Trong khi nhiều nước sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước thì tại VN, nhiều hàng nhập khẩu đang “đè” hàng nội, mà thịt heo và thịt gà là điển hình.
Thịt rẻ hơn rau, đi vào bếp ăn tập thể
Chỉ cần lướt web và gõ từ khóa “thịt nhập khẩu” hoặc “thịt đông lạnh”, sẽ có hàng trăm ngàn kết quả từ các đơn vị cung ứng. Hay như các trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện tràn lan những nơi cung cấp sản phẩm hàng nhập khẩu thịt đông lạnh. “Giá cực rẻ”, “xả kho”, “bao ship tận nơi”, “số lượng lớn đầu tấn”… là những lời rao như dội bom vào tâm lý chuộng giá rẻ của nhiều người, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm hiện nay.
Trên một fanpage của công ty thực phẩm A.T.P, hàng loạt sản phẩm đông lạnh được chào bán nhưng bảo quản lại hết sức sơ sài, chỉ là một tủ mát kích thước trung bình để ở vị trí… giặt quần áo trong nhà. Còn người bán hàng dùng tay không để xé bao bì, cầm nắm để chụp hình ngay vị trí container… Nhũ heo, tim heo, chân heo, móng heo, đùi gà… mua bao nhiêu cũng có. Khi chúng tôi hỏi xuất xứ và các giấy tờ chứng nhận chất lượng, nhân viên ở đây chỉ khẳng định an toàn nhưng không trưng ra bất cứ giấy tờ nào.
Gửi cho chúng tôi bảng giá sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, không giấu được tiếng thở dài ngao ngán: “Các anh thấy không, bây giờ thị trường tràn ngập các loại phế phẩm, phụ phẩm chăn nuôi, giá nội tạng còn rẻ hơn giá rau ngoài chợ. Bán hàng thì họ giao dịch trên mạng, tìm trên thị trường không thấy, nhưng thực tế thì hằng đêm đều có xe đi giao tận nơi. Bán vào đâu? Chính là vào bếp ăn tập thể, vào trường học, vào nhà hàng chứ đâu”.
“Người tiêu dùng làm gì phân biệt được thịt nào là thịt nào. Cục Thú y nói rằng không có thịt thải loại nhập khẩu, nhưng có ai quản lý được thời hạn sử dụng của sản phẩm này? Khi nhập về có thể là còn hạn sử dụng, nhưng đến lúc tiêu thụ thì quá date (thời hạn sử dụng – NV), sửa date. Ai quản lý được việc lưu thông, bảo quản? Cơ quan chức năng đôi lúc cũng phát hiện vài vụ thịt bẩn đang vận chuyển, nhưng con số này chỉ là phần nổi, còn thực tế con số cụ thể bao nhiêu không ai biết”, ông Ngọc nói thẳng.
Nhiều dân buôn trong nghề cho biết với các loại phế phụ phẩm như da, xương, mỡ, lòng, nước hầm xương…, nếu giá càng rẻ thì tỷ suất lợi nhuận càng cao. Theo số liệu hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 626 triệu USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải thích của giới dân buôn, giảm phần lớn là do giá chứ lượng chỉ có tăng.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN (VIPA): Ngành chăn nuôi và cả người tiêu dùng trong nước thời gian qua phải sống chung với nhiều bất cập. Thứ nhất là nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi thải loại ở nước ngoài về làm thực phẩm cho người. Thứ hai là không có hàng rào kỹ thuật để lọc những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn. Cụ thể, từ năm 2014 VN đã cấm sử dụng chất Ractopamine, Cysteamine trong chăn nuôi cùng với 160 quốc gia khác vì đây là chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi, nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng. Nhưng nghịch lý là hằng năm VN vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt heo, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng hai chất nêu trên cho gia súc, gia cầm.
Chính vì vậy, ông Sơn kiến nghị cần kịp thời ban hành chính sách cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.
Sớm bịt lỗ hổng bằng hàng rào kỹ thuật
TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, thừa nhận: “Có rất nhiều vấn đề liên quan chất lượng thịt nhập khẩu. Sản phẩm thịt nhập khẩu vào VN với giá rẻ nằm ở một số dạng chính như: Hàng dự trữ quốc gia, họ để đến cận date thì xả kho giá rẻ. Hiện nay, date của ta cho phép cũng chỉ 3 tháng trong khi thông thường phải cần tối thiểu 6 tháng. Date thấp sẽ liên quan trực tiếp đến vấn đề lưu kho, vận chuyển, phân phối… Thứ hai, phế phụ phẩm thường người bản xứ họ không dùng, nếu xuất đi đâu được giá rẻ thì họ xuất, còn không dùng chế biến thành thức ăn chăn nuôi”.
Có lỗ hổng về quản lý
Trong cuộc họp giao ban hằng tháng gần đây của Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Cục Thú y (đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm thịt nhập khẩu) cho biết vì gà thải loại trong nước vẫn dùng làm thực phẩm cho người nên phải cho nhập khẩu. Đối với các sản phẩm thịt nói chung, theo quy định hiện nay, tỷ lệ kiểm tra lô hàng nhập khẩu là 5%, nghĩa là trong 100 lô hàng chỉ kiểm tra 5 lô hàng. Kiểm tra thực phẩm động vật trên cạn nhập khẩu (thịt gà, thịt lợn, thịt bò…) trong 2 năm qua, cơ quan thú y chưa phát hiện vụ việc nào có tồn dư dư lượng trên thực phẩm đến mức phải cảnh báo. Đơn vị này cũng cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục đang rà soát lại tiêu chuẩn thực phẩm của các nước đang xuất khẩu thịt vào VN.
Trước những lý giải về việc quản lý và kiểm soát chất lượng thịt đông lạnh nhập khẩu, ngay cả Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng phải “chốt” lại: “Rõ ràng là có lỗ hổng quản lý nhà nước”.
“Chính vì vậy điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm của nhóm sản phẩm này cũng không được bảo đảm. Thứ nữa là nếu là hàng đông lạnh thì khi xuất bán cũng phải dạng đông lạnh. Nhưng ở ta khâu này quản lý rất lỏng lẻo. Đấy là thực tế không thể chối cãi. Bên cạnh đó là, kiểm tra nhập khẩu cũng cùng một đơn vị là Cục Thú y, giám sát lưu thông phân phối cũng đơn vị này. Vậy một người cùng làm hai việc thì cũng chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi, làm sao phát hiện nếu có sai phạm ở khâu nhập khẩu?”, ông Đạt nêu.
Tuy nhiên, theo ông Đạt, vấn đề chính của VN vẫn là chưa có hàng rào kỹ thuật để ngăn hàng kém chất lượng. Câu chuyện này đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, cách đây 4 – 5 năm, Thái Lan và Trung Quốc đã xây dựng được hàng rào kỹ thuật và giờ hoạt động rất hiệu quả. Chúng ta cần có một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm xây dựng hàng rào đó. Thứ hai là bảo vệ sản xuất trong nước trước những tác động xấu từ bên ngoài.
“Hàng rào kỹ thuật ngoài việc nâng chất hàng nhập khẩu còn là công cụ thị trường giúp cơ quan quản lý có thể điều tiết và cân đối cung cầu của thị trường. VN cũng cần sớm có một công cụ kỹ thuật và nên bắt đầu bằng các sản phẩm lương thực thực phẩm nhập khẩu”, ông Đạt nói.
TS Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. VN có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số nước trong khu vực nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu sản phẩm thịt như thời gian vừa qua.
Theo Báo Thanh Niên