Tăng nhanh giới siêu giàu ở bất cứ quốc gia nào không hẳn là tín hiệu tốt, theo TS.Phùng Đức Tùng -Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong.
Báo cáo World Ultra Wealth Report vừa qua nhận định Việt Nam đang đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có giới siêu giàu tăng nhanh nhất. Trong giai đoạn 2012-2017, số lượng giới siêu giàu tại Việt Nam đã tăng 12,7%. Tốc độ tăng của Việt Nam chỉ đứng sau Bangladesh và Trung Quốc.
Với thông tin này, một mặt, ở góc độ tích cực, Việt Nam đã có thêm nhiều cá nhân bước vào câu lạc bộ triệu đô của thế giới, đồng thời minh chứng về sự nổi lên của một quốc gia đang phát triển.
Trang Market Watch đầu năm nay đã nhận định, việc trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu đã giúp Việt Nam dẫn đầu danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất trong 10 năm qua.
Tổng tài sản ở Việt Nam đã tăng 210% trong giai đoạn 2007-2017, và dự đoán sẽ tiếp tục tăng 200% trong một thập niên tiếp, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth.
Phần lớn sự tăng trưởng này do nhóm siêu giàu, với ít nhất 30 triệu USD tài sản đầu tư, không bao gồm tài sản cá nhân và tài sản như nhà ở, đồ sưu tập, đồ dùng.
Tuy nhiên, ở mặt còn lại, dưới góc độ phát triển toàn diện, bền vững, việc tăng nhanh giới siêu giàu không hẳn là chuyện đáng mừng.
Theo TS.Phùng Đức Tùng, tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam không phải ở mức quá cao so với kỳ vọng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
“Theo tính toán, mức tăng cần thiết phải từ 7,5-9% trong giai đoạn liên tục”, ông Tùng nói. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang có mức tăng trung bình khoảng 6,5%. Do vậy, giới siêu giàu tăng nhanh đặt trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại được vị chuyên gia này nhìn nhận là không hẳn là điều tốt.
Nguyên nhân, lượng người giàu tăng nhanh chóng không đem lại lợi ích công bằng cho toàn nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa lợi ích, nguồn lực tập trung vào một nhóm người rất nhỏ mà theo báo cáo của Oxfam là 0,00023% nắm giữ 12% tài sản của đất nước.
“Khoảng cách giàu nghèo sẽ liên tục bị nới rộng dẫn đến phân hoá và bất bình đẳng trở nên phổ biến”, ông Tùng bình luận và nói rằng điều này sẽ tạo ra mâu thuẫn lớn trong các nhóm xã hội.
Trong khi đó, mục tiêu của Việt Nam, theo các thông điệp được phát đi, là phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.
Một quốc gia có nhiều tỷ phú không hẳn là đáng tự hào, quan trọng đó phải là đất nước có nền kinh tế phát triển đồng đều, mọi người đều được hưởng lợi từ những thành quả đó.
Động lực cho sự phát triển kinh tế, theo ông Tùng không nằm ở giới siêu giàu mà ở tầng lớp trung lưu. Năm 2020, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 33% dân số Việt Nam, ông Tùng nói rang đó là nhân tố có tác động mạnh mẽ đến tương lai đất nước, đặc biệt là việc dịch chuyển nền kinh tế từ phụ thuộc xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa.
Nghiên cứu của Wold Bank, sử dụng số liệu năm 2010, cho thấy cho thấy nếu tăng 1% thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ góp phần tăng 0,56% GDP bình quân đầu người, làm tăng tỷ lệ dân số được đào tạo thêm 1,06%, làm giảm hệ số bất bình đẳng GINI khoảng 0,17%, và tăng tỷ lệ đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế trên GDP thêm 6%.
Theo Cafef-Dautu-Nganhang-Trithuctre