũng chuyến đi đó, ông nói về ý định triển lãm chung của hai cha con. Một triển lãm tri ân Sài Gòn”, họa sĩ Lê Sa Long bộc bạch.
Tri ân Sài Gòn thì không thể nào quên được những bữa cơm xã hội, những ổ bánh mì đường phố, những ly trà đá bến xe… Nghĩ về tất cả những điều đó, họa sĩ Lê Sa Long quyết định vẽ loạt tranh về bánh mì Sài Gòn. Nhưng vẽ bánh mì đâu có dễ như… ăn một ổ bánh mì. Vẽ bánh mì Sài Gòn là vẽ con người Sài Gòn, đường phố Sài Gòn, không khí Sài Gòn… Vẽ bánh mì cũng là miên man kể những câu chuyện về Sài Gòn.
Trong một khía cạnh khác, khi vẽ bánh mì Sài Gòn cũng là lúc họa sĩ Lê Sa Long hồi nhớ lại người cha của mình. Tôi không rõ trong bao nhiêu năm qua, anh đã rong ruổi qua bao nhiêu con phố, gặm bao nhiêu ổ bánh mì. Nhưng tôi biết một điều, khi cầm ổ bánh mì trong tay, thậm chí chỉ cần thoáng qua một tiếng rao bánh mì giữa khuya khoắt, trong anh đã là một cảm xúc khác. Vì lúc đó, đơn giản anh đang nhớ về người cha của mình.
Bánh mì kể chuyện
Họa sĩ Lê Sa Long bày ra rất nhiều tranh vẽ bánh mì. Thú thật tôi không biết bắt đầu từ đâu. Bởi ở đây không phải là biên niên sử bánh mì Sài Gòn. Bánh mì với Lê Sa Long, có khi là thơ, có lúc là tùy bút, cũng có khi như truyện ngắn. Mỗi bức tranh là một khoảnh khắc, một câu chuyện.
Nhưng định vị lại thì có lẽ là bắt đầu từ bức tranh vẽ tiệm bánh mì Hương Lan nổi tiếng trước Bưu điện Sài Gòn. Câu chuyện bánh mì gà ngon nức tiếng ở tiệm Hương Lan cùng với ký ức học trò trường Taberd trước năm 1975, chúng ta có thể đọc lại trong các tư liệu. Nhưng ở đây, khi nhìn tranh, thấy Lê Sa Long thật công phu trong việc xử lý tư liệu hình ảnh, sắp đặt những mảnh ký ức, làm sống lại không gian văn hóa độc đáo của Sài Gòn.
Tôi cũng dừng rất lâu trước bức tranh mà tôi tạm đặt tên là Bánh mì qua sông. Bức tranh đặc tả một bà mẹ miền Tây, có lẽ vừa đi thành phố về, mang theo một giỏ bánh mì. Đây cũng chính là không gian mà Lê Sa Long và người cha của mình cứ đáo đi đáo về giữa Sài Gòn và Sa Đéc. Nếu như không có cảm thức đó, thật khó có một họa sĩ nào vẽ được một bức Bánh mì qua sông như thế. Cho đến khi Lê Sa Long kể đây chính là bức tranh anh lấy cảm hứng từ ngoại Sáu, một người nông dân phúc hậu, mỗi tháng lên Sài Gòn thăm con một lần mà lần nào về cũng mua bánh mì chia cho khắp xóm; thì tôi thấy phỏng đoán của mình không sai. “Hình ảnh giỏ bánh mì với bó hoa cúng Phật của ngoại Sáu, tôi không thể nào quên được”, Lê Sa Long tâm sự.
Kể chuyện bánh mì Sài Gòn, làm sao quên được hình ảnh những người bán bánh mì trong đại dịch Covid-19. Vẫn đầy cảm xúc như mới ngày hôm qua, Lê Sa Long kể: “Đó là buổi tối mưa gió đầu tháng 6.2021, những ngày đầu giãn cách xã hội, tôi đang ở nhà một anh bạn trên đường Vũ Huy Tấn (Q.Bình Thạnh). Khoảng 9 giờ tối, tôi chợt nghe thấy tiếng rao bánh mì vang lên trong ngõ hẻm vắng lặng, chỉ hắt hiu ánh đèn vàng: “Bánh mì Sài Gòn đây. Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm ngon, ba ngàn một ổ…”. Tôi rưng rưng xúc động. Người bán hàng rong đã quá vất vả, không kể đêm hôm mưa gió, không kể dịch bệnh nguy hiểm để mưu sinh. Tôi mang thêm mấy phần cơm ra tặng chú và mua 10 ổ. Chú bán bánh mì rất cảm động. Sau đại dịch, tôi gặp con chú thì biết rằng chú đã qua đời vì Covid-19 vào tháng 8.2022. Giờ người con vẫn nối nghiệp cha mình bán bánh mì”.
Dù thực tại hay ký ức, chạm vào đâu cũng… thơm thảo bánh mì. Bánh mì thanh long đỏ của “vua bánh mì” Kao Siêu Lực trong câu chuyện giải cứu nông sản Việt vẫn chưa có hồi kết. Bánh mì của bà Ba Thi từ TP.HCM đưa ra Hà Nội trong Đại hội Đảng lần VI (năm 1986). Bánh mì trong trang phục của Hoa hậu H’Hen Niê tại Miss Universe (2018). Bánh mì với đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain. Bánh mì trước chợ Bến Thành những năm 1940 – 1950…
Cứ như thế, Lê Sa Long đang tiếp tục kể câu chuyện bánh mì hay là để bánh mì kể chuyện. Còn tôi, sau khi xem xong loạt tranh bánh mì này, cảm giác như thêm yêu Sài Gòn – TP.HCM gấp bội. Cảm giác, mỗi sớm mai thức dậy, sẵn sàng bước ra phố chỉ để được gọi một ly cà phê đá với một ổ bánh mì nóng hổi.
Xin giới thiệu với bạn đọc một số bức tranh trong bộ tranh Những câu chuyện về bánh mì Sài Gòn của họa sĩ Lê Sa Long.
Nhân Ngày bánh mì Việt Nam (24.3) và Lễ hội bánh mì lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM (30.3), họa sĩ Lê Sa Long giới thiệu khoảng 30 bức tranh (chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel, chì than) nằm trong dự án Bánh mì Sài Gòn. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm nay. Mong ước của Lê Sa Long là xuất bản một tập sách tranh bánh mì, đồng thời phối hợp cùng Báo Thanh Niên tổ chức triển lãm trong Ngày bánh mì thế giới (16.10.2023) hoặc nhân dịp Lễ hội bánh mì lần 2 năm 2024. |
Theo Báo Thanh Niên