Về trang chủ Xã hội Tin tức Hiểm họa từ thiết bị phá sóng, kích sóng ‘lậu’: Nguy cơ cao mất an toàn, an ninh

Hiểm họa từ thiết bị phá sóng, kích sóng ‘lậu’: Nguy cơ cao mất an toàn, an ninh

Trả lời Thanh Niên, TS Tạ Sơn Xuất, Khoa Kỹ thuật truyền thông, Trường Điện – điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng các thiết bị điện tử gây ra can nhiễu phần lớn đều là hàng nhập lậu. Các sản phẩm này sẽ không công bố rõ tần số sóng sử dụng vì nếu ghi như vậy thì phải thực hiện thủ tục đăng ký, cấp phép với cơ quan chức năng.

Đối với máy phá sóng, đây là thiết bị chuyên dụng sử dụng cho công an, quân đội để làm án, truy bắt tội phạm hoặc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Còn nếu cá nhân, đơn vị muốn sử dụng phải được cấp phép từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT).

TS Tạ Sơn Xuất nhấn mạnh cá nhân, đơn vị nếu tự ý sử dụng thiết bị phá sóng là hành vi rất nguy hiểm, ngay cả ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới, việc sử dụng máy phá sóng là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi thiết bị này gây ra nhiều mối nguy hiểm khi nó phá hết các dải tần, thậm chí là các dải tần thấp chỉ sử dụng cho những cuộc gọi báo hiệu sự nguy hiểm và cầu cứu cấp bách (SOS). Cụ thể ở máy điện thoại di động luôn có một kênh khẩn cấp, khi tắt tất cả các dịch vụ, thậm chí ngay cả khi để ở chế độ máy bay thì thi thoảng điện thoại vẫn có thể gọi SOS vì nó dùng một kênh với tần số nhỏ hơn, chỉ dành cho những dịch vụ khẩn cấp như 113, 114… Nhưng nếu sử dụng máy phá sóng thì những tần số này đều bị phá hết và sẽ không thể thực hiện các cuộc gọi SOS. Theo đó, ở nhiều quốc gia, sử dụng máy phá sóng là hành vi không được khuyến khích, thậm chí là hành vi bị cấm, vi phạm pháp luật.

Cũng theo TS Xuất, đối với các doanh nghiệp lớn cung ứng các dịch vụ tài chính, các ngân hàng… thường có những giao dịch lớn, cần phải duy trì tín hiệu wifi liên tục nếu bị phá sóng hoặc thất thoát tín hiệu thì nguy cơ thiệt hại là rất lớn. Đặc biệt, những loại máy phá sóng nếu được sử dụng trong những trường hợp với mục đích xấu, phá hoại thì có nguy cơ cao mất an toàn, an ninh trật tự.

“Các thiết bị gây can nhiễu, phá sóng, kích sóng… vừa qua ảnh hưởng đến cửa cuốn, smartkey xe máy, ô tô chỉ là chuyện bình thường. Nhưng có những trường hợp là sự kiện lớn, sử dụng thiết bị bay không người lái nếu bị phá sóng hoặc chiếm quyền điều khiển, các thiết bị này đang bay mà đột ngột dừng lại sẽ xảy ra tai nạn hoặc bị chiếm quyền điều khiển giống như UAV tự sát là rất nguy hiểm”, ông Xuất nói.

Ông An Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 1, từ việc phát hiện ra tín hiệu gây nhiễu tại một số khu vực ở Hà Nội, các chuyên gia của Cục Tần số vô tuyến điện đã tịch thu, thu giữ thiết bị, truy vết ngược lại các cơ sở bán thiết bị kích, phá sóng. Nhiều người dân cho biết do nhu cầu sử dụng điện thoại trong gia đình cao, trong khi ở Hà Nội có nhiều ngõ, ngách nhỏ, nhà cao tầng che chắn nên sóng di động kém hoặc không có nên họ phải lên mạng tìm hoặc thông qua số điện thoại giới thiệu để liên hệ hỏi mua những thiết bị này.

Cũng theo ông Hải, việc truy vết nguồn hàng rất khó khăn, người dân đều nói mua trên các trang thương mại điện tử khi nhận hàng không có chứng từ hoặc không còn giữ. “Qua một số điện thoại tìm trên mạng, chúng tôi cũng đã gọi điện hỏi mua, có trường hợp không liên lạc được, có trường hợp cảnh giác, yêu cầu phải đến khảo sát trước, rồi mới lắp đặt chứ không cho xem thiết bị trước. Như vậy có thể thấy những trường hợp bán các thiết bị này đã có các biện pháp né tránh, tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện”, ông Hải nói.

Theo Phan Hậu – Thu Hằng/Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm