Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả, “không hứa suông”.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2023 diễn ra ngày 4.7, một trong những vấn đề được Chính phủ quan tâm là việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả, không hứa suông. Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay (xem xét cả đối với các khoản vay mới và đang còn dư nợ); tăng tín dụng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Cùng với Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng, Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất cố gắng để có thể thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
“Chúng ta có thể thấy sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước cùng Quốc hội, Chính phủ rất đáng ghi nhận.
Nó đang tạo ra điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi tốt nhất trong thời gian tới để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như phục hồi kinh tế”, ông Thịnh nói và cho rằng, việc hỗ trợ này được diễn ra một cách thường xuyên, đóng góp vai trò quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục có thể trụ vững và phát triển.
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế.
Trong đó, cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chú trọng các động lực tăng trưởng bao gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bởi theo đánh giá của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713.000 tỉ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư Nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023.
Tiếp đó, cần kích cầu tiêu dùng nội địa. Theo tính toán, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %. Đồng thời quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TPHCM (hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 và có tính lan tỏa cao)…
Cùng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, 6 tháng đầu năm, GDP của nước ta tăng trưởng rất thấp. Do vậy, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh là cực kỳ quan trọng.
Ông Hòa dẫn chứng, thời gian qua, số doanh nghiệp mới thành lập rất ít, công nhân lao động mất việc nhiều hơn. Nếu gỡ khó được cho doanh nghiệp sẽ giải quyết được công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
Vị đại biểu đánh giá rất cao thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục ban hành công điện, tổ chức nhiều cuộc họp và trực tiếp đi thị sát để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Việc yêu cầu bộ, ngành địa phương có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, không hứa suông là một vấn đề cực kỳ quan trọng, thể hiện sự nhạy bén trong tình hình hiện nay.
“Phải giám sát để bộ ngành, địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền, không để lời hứa với doanh nghiệp là lời nói suông”, ông Hòa đề nghị.
Thời gian tới, theo ông Hòa, giải pháp tối ưu nhất là ngân hàng cần đẩy mạnh giải ngân cho doanh nghiệp, phải làm sao cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng để giải quyết vấn đề thiếu vốn.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng nữa là vấn đề nhân lực, vấn đề con người. Cán bộ, công chức, viên chức phải quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Lãnh đạo các cấp và nhân viên phải đồng hành, quyết liệt, xông pha thì mới tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo Báo Lao Động