Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự hội nghị này.
Trong bài tham luận tại hội nghị, ông Laurent Umans – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan đưa ra thông tin rằng mặt đất TP.HCM đang bị sụt lún với tốc độ khoảng 7cm mỗi năm và tăng dần qua từng năm.
“Đây là một hồi chuông báo động vì nó không đơn giản là vấn đề mà còn là mối đe dọa hiện hữu với thành phố và người dân. Sự tồn tại của thành phố đang bị đe dọa. Theo dự báo, khoảng 30 năm, 50 năm hay 100 năm nữa, một phần lớn thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy” – ông Umans cho hay.
Theo ông Umans, có ba vấn đề liên quan đến nguồn nước. Thứ nhất là biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng, dù chỉ vài mm mỗi năm nhưng về lâu dài đây là vấn đề rất đáng kể. Thứ hai là vấn đề sụt lún và thứ ba là mực nước ngầm giảm.Ông đề nghị cần tiếp cận vấn đề của thành phố như với một cơ thể sống – có thể như một con rồng: đôi khi thông minh, đôi khi ngu ngốc, đôi khi sáng tạo nhưng cũng có những khi phá hoại.
Các chuyên gia Hà Lan cho rằng TP.HCM nên phát triển về hướng cao…
Lấy ví dụ về Hà Lan, ông Umans cho biết, đất nước ông đã phát triển các cách quản lý để đảm bảo các thành phố và cả vùng đồng bằng “có khả năng chống chọi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không thể dự báo”.
Ông Umans nhận định, thành phố không nên chờ đợi và nghiên cứu, thay vào đó cần hành động ngay bằng cả “các biện pháp không hối tiếc” và thiết kế các lộ trình nhằm thích ứng để thành phố có thể chủ động trong việc này.
Xét trên giải pháp tổng thể, ông Umans khuyến nghị thành phố nên di chuyển các cảng biển về phía biển, không nên phát triển thành phố về hướng này mà nên mở rộng về vùng đất cao hơn, vững chắc hơn.
…Và hãy trả đầm lầy về lại cho hoa sen.
Cũng tại hội nghị, báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước cho biết, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn (trước 1975) cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người, tương ứng với quy mô hệ thống thoát nước thời điểm đó. Nhưng hiện nay dân số của TP.HCM đã khoảng 10 triệu người, chưa kể khách vãng lai, tăng hơn quy hoạch trước đó gấp 5 lần nhưng hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời.
Nguyên nhân khách quan về biến đổi khí hậu khiến cho tình hình ngập nước của TP.HCM ngày càng nghiêm trọng. Số lượng thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1962 – 2001, địa bàn TP.HCM chỉ xuất hiện 9 cơn mưa kéo dài trong 3 giờ với vũ lượng trên 100mm, nhưng giai đoạn 2002 -2010 đã xuất hiện đến 21 trận mưa có vũ lượng trên 100mm.
Đặc biệt, trong 5 năm 2011 – 2016, TP.HCM có đến 20 trận mưa lớn kéo dài, trung bình 4 trận mưa có vũ lượng trên 100mm/năm, trong đó có những trận mưa chỉ kéo dài trong 1 giờ nhưng có vũ lượng đến 204mm.
Theo Nguyễn Cường/In