Khác với mọi năm, 22 Tết năm nay các quầy hàng ở chợ truyền thống thưa khách dù giá cá chép và rau củ giảm mạnh.
9h sáng hôm nay (22 tháng Chạp, tức trước lễ cúng ông Công, ông Táo một ngày), chị Hạnh – chủ cửa hàng trái cây ở chợ Xóm Mới, quận Gò Vấp (TP HCM) – nhiệt tình mời khách nhưng không có ai ghé mua. “Cả buổi sáng chỉ 2-3 khách đặt hàng, giảm 70% so với năm ngoái”, chị Hạnh nói.
Tương tự, chị Loan – người duy nhất bán cá chép sống tại chợ này – cho biết số lượng khách hỏi mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Người dân thắt chặt chi tiêu, tôi đã dự trù giảm 50% lượng hàng mà vẫn ế”, chị cho hay.
Theo ban quản lý chợ Xóm Mới, mọi năm có 5-6 quầy bán cá chép dịp ông Táo, nay chỉ còn một sạp vì sức mua yếu. Giá cả rau củ, thịt, cá hôm nay không khác so với thường ngày, thậm chí vài sản phẩm như trứng, thịt heo giảm 5%. Chỉ cá biển, mực, tôm khô tăng giá, nhưng khách rất vắng.
Khảo sát các chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Nguyễn Tri Phương (quận 10) lượng khách mua hàng cũng thưa thớt. Các tiểu thương cho biết những năm trước, cá chép, thịt gà, heo, giò chả bán 9-10 giờ sáng là hết hàng, nay tới 12h trưa vẫn dư.
Tình hình ảm đạm cũng diễn ra ở các khu chợ Hà Nội. Một chủ cửa hàng vàng mã tại chợ Ngã Tư Sở cho biết năm nay chỉ dám nhập gần 30 bộ đồ cúng, giá bán không thay đổi so với năm ngoái, dao động 30.000-100.000 đồng một bộ. Các sản phẩm khác như tiền vàng, rượu, thuốc, trầu cau cũng ngang giá. “Tôi chỉ nhập vừa đủ, túc tắc bán. Bởi nếu không bán hết những hàng hóa này phải để đến tận năm sau”, chị nói.
Chị Hoa, tiểu thương bán gà tại khu chợ này cho biết hàng hóa ế hơn so với năm ngoái. “Trước khách còn phải đứng xếp hàng chờ tôi làm gà, nay thì đỏ mắt tìm không thấy khách dù giá giảm”, chị nói.
Tại một số chợ đầu mối ở Thủ Đức, Hóc Môn, nhiều quầy hàng trước đây bán hết trong đêm, nay kéo dài tới sáng. Thậm chí, nhiều thương nhân phải khuyến mãi, giảm giá để xả hàng.
Báo cáo của các chợ đầu mối ở hai thành phố lớn cho thấy lượng hàng nhập về chợ dồi dào, nhưng sức mua không tăng so với ngày thường. “Chưa năm nào sức mua yếu như năm nay dù đã cận kề Tết”, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn nói.
Tình hình này cũng được ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Công Thương TP HCM, đề cập tại phiên họp kinh tế – xã hội của thành phố sáng 1/2. “Giá hàng không biến động lớn, nhưng sức mua tại chợ truyền thống thấp”, ông Vũ nói.
Bù lại, các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, thương mại điện tử sôi động hơn, nên theo Sở Công Thương “về tổng thể nhu cầu mua sắm của người dân vẫn tăng”.
Trong khi đó, tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao năm nay được giảm thiểu, theo ông Nguyễn Trần Phú, Phó giám đốc Sở Tài chính TP HCM. Thống kê của cơ quan này cho thấy, giá các mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc gia cầm, rau quả và bia rượu nước giải khát bình ổn. Riêng mặt hàng bánh kẹo tăng giá khoảng 5% so với ngày thường.
Thu thập báo cáo từ các quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở Tài chính cho biết sức mua tại các chợ truyền thống giảm 10-15% nếu so với cùng kỳ. Trong khi đó, sức mua tại hệ thống siêu thị tăng 20% so với ngày thường, chủ yếu là khách mua gói quà Tết. Dự báo giai đoạn giáp Tết (từ 1 đến 9/2), sức mua tại chợ truyền thống tăng khoảng 20-30% so với ngày thường.
“Những ngày tới, nhìn chung giá cả đa số mặt hàng ổn định, riêng thịt heo rau củ quả bánh chưng tăng nhẹ nhưng sức mua không tăng nhiều do người dân về quê ăn Tết sớm và ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn”, ông Phú nhận định.
Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa gắn với Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP HCM đề nghị sở Công Thương, sở Du lịch phối hợp cùng sở Thông tin – Truyền thông, Trung tâm Chuyển đổi số và các sở ngành liên quan phát huy các hoạt động như livestream bán hàng ở chợ Bến Thành và các điểm mua sắm vào cuối năm để kích cầu.