Về trang chủ Xã hội Tin tức Hồ thủy lợi gần 300 tỉ đồng khởi công rồi để đó

Hồ thủy lợi gần 300 tỉ đồng khởi công rồi để đó

Công trình hồ chứa nước Lộc Đại tại huyện Quế Sơn, Quảng Nam được đầu tư gần 300 tỉ đồng, nhưng đã chậm tiến độ hơn 2 năm, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sản xuất cho hàng trăm hộ dân.
Hồ chứa nước Lộc Đại tại tỉnh Quảng Nam gần 300 tỉ đồng vẫn ngổn ngang, dang dở sau nhiều năm thi công, do nhiều vướng mắc. Ảnh: Hoàng Bin
Công trình trọng điểm

Dự án hồ chứa nước Lộc Đại ở xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn có tổng vốn đầu tư 291 tỉ đồng, được khởi công năm 2018. Đây là công trình trọng điểm phục vụ nước tưới nông nghiệp, cắt lũ cho vùng hạ du dân cư đông đúc.

Dự án có dung tích chứa nước hơn 4,2 triệu m3, thiết kế cấp nước cho 500 ha đất nông nghiệp, cải thiện sinh kế, giảm nghèo cho người dân hai xã Quế Hiệp và Quế Thuận, huyện Quế Sơn.

Dự kiến công trình hoàn thành tháng 12.2020, nhưng đến nay mới thi công xong cống xả tràn và một đoạn kênh chính hơn 100 m (tổng chiều dài 5 km). Trên công trường, máy móc lâu ngày không sử dụng đã rỉ sét.

Theo người dân địa phương, thời gian đầu đơn vị thi công chở máy móc, công nhân đến rất đông, nhưng đến cuối năm 2021 thì dừng.

Trước đây tại vị trí đang xây dựng hồ chứa, người dân ngăn suối đưa nước về phục vụ 50 ha lúa, nhưng mương cũ bị ảnh hưởng bởi công trình thi công nên xói lở rất nhiều, không dẫn được nước về ruộng.

“Xây hồ chứa nước để cấp nước cho dân mà bây giờ lại làm thiếu nước trầm trọng hơn nên người dân rất bức xúc” – ông Trần Hạnh, người dân địa phương kiến nghị.

Sai phạm, chậm trễ và tiếp tục gia hạn

Theo Ban Quản lí dự án xây dựng tỉnh Quảng Nam – chủ đầu tư dự án, nguyên nhân chậm tiến độ là do thiếu nguồn đất đắp.

Cụ thể, để đắp đập dài 672 m cần gần 800 nghìn m3 đất, tỉnh đã quy hoạch 3 mỏ đất, nhưng đến lúc thi công người dân không đồng tình cho khai thác. Ban đã đề nghị tỉnh cho phép quy hoạch mỏ mới, dự kiến năm 2024 mới triển khai đắp đập.

Ngoài ra, theo UBND huyện Quế Sơn, dự án kéo dài còn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng khi phải thu hồi gần 70 ha đất rừng và di dời khoảng 1.300 ngôi mộ.

Công tác đền bù giải tỏa khó thực hiện do có tranh chấp giữa các hộ dân về lịch sử, nguồn gốc sử dụng đất đai. Hiện trong khu vực thi công vẫn còn khoảng 800 ngôi mô chưa được di dời vì thiếu khu cải táng.

Ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn – cho biết, nếu tỉnh giao nguồn kinh phí sớm thì trong năm 2023, huyện cơ bản đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Đối với những vị trí không thuận lợi, đang có tranh chấp thì chờ Tòa án nhân dân huyện thụ lí, giải quyết.

Không chỉ trễ hạn hơn 2 năm, dự án này còn dính lùm xùm khi cuối năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu tỉnh Quảng Nam thu hồi nộp trả ngân sách nhà nước 927 triệu đồng và giảm nghiệm thu, thanh toán 533 triệu đồng của dự án này.

Nguyên nhân được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là do chủ đầu tư đã thực hiện nghiệm thu, thanh toán xác định sai chi phí tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công – dự toán, cắm cọc giải phóng mặt bằng.

Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến ngày 31.12.2025.

Có thể bạn quan tâm