Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và ngày càng lớn mạnh, đang tiến gần đến Top 100 thành phố năng động nhất toàn cầu…
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM tiến gần Top 100 năng động nhất thế giới – Ảnh minh họa.
UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Thành phố giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Đề án).
Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và ngày càng lớn mạnh, đang tiến gần đến Top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu và được xếp hạng thứ 2 về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Nhờ đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Ngoài ra, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vai trò của năng suất chất lượng, đảm bảo đo lường dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phục vụ hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đầu tư của xã hội cho khoa học và công nghệ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, khung pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chưa được hoàn thiện đầy đủ, nhất là trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp và hợp tác quốc tế.
Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; Thiếu sự liên kết phối hợp trong đào tạo, xây dựng môi trường sinh thái cho giảng dạy, nghiên cứu, đưa ý tưởng vào sản xuất – kinh doanh; Mối liên kết trong hoạt động khoa học và công nghệ giữa trường – viện và doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa thực sự chặt chẽ và bền vững.
Đánh giá 5 năm thực hiện Đề án, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa có khả năng cạnh tranh cả về chất lượng và số lượng, nguồn lực tài chính cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp so với hệ sinh thái các thành phố trong khu vực. Đồng thời, vai trò đóng góp của doanh nghiệp SMEs (nhỏ và vừa) trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa hiệu quả, chưa có sự liên kết với thị trường và các vấn đề xã hội quan tâm.
Cùng với đó, thị trường khoa học và công nghệ đã phát triển nhưng còn chậm; hoạt động mua, bán công nghệ và lưu thông kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ còn bị hạn chế do thiếu các tổ chức trung gian, môi giới, các quy định pháp lý cần thiết, đặc biệt là hệ thống bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ. Hệ thống dịch vụ khoa học và công nghệ, bao gồm thông tin khoa học và công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực cung cấp dịch vụ.
Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn hạn chế. Cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; Các tổ chức khoa học và công nghệ chưa chú trọng đúng mức đến hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Thiếu các mô hình triển khai ứng dụng về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp nên chưa thể hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, xây dựng, áp dụng các mô hình theo thực tế…