Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Hà Nội giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế

Hà Nội giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế

Sau 70 năm Giải phóng Thủ đô, đến nay Hà Nội đã có những bước phát triển và trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế chia sẻ với DĐDN nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-101/10/2024).

Những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được trong 70 năm sau ngày giải phóng là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển chung của cả nước.

– Ông đánh giá như thế nào về vai trò là đầu tàu kinh tế của Thủ đô Hà Nội đối với sự phát triển chung của cả nước kể từ sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954?

Trước năm 1954, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội thấp hơn rất nhiều so với các Thủ đô của các nước xung quanh, cũng như các tỉnh thành trong nước.

Đây là áp lực lớn cho Hà Nội sau ngày giải phóng. Năm 1957, Hà Nội đã xoá bỏ được nạn mù chữ, nâng cao được năng lực của người lao động, từ đó tạo ra những bước phát triển mới về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội.

Năm 1968 Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp của miền Bắc, từ đó cung ứng cho cả nước về sức người, sức của, khoa học công nghệ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đến nay, Hà Nội đã trở thành trung tâm khoa học, công nghệ cũng như là một trung tâm sản xuất lớn của cả nước, với lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao và trở thành đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế khu vực phía Bắc.

Hà Nội đóng góp vào trong các chỉ số kinh tế của cả nước rất lớn. Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số, nhưng hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Quy mô thu nhập của Hà Nội cũng tăng trưởng rất mạnh mẽ, từ năm 2010 đến năm 2023 với GRDP thường dẫn đầu cả nước ở mức tăng trưởng khoảng 7%. Đặc biệt, năm 2023, Hà Nội lần đầu tiên có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn TPHCM.

Để phát triển kinh tế-xã hội vượt bậc như vậy, Hà Nội đã có được mối quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương, tỉnh thành xung quanh. Trong đó, với vai trò là trung tâm công nghiệp, công nghệ của cả nước những lợi thế trên đã được Hà Nội phát huy một cách tốt nhất.

Hà Nội đã trở thành thành phố động lực để tạo ra mạng lưới liên kết với các tỉnh, thành lân cận. Đồng thời, Hà Nội cũng có sức ảnh hưởng và lan toả đến cả khu vực phía Bắc, thậm chí với cả nước.

Thực tế, chính sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Hà Nội với các địa phương đã hỗ trợ cho kinh tế Hà Nội phát triển một cách mạnh mẽ, trên cơ sở cung cấp các nguyên, nhiên vật liệu, linh phụ kiện, hàng hoá để giúp cho Hà Nội có được sự bình ổn về giá cả hàng hoá, cũng như có các nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, xây dựng…

Đặc biệt, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô 2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Theo đó, Luật Thủ đô 2024 quy định Hà Nội được giao nhiều quyền, trong đó có quyền tự quyết định các dự án đầu tư có lợi ích với địa phương, cũng như phát huy với vùng và cả nước.

Hà Nội có thể thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố. Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi) cũng giao cho Hà Nội quyền được phát hành trái phiếu, huy động vốn để xây dựng các dự án và tự hoàn trả.

Như vậy, quyền về quy hoạch và định đoạt sự phát triển, cùng sự tăng cường các mối liên kết, tạo ra sự gắn kết trong mạng lưới sản xuất kinh doanh với các địa phương sẽ góp phần tạo cho Hà Nội có cơ hội phát huy vị thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như vai trò với các tỉnh thành trong cả nước.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh.

– Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tận dụng lợi thế trung tâm kinh tế vùng cũng như của cả nước như thế nào để tạo ra động lực tăng trưởng mới, thưa ông?

Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi) đang tạo cho Hà Nội phát triển, nhưng cũng yêu cầu Hà Nội phải tự chịu trách nhiệm về mình cao hơn, phải có quyết tâm thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo đường lối phát triển kinh tế-xã hội của mình.

Đặc biệt, trong hoạt động đầu tư, phát triển và trong quá trình tái cấu trúc các cơ cấu sản xuất một cách chủ động. Đây là cơ hội lớn cho Hà Nội bứt phá thời gian tới từ Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi).

Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi) mở ra cho Hà Nội tự quyết định các dự án quan trọng, có thể tự đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương thông qua HĐND. Và, nếu cần cũng cho phép Hà Nội được phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư…

Như vậy, Hà Nội sẽ phải tự tìm kiếm cơ hội, tự lập ra dự án và tính toán hiệu quả, tự chịu trách nhiệm hoàn vốn trước nhân và Quốc hội. Việc này đòi hỏi tính tích cực và chủ động của người đứng đầu thành phố.

Với Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi), khi người đứng đầu biết phát huy vai trò của mình thì cơ hội phát triển của Hà Nội sẽ còn cao hơn, xa hơn, đồng thời thể hiện được vị thế của một trung tâm khoa học, công nghệ, trung tâm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, không chỉ với khu vực phía Bắc mà còn đối với cả nước.

Trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn 1,2 – 1,5 lần mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước.

– Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Hà Nội đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Hà Nội cần tập trung vào phát triển nền kinh tế xanh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Để tái cơ cấu kinh tế-xã hội, tạo ra động lực kinh tế mới phát triển nhanh và bền vững, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất, phải đẩy mạnh số hoá nền kinh tế, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hà Nội là nơi tập trung trí thức lớn, có khả năng về khoa học công nghệ cao, người sử dụng các thiết bị công nghệ nhiều…

Do đó, Hà Nội đang là địa điểm có thể phát huy được kinh tế số để tiết kiệm chi phí, xây dựng các kho dữ liệu lớn phục vụ cho việc đánh giá, quy hoạch và phát triển nền kinh tế của đất nước.

Thứ hai, đối với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây đang là xu hướng chung của nền kinh tế thế giới. Như vậy, Hà Nội phải đi đầu trong việc tạo ra nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của cả nước.

Vì, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo ra sản phẩm nhiều nhất với mức tiêu hao nguồn tài nguyên thiên nhiên thấp nhất, khả năng tái tạo, tái sử dụng cao nhất.

Thứ ba, Hà Nội muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Bắc và của cả nước, Hà Nội phải đi đầu trong việc thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Từ đó phát triển một nền kinh tế bền vững, tạo ra năng suất lao động cao hơn, động lực phát triển mới hơn nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia đã vướng phải trong thời gian vừa qua.

Thứ tư, mong muốn dẫn đầu của Hà Nội cũng như của trung ương với Hà Nội không chỉ là tiềm năng mà thực tế có thể thực hiện được. Do đó, rất cần sự linh hoạt, chủ động và những chỉ đạo quyết liệt của chính quyền thành phố, đặc biệt là người đứng đầu Hà Nội trong tương lai.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm