Về trang chủ Chưa được phân loại GS Hồ Ngọc Đại: Giáo dục cũ noi gương thánh hiền, giáo dục hiện đại noi gương chính bản thân

GS Hồ Ngọc Đại: Giáo dục cũ noi gương thánh hiền, giáo dục hiện đại noi gương chính bản thân

GS Hồ Ngọc Đại -chủ biên của cuốn sách Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục hiện đang gây xôn xao dư luận, đã có những chia sẻ về lịch sử hình thành của chương trình Giáo dục thực nghiệm tại Việt Nam.

Xuất thân từ vai trò một giáo viên dạy Toán vào những năm 60, GS Hồ Ngọc Đại nhận ra sự bất cập trong phương pháp dạy học và truyền đạt kiến thức cho học sinh phổ thông thời điểm bấy giờ.

Theo ông, giáo dục đã có những thất bại nhất định, cần phải có sự thay đổi về cả phương pháp và nội dung trong giáo dục phổ thông. Năm 1968, ông là một trong hai người được cử sang Liên Xô để học tập kiến thức cũng như tiếp thu các phương pháp học tập mới.

GS Hồ Ngọc Đại: Giáo dục đã có những thất bại nhất định, cần phải có sự thay đổi. Giáo dục cũ noi gương thánh hiền, nền giáo dục hiện đại phải tự phát triển, noi gương chính bản thân nó.

“Sự vượt trội của chương trình thực nghiệm là lấy học sinh làm trung tâm, tất cả những kiến thức đều được các em tiếp thu một cách trực quan. Ví dụ dạy phép nhân cho học sinh tiểu học: Thay vì dạy từ phép cộng, tôi sử dụng cốc nước nhỏ và to cho trực quan. Cứ 1 ca bằng 5 cốc to, 1 cốc to bằng 3 cốc nước nhỏ, cho học sinh đổ 15 cốc nước nhỏ vào thì đầy ca, tương tự cho học sinh đổ 5 cốc nước to vào thì cũng đầy ca. Học sinh lúc này tự suy ra được 5×3 sẽ bằng 15”, GS Hồ Ngọc Đại kể lại.

Thấy phương pháp này hiệu quả, GS Hồ Ngọc Đại còn thử áp dụng dạy Đại số cho học sinh lớp 1 tại Liên Xô thì các em đều có thể giải được phương trình 1 ẩn số, 2 ẩn số, kết quả một nghiệm, vô nghiệm.

“Học sinh tiểu học suy nghĩ rất đơn giản, nếu phương pháp sai thì các em không thể nào hiểu được. Tôi làm giáo dục là tác động tới đời sống của người khác, vì thế tôi phải có trách nhiệm với chương trình của mình”, GS Đại khẳng định.

Theo GS Đại, phương châm giáo dục cũ noi gương thánh hiền, nền giáo dục hiện đại phải tự phát triển, noi gương chính bản thân nó. “Trước đây có 5% dân số đi học, thì giáo dục thế nào chả được. Hiện nay 100% đi học thì phương pháp phải khác, không thể giữ cái cũ mãi được”, GS Đại nói.

Trước đó, cách đánh vần của chương trình Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục nhận phải sự phản ứng trái chiều từ phía dư luận. Đặc biệt với cách chia tiếng trong một câu ra thành các hình vuông, tròn gặp sự phản ứng dữ dội vì nhiều phụ huynh cho rằng quá khó hiểu với học sinh tiểu học.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, cựu học sinh của chương trình công nghệ giáo dục lại đứng ra cho rằng phương pháp dạy này logic, ngắn gọn và dễ hiểu.
Theo MSN-Danviet-Dantri

Có thể bạn quan tâm