Hơn cả một quyển sách dạy nấu ăn, Thơm thảo xôi chè – tác phẩm vừa ra mắt của nghệ nhân bánh dân gian Trần Thị Hiền Minh – là tâm huyết của cô và cả ê kíp để những món xôi chè ngon truyền thống không bị mai một.
Sinh ra tại Hà Nội nhưng lớn lên ở Sài Gòn, Hiền Minh cho biết cô ảnh hưởng cách sống của người miền Nam nhiều hơn, có thể ăn xôi, ăn chè trừ cơm mà không biết ngán.
Từ nhỏ, Hiền Minh đã tập tành với việc làm bánh bán, mẹ thì kinh doanh quán ăn nên mọi việc nấu nướng, mày mò tự học hỏi làm các loại bánh Việt đến với cô một cách rất tự nhiên.
Người “hảo ngọt” trở thành nghệ nhân về bánh dân gian
Lớn lên, Hiền Minh theo học ngành dược, cô vừa mở nhà thuốc, đồng thời cũng kinh doanh nhà hàng và lúc nào cũng không quên đưa vào dịch vụ các món bánh dân dã Việt Nam.
Hiện tại Hiền Minh là phó chủ tịch Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, thành viên Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, là giảng viên các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Hồng Bàng…
Vì vậy, không chỉ dừng lại ở sở thích cá nhân, cô còn thích nghiên cứu, tìm hiểu về ẩm thực và canh cánh nỗi lo những món ăn, món bánh truyền thống Việt sẽ bị thất truyền.
Bởi có những món bánh, món chè không dễ kiếm được nguyên liệu và quá trình thực hiện rất mất thời gian, kỳ công. Như với chè hạt me – món mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay không biết, từ nhỏ Hiền Minh đã được ăn và rất mê vì hạt me dẻo dẻo cực ngon.
Bẵng một thời gian, khi đã có gia đình, cô về quê chồng ở một vùng biển thấy mấy dì ngồi ngoài biển gõ hạt me, tò mò hỏi mới biết mấy dì làm để nấu chè. Nhớ lại món chè mình mê mà mấy chục năm rồi không được ăn, vậy là cô quyết tâm theo mấy dì học để lưu giữ lại trong quyển sách.
Ông Lại Minh Duy – chủ tịch hội đồng quản trị TST Tourist – cho biết Hiền Minh rất chịu khó với những món xôi chè lâu đời, làm càng cực thì cô càng muốn học, tìm hiểu. Chính ông là người gợi ý cho tác giả đưa món xôi xeo vào quyển sách.
Ông kể: “Món xôi xeo bà nội tôi làm từ trẻ tới 100 tuổi, ngày giỗ nào bà cũng làm. Có nghĩa là nó thuộc về thế hệ rất cũ. Để làm món này rất kỳ công từ việc nấu đậu, nhặt mài, lột vỏ, rồi quết, xeo với nếp, nước dừa, đường trên chảo bằng gang nấu bằng than…
Có lẽ vì làm quá cực nên món này giờ hiếm thấy nhưng nó là cả một trời tuổi thơ của tôi và có lẽ của rất nhiều người Việt Nam khác”.
Để xôi chè truyền thống đến với người trẻ và ra thế giới
Mỗi món xôi, món chè ẩn chứa trong nó những câu chuyện, tập quán, phong vị ẩm thực vùng miền. Trong quá trình làm sách, Hiền Minh liên tục gặp gỡ và xin ý kiến từ những chuyên gia ẩm thực để mong có được một quyển sách chỉn chu.
Bà Minh Tâm – nguyên bếp trưởng khách sạn Rex – bày tỏ sự yêu mến: “Tôi khâm phục sự chịu khó, tìm tòi học hỏi, mày mò thử nghiệm cái này cái kia của Hiền Minh.
Đã làm là hết lòng, phải tìm cho đúng nguyên liệu gốc, cách thức tốt nhất để giữ cho được bản sắc ẩm thực dân tộc Việt Nam”.
Với công trình tập hợp các món xôi chè xưa này, tác giả mong muốn các bạn trẻ có thể tiếp cận và tiếp tục gìn giữ.
Vì vậy cô và ê kíp không chỉ dừng ở quyển sách mà còn thực hiện các clip với công thức dễ dàng và những hình ảnh sinh động tải trên mạng (trang Bếp cô Minh) để người xem thuận tiện tìm kiếm và học theo.
Cô cũng thực hiện những món xưa như xôi vị với phong cách mới mẻ để người trẻ hôm nay nhận ra xôi vị của mình rất ngon, bắt mắt không thua gì các loại bánh Âu.
Không chỉ dừng lại trong nước, Hiền Minh còn hướng đến việc đưa một số loại bánh dân gian Việt Nam ra nước ngoài. Công ty của cô liên kết với một công ty xuất khẩu đã đưa bánh da lợn, chuối nướng qua thị trường Nhật, đưa kem chuối qua Mỹ.
Mong giữ đúng nhất hương vị xưa
Thơm thảo xôi chè giới thiệu 30 món xôi chè dân dã các vùng miền Việt Nam và một số món ở các nước Đông Nam Á.
Ngoài xôi xeo, chè hạt me, ta còn bắt gặp các món xôi khúc, xôi đậu phộng, xôi trám, xôi cốm đồ – cá nướng, xôi vịt Bình Thuận, chè kho, chè con ong, chè bánh canh, chè chuối chưng…
Đây là công trình mà tác giả Hiền Minh và cộng sự trong đội Bếp cô Minh miệt mài thực hiện trong khoảng bốn năm qua, sau khi quyển sách Hương bếp Việt đầu tiên ra đời năm 2018.
Sở dĩ phải lâu như vậy vì khi thực hiện món nào Hiền Minh cũng cất công tìm đến đúng địa phương đó, tìm đúng nguyên liệu truyền thống và học đúng người nấu giỏi để mong giữ đúng nhất hương vị xưa.