Nhạc Việt đã đi qua giai đoạn ca sĩ nối đuôi nhau đầu tư MV tiền tỷ. Thay vào đó, “trend” mới nhất của giới ca sĩ Việt là khi nào phát hành album?
Chỉ 2-3 năm trước, sự hiện diện của một album trên thị trường nhạc Việt là điều xa xỉ. Số đông ca sĩ Việt đã chú tâm chạy theo trào lưu, đầu tư cho những sản phẩm mang tính chất “đánh nhanh rút gọn”, là MV. Với những ca sĩ nghĩ lớn hơn, chịu đầu tư hơn, họ tính đến phương án làm EP (đĩa mở rộng). Còn để sản xuất một album hoàn chỉnh là bài toán cân não cho tất cả. Ca sĩ càng nổi tiếng, ở vị thế cao, sẽ thêm đắn đo làm album.
Tình trạng ca sĩ “ngại” làm album kéo dài hơn 10 năm. Từ năm ngoái, album xuất hiện nhiều hơn trên thị trường. Đến năm nay, số lượng ca sĩ làm album tăng phi mã.
Nhiều ca sĩ/rapper gen Z chơi lớn
Ngay lúc này, 2 album của Obito và Hieuthuhai gây chú ý. Đó là 2 rapper gen Z, gia nhập cuộc chơi âm nhạc chưa lâu, nhưng “chơi lớn”. Obito chấp nhận gác lại hào quang sau Rap Việt mùa 2, dồn sức trong gần 2 năm để tạo ra album quy tụ 15 ca khúc và 5 đoạn nhạc bổ trợ. Trong khi đó, Hieuthuhai tạo ra album được đầu tư rất mạnh ở hình ảnh và chất lượng đầu ra âm thanh.
Trước đó, MCK, Tlinh là những rapper gen Z khác tung album đầu tay và cùng nhau khuynh đảo nhạc Việt. Xen lẫn vào đó, loạt album của Thắng (Cái đầu tiên), Cá hồi hoang (Chúng ta đều muốn một thứ), Phương Mỹ Chi (Vũ trụ cò bay) đều có chất lượng và thu hút khán giả. Đến hết năm 2023, nhạc Việt có thêm loạt album của Văn Mai Hương, Orange, Bùi Lan Hương.
Chuyện ca sĩ đổ xô làm album là chuyển động đặc biệt tích cực của thị trường nhạc Việt.
Ca sĩ Orange nhận định: “Một trong những lý do dẫn tới hiện tượng này là nhiều ca sĩ đang bị xáo trộn lịch trình. Năm nay, kinh tế khó khăn, ca sĩ bị ảnh hưởng về mặt chạy show, hợp tác với nhãn hàng. Do đó, các ca sĩ tập trung đầu tư sản phẩm, làm album tạo ra dấu mốc lớn cho sự nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn tới. Trước đây, Orange nói chuyện với nhiều ca sĩ, họ muốn làm album lắm, nhưng vì mải chạy show, không có thời gian tập trung đầu tư cho sản phẩm lớn”.
Đúng là một loạt ca sĩ đầu tư làm album, EP vì lý do đơn giản, họ đang “rảnh”. Một đơn vị quản lý nghệ sĩ tiết lộ với Tiền Phong về việc năm nay, loạt nhãn hàng cắt ngân sách đầu tư vào âm nhạc, thông qua các loại hình như tổ chức show, đặt hàng làm nhạc quảng cáo, mời ca sĩ làm gương mặt đại diện. Vì thế, số đông ca sĩ cũng tận dụng dịp này để đầu tư nghiêm túc vào sản phẩm âm nhạc.
Hiện tại, ca sĩ Việt ngày càng kiếm được nhiều tiền từ các nền tảng DSP (nghe nhạc trực tuyến), bên cạnh doanh thu từ YouTube. Ca sĩ càng có động lực để làm album và thu về những đồng tiền bền vững suốt đời từ nhạc số. Ví dụ, album 99% của MCK đã hút tổng hơn 100 triệu lượt nghe chỉ riêng nền tảng Spotify, tương ứng doanh thu không dưới 2,5 tỷ đồng trong chưa đầy một năm. Chỉ với một album thành công, MCK có cho mình cả gia tài.
Điểm tích cực tiếp theo là số đông ca sĩ/rapper làm ra những album đúng nghĩa. Đó là những album có câu chuyện, concept, mạch cảm xúc âm nhạc rõ ràng, thay vì một album được chắp vá từ những sản phẩm riêng lẻ. Giữa một loạt điểm sáng, vẫn có những album không tạo sự thuyết phục, giữ chân người nghe, dẫn đến chìm vào quên lãng một cách đáng tiếc như Space Jam Vol 1 của SpaceSpeakers và hàng chục nghệ sĩ khác – một album rời rạc, thiếu tính kết nối.
Trong công cuộc chuyển giao thế hệ của nhạc Việt, nghệ sĩ gen Z trỗi dậy ngày càng nhiều và đa phần đi theo hình mẫu singer – songwriter (ca sĩ – nhạc sĩ). Thậm chí, một loạt nghệ sĩ đang lấn sân sang vai trò của producer và cả sound engineer (kỹ sư âm thanh). Số lượng nghệ sĩ đa năng, tự chủ được khâu sản xuất nhạc ngày càng nhiều và sẽ không ngạc nhiên nếu giai đoạn tới, còn nhiều album đổ bộ vào thị trường.
Thị trường MV giảm nhiệt
Trên bình diện thị trường nhạc Việt, làm MV vẫn là phương án ưu tiên của mặt bằng ca sĩ. Tuy nhiên, nghệ sĩ Việt, kể cả những tên tuổi hàng đầu, không còn được nhãn hàng rót tiền mạnh như trước, dẫn đến phải sản xuất MV với kinh phí vừa phải. Sự chi phối của nền tảng TikTok cũng là lý do khiến các ca sĩ thay đổi tầm nhìn, không còn chơi tất tay vào MV trên YouTube.
Đây là giai đoạn mà khán giả ngày càng chú trọng vào chất lượng âm nhạc. Nhạc Việt từng bị chi phối bởi khái niệm “MV tiền tỷ”. Đó là quân bài hữu hiệu nhất để ca sĩ cho thấy sự đầu tư của mình, dùng từ khóa “tiền tỷ” để quảng bá sản phẩm. Nhưng sau nhiều năm, khán giả đã chán ngấy công thức như vậy. Nhạc Việt giờ không còn chỗ cho những MV đốt tiền, hình ảnh, màu sắc lòe loẹt, phô trương và chi cát-xê cao để mời nhiều người nổi tiếng nhất có thể.
MV Ý trời của Đông Nhi, được đầu tư công phu đã thất bại. MV Bartender của Dương Triệu Vũ và Đàm Vĩnh Hưng, được giới thiệu là dùng kỹ xảo 3D đến 90% cũng thất bại. Thứ mà số đông khán giả thị trường đang quan tâm, trước tiên là chất lượng âm nhạc. Còn với MV, những sản phẩm đơn giản, có câu chuyện rõ ràng đang là xu hướng.
Sự chi phối của nền tảng YouTube với âm nhạc Việt Nam ngày càng suy giảm. Khoảng 3 năm trước, sản phẩm MV cán mốc 100 triệu lượt xem trở lên không đếm xuể. Giờ, một MV qua mốc 50 triệu lượt xem đã khan hiếm. Chuyện một sản phẩm âm nhạc giữ top đầu trending trên YouTube giờ cũng không nói lên quá nhiều, thay vào đó, quan trọng nhất vẫn là sản phẩm đó giữ chân khán giả, có yếu tố nghe lại tốt cỡ nào.
TikTok trỗi dậy đã khiến YouTube giảm sức ảnh hưởng. Bên cạnh đó, sự phát triển của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, trả phí, như Spotify và Apple Music khiến YouTube dần không còn là nơi lý tưởng để nghe nhạc.
Tổng quan về chuyển dịch của thị trường, từ việc nghệ sĩ chịu khó làm sản phẩm quy mô hơn, cho đến việc dần thoát khỏi ám ảnh phải “đốt tiền” vào MV và ngày càng kiếm nhiều tiền từ nhạc số, đó là tín hiệu tốt.
Theo Hồng Hà/Tiền Phong