Theo trang mạng eurasiareview.com, hãng tin CNBC dẫn một nguồn tin giấu tên từ Nhà Trắng nói rằng việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần sẽ khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm khoảng 0,1% mỗi tuần.
Giai đoạn bế tắc kéo dài nhất trong lịch sử giữa chính quyền và cơ quan lập pháp Mỹ đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngân sách ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn nhân viên và các nhà thầu dân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không nhượng bộ và cương quyết hướng đến mục tiêu có được số tiền 5,6 tỷ USD để xây bức tường dọc biên giới với Mexico.
Trong khi đó, đảng Dân chủ – hiện nắm quyền kiểm soát Quốc hội – cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là do nhân tố chủ quan và không nhất trí với dự thảo ngân sách dành cho bức tường mà Tổng thống Trump đề xuất.
Bình luận về bối cảnh chính trị nội bộ rối ren hiện tại ở Mỹ, học giả Louis Fisher, làm việc tại Dự án Hiến pháp thuộc Dự án Giám sát Chính phủ (POGO), một cơ quan giám sát độc lập và phi đảng phái chuyên điều tra các vụ tham nhũng, lạm dụng quyền lực hoặc lãng phí tài sản công, nhấn mạnh rằng sự cứng nhắc của Tổng thống Trump đã dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, đẩy nhiều chương trình chính phủ quan trọng tới trước các nguy cơ lớn.
Chuyên gia này giải thích thêm: “Cơ quan Lương thực và Thuốc men đã phải đình chỉ mọi kế hoạch thanh tra các cơ sở chế biến thực phẩm trong nước, khiến công tác đảm bảo sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm đối mặt với tình trạng báo động.
Người nông dân không được nhận trợ cấp. Các sân bay ở vào tình trạng quá tải trong công tác xét duyệt hải quan để đảm bảo an ninh. Các công viên quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều nhà thầu liên bang phải tạm dừng hoạt động. Hơn thế nữa, theo học giả Fisher, trong bối cảnh hiện nay, nhiều cửa hàng và doanh nghiệp cũng để mất một lượng lớn khách hàng.
Ông nói: “Dù Hạ viện hiện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua một loạt dự luật nhằm mở cửa trở lại các cơ quan chính phủ, song Thượng nghị sỹ Mitch McConnell – lãnh đạo phe đa số thượng viện của đảng Cộng hòa -lại nói rõ rằng ông ấy sẽ không chấp nhận bỏ phiếu về các dự luật này trừ phi Tổng thống Trump thực sự có ý định ký chúng.
Tính tới ngày 12/1, chính phủ đã có phiên đóng cửa dài nhất trong lịch sử. Chính đảng nào mới đáng là bên bị chỉ trích về những thiệt hại kinh tế và chính trị này?”. Ông Fisher cũng nhắc lại rằng Tổng thống Trump từng tuyên bố sẵn sàng áp đặt tình trạng “khẩn cấp quốc gia” để phục vụ kế hoạch xây bức tường nếu Quốc hội không thông qua số ngân sách mà ông yêu cầu.
Học giả Fisher nói: “Có một số nguồn chi mà Tổng thống có thể tận dụng, song ông ấy không có quyền ép buộc, chẳng hạn như tiền từ Bộ Ngoại giao. Không có quyền hạn nào cho phép Tổng thống lấy ngân sách từ Bộ Quốc phòng rồi dùng chúng cho các chương trình do cơ quan khác thực hiện như Bộ An ninh Nội địa. Những nỗ lực này đòi hỏi phải có một sự chuyển đổi quyền lực lập pháp từ Quốc hội sang Tổng thống.
Theo các nhà phân tích, bên cạnh việc ban bố tình trạng khẩn cấp để giải quyết vấn đề liên quan tới bức tường, Tổng thống Trump có thể dùng quyền hạn của nhà lãnh đạo tối cao. Chuyên gia Clive Williams, làm việc tại Đại học Quốc gia Australia, nói: “Với tư cách là một ‘Tổng tư lệnh,’ ông ấy có thể yêu cầu Lực lượng Công binh xây bức tường, đồng nghĩa với việc lấy nguồn ngân sách quốc phòng.
Tuy nhiên, theo ông Williams, chính quyền và quốc hội vẫn có thể tìm kiếm đồng thuận. Chuyên gia người Australia này lý giải: “Đến thời điểm nào đó đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chắc chắn sẽ thỏa hiệp về vấn đề hàng rào biên giới, loại hàng rào vật lý hoặc trên danh nghĩa, cũng có thể không kéo dài toàn bộ biên giới.
Ông Trump khi đó chắc chắn sẽ tuyên bố rằng đó là một chiến thắng. Những người chỉ trích sẽ nói rằng ông Trump đơn giản chỉ đang lừa phỉnh đám đông ủng hộ rằng bức tường đang được xây dựng, Mexico thì phải trả tiền cho nó và đó là bức tường tuyệt nhất từ trước tới nay…
Ông Trump đã nhiều lần nói sai sự thật, và thêm một lần nữa có lẽ cũng chả sao… Điều trớ trêu là Mỹ có nhiều vấn đề với những kẻ khủng bố thâm nhập vào Mỹ từ Canada hơn là từ Mexico. Một số người Mexico thậm chí còn nghĩ rằng sự hiện diện của bức tường là điều có lợi vì chúng giúp ngăn chặn những kẻ điên từ Mỹ”.
Trong khi đó nhà sử học Henry Brands, làm việc tại Đại học Texas ở Austin, thành viên Hiệp hội Sử gia Mỹ và Hiệp hội Triết học Texas, lại đặc biệt lưu ý tới tình hình bất ổn trong nước. Theo ông, việc đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện có thể nhanh chóng thay đổi căn bản nhiều thứ, và rất khó để dự đoán những diễn biến sắp tới.
Ông nói: “Phe Dân chủ sẽ tận dụng quyền hạn của mình thế nào, và Tổng thống phản ứng ra sao vẫn là điều cần phải theo dõi thêm. Hiếm khi chính trường Mỹ ở vào tình thế khó đoán như hiện nay.
Giáo sư Daniel Chirot, tác giả cuốn “Modern Tyrants” (tạm dịch: Những bạo chúa thời hiện đại), chuyên nghiên cứu các vấn đề về Nga và Âu-Á tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Henry M. Jackson, Đại học Washington, cũng cho rằng bối cảnh tại Mỹ hiện nay rất bấp bênh.
Ông nói: “Cả tổng thống và đảng Dân chủ đều không sẵn lòng thỏa hiệp về vấn đề bức tường biên giới. Đảng Cộng hòa thì không quyết tâm đối đầu với Tổng thống dù nhiều thượng nghị sỹ không hoàn toàn hài lòng với nhà lãnh đạo của mình. Sự tê liệt của chính phủ ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh, và những bế tắc cũng như mâu thuẫn sẽ tiếp tục kéo dài tới hơn 2 năm nữa.
Theo ông, nếu một cuộc khủng hoảng khác – trong lĩnh vực kinh tế, nội bộ hay liên quan tới các vấn đề quốc tế – nảy sinh, chính phủ Mỹ sẽ khó có thể đưa ra những phản ứng phù hợp và khôn khéo.
Ông nói thêm: “Nếu áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ bị cáo buộc là có hành vi vi hiến và thiếu trung thực, điều này sẽ càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi nó dính líu tới cả Tòa án Tối cao, cơ quan vốn ngày càng bị xem là có xu hương thiên lệch và thiếu công bằng.
Giáo sư Chirot cho rằng mọi chuyện nhiều khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn “tới khi bùng phát một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tới mức nó dẫn đến một thay đổi chính trị quan trọng nào đó.
Ông bình luận: “Điều này từng diễn ra trong giai đoạn suy thoái những năm 1930, và trong cuộc tấn công của phát xít Nhật hồi năm 1941. Năm 1860 tại Mỹ cũng từng diễn ra một cuộc nội chiến nghiêm trọng liên quan tới vấn đề nô lệ. Tất nhiên, chưa có tín hiệu nào cho thấy một cuộc khủng hoảng tương tự có thể xảy ra, song dù không phải là dưới thời Trump, cuối cùng khủng hoảng cũng sẽ bùng phát khi đất nước này bị chia rẽ nghiêm trọng.
Ông nhấn mạnh rằng tình hình cũng khó có thể cải thiện sau khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ. Theo ông Chirot, “thế giới cần thận trọng” bởi Mỹ dù sao vẫn là một cường quốc có sức mạnh cũng như ảnh hưởng về kinh tế và quân sự cực kỳ lớn và quốc gia này đang đối mặt với hàng loạt vấn đề.
Ông nói: “Bất kể một quốc gia nào đó tìm cách lợi dụng Mỹ đều có thể sẽ kích động một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Một con voi bị thương và giận dữ chắc chắn sẽ nguy hiểm hơn một con voi kiềm chế và sáng suốt”.
Theo Vietnamplus
Uganda: Bắt giữ 2 người Việt buôn lậu ngà voi trị giá hơn 2 triệu đô
Bình Dương: Đậu xe giữa đường nghe điện thoại, gây tai nạn nguy kịch
Chuyện Tết: Người dân Singapore tham công tiếc việc không muốn nghỉ nhiều
Thái Lan: Nữ quái dùng sex chiêu dụ đàn ông nước ngoài rồi cướp tài sản