Về trang chủ Xã hội Giới trẻ với trào lưu “chữa lành”

Giới trẻ với trào lưu “chữa lành”

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, áp lực và thách thức luôn tồn tại, xu hướng “chữa lành” đang là một phần không thể thiếu đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Xu hướng này vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng.

Xu hướng “chữa lành”

Sự lan tỏa của xu hướng “chữa lành” không thể không kể đến vai trò của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và YouTube đã trở thành nơi chia sẻ các phương pháp, hoạt động chữa lành, từ thiền, yoga, viết nhật ký, đi du lịch… Đặc biệt, hiệu ứng “du lịch chữa lành” đã trở nên phổ biến và được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Luôn phải kiểm soát thời gian, cân bằng giữa học tập và công việc, chị Trương Thị Lê Vi (ngụ tại quận Gò Vấp) vẫn thường dành thời gian để du lịch “chữa lành” với mục đích giúp bản thân tạm quên đi những áp lực mà mình đang phải đối mặt.

“Tôi đã tìm kiếm rất nhiều phương pháp chữa lành để đối phó với áp lực nhưng sau khi trải nghiệm những phương pháp đó thì tôi thấy đi du lịch hàng tháng là hiệu quả nhất. Cứ đến khoảng thời gian cuối tháng, tôi sẽ dành thời gian 2-3 ngày để khám phá những địa điểm mới, thư giãn và nạp lại năng lượng” – chị Vi nói.

Bên cạnh áp lực từ công việc, học tập, người trẻ còn phải chịu áp lực từ chính những nội dung trên các trang mạng xã hội. Theo chị Lê Phương Trinh (ngụ quận Bình Thạnh), việc tiếp nhận các nội dung về những bạn trẻ giỏi kiếm tiền, có công việc mơ ước… đã vô tình tạo nên áp lực cho bản thân.

Trong tình huống đó, chị đã “chữa lành” bằng cách tìm đến các phương pháp như thiền, yoga và đặc biệt dành thời gian đi du lịch, đến những địa điểm mà mình yêu thích chứ không chạy theo xu hướng:

“Bản thân tôi cũng tham khảo trên mạng xã hội cũng như nghe kỹ những lời tư vấn từ bạn bè hay người thân để tìm đến các phương pháp như thiền, yoga… Tôi còn lựa chọn đi du lịch để “chữa lành” bản thân mình, tuy nhiên tôi sẽ chọn những địa điểm du lịch phù hợp với mình hơn là điểm hot trên mạng xã hội, bởi vì nếu mình đi theo những xu hướng thì điều này sẽ trở thành tiêu cực”- chị Lê Phương Trinh nói.

Cũng với mục đích “chữa lành”, anh Trần Minh Dũng (ngụ tại TP. Thủ Đức) lại chọn nghe nhạc, đọc sách, chơi piano. Theo anh, thư giãn và nghỉ ngơi sau những ngày dài học tập, làm việc là điều cần thiết và giúp bản thân giảm căng thẳng, có cảm hứng trong công việc hơn.

“Với tôi, việc đi bộ là một trong những hoạt động giúp tôi không còn suy nghĩ hay bận tâm với những áp lực xung quanh, hoặc là nghe nhạc, đọc sách thậm chí học một điều gì đó mới. Điều này rất hiệu quả, sau khi tôi tập trung vào những điều này thì tôi có cảm hứng trong công việc hơn”- anh Dũng chia sẻ.

Cần hiểu đúng bản chất “chữa lành”

Theo một số chuyên gia tâm lý, “chữa lành” đang là một xu hướng phổ biến của giới trẻ hiện nay. Các chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận sự cần thiết của việc “chữa lành”, nhưng cũng cần nhìn nhận rằng giới trẻ cần được trang bị kỹ năng đối phó với áp lực từ sớm, để không phải đối mặt với những vấn đề tâm lý nghiêm trọng khi trưởng thành.

Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Phó Giám đốc Chương trình Tâm lý học của Đại học Hoa Sen TP.HCM cho biết, khái niệm “healing chữa lành” đến từ góc nhìn của y khoa. Khi có tổn thương nào đó trên cơ thể thì sẽ làm cho nó lành và tâm lý cũng vậy, khi đã trải qua điều gì đó khiến bản thân tổn thương tinh thần, sẽ có nhu cầu được an ủi, xoa dịu, hoặc tự “chữa lành”.

Du lịch chữa lành được nhiều bạn trẻ lựa chọn (ảnh: Thảo Nguyễn)

Chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện phân tích, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ giúp “chữa lành” trở thành xu hướng và lan tỏa hơn. Bởi vì công nghệ giúp con người dễ dàng gặp gỡ, tương tác với nhau và khi xu hướng “chữa lành” được chia sẻ thì bản thân mỗi người cũng sẽ thấy chính mình ở trong câu chuyện đó.

“Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ, mạng xã hội phát triển thực sự là một điều rất tích cực vì nó xóa bỏ những giới hạn về địa lý, chúng ta có thể gặp gỡ nhau, giao tiếp, tương tác với nhau. Cho nên là nếu có một xu hướng, trào lưu gì đó liên quan đến con người được quảng bá thì chắc chắn sức lan tỏa rất lớn và nhiều người sẽ thấy mình ở trong đó”.

Tương tự, Thạc sĩ Trần Thư Hà, Phó trưởng bộ môn tâm lý học trường Đại học Văn Lang TP.HCM cho rằng, “chữa lành” là một điều tốt, nhưng không nên lạm dụng xu hướng này, và cần có phương pháp hợp lý để giúp bản thân sớm vượt qua những áp lực, khó khăn phải đối mặt.

Giải tỏa áp lực bằng cách đi du lịch cùng gia đình

Chuyên gia Trần Thư Hà cho hay, hiện nay việc đưa kiến thức kỹ năng sống, kỹ năng chịu áp lực đã được đưa vào các trường học để giảng dạy. Tuy nhiên, phần lớn chỉ mang tính lý thuyết và không phải nhà trường nào cũng có những giảng viên có đầy đủ kiến thức chuyên môn vè lĩnh vực này: “Các trường học, đặc biệt là các trường theo hướng giáo dục tiên tiến đã đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào các lớp học, nhưng phần lớn vẫn chỉ mang tính lý thuyết. Những người dạy kỹ năng sống lại không xuất phát từ tâm lý, tức là chuyên môn của các thầy cô không phải tâm lý mà ở nhiều lĩnh vực khác, cho nên cách xây dựng bài giảng, tiếp cận chưa phù hợp tâm lý của người học”.

Trong cuộc sống hiện đại, xu hướng “chữa lành” đang là một phần không thể thiếu, giúp giới trẻ tìm được sự cân bằng. Tuy nhiên, cần kết hợp giữa “chữa lành” với rèn luyện kỹ năng sống để đảm bảo sức khỏe tinh thần vững chắc và khả năng đối mặt với những thách thức luôn hiện hữu.

Theo VOV.

Có thể bạn quan tâm