Các giáo viên đang phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc duy trì sự trung thực trong quá trình học tập của học sinh liên quan đến AI (trí tuệ nhân tạo) tạo sinh.
Một nửa số giáo viên báo cáo rằng AI tạo sinh đã khiến họ mất lòng tin hơn vào các bài làm của sinh viên, học sinh. Họ có lý do để nghi ngờ khi gian lận ở các trường cao đẳng và trung học tăng mạnh kể từ khi AI tạo sinh xuất hiện, gây ra sự thất vọng đối với các giáo viên.
Việc định lượng mức độ gian lận cũng không hề dễ dàng. Turnitin, một công ty phát hiện đạo văn, ghi nhận việc sử dụng AI xuất hiện trong 10% bài viết được họ xem xét. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy 60 – 70% sinh viên thừa nhận gian lận kể từ khi các công cụ AI như ChatGPT ra đời.
Gian lận không phải là vấn đề mới khi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn một nửa số học sinh trung học và sinh viên đại học đã tham gia vào một số hình thức gian lận. Trong khi cuộc chạy đua giữa nội dung do AI tạo ra và công nghệ phát hiện đang diễn ra, phần thắng đang nghiêng về công nghệ AI.
Hiểu được tầm quan trọng trong việc chống các hành vi gian lận, OpenAI đã thử nghiệm việc nhúng hình mờ kỹ thuật số vào đầu ra của nội dung để nhận dạng văn bản do AI tạo ra. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thể phát hành tính năng này vì điều đó có thể hướng người dùng đến với các dịch vụ không có hình mờ như vậy.
Các cách tiếp cận sáng tạo khác đã được thử nghiệm. Các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ) đã phát triển một hệ thống để so sánh phản hồi của sinh viên đối với các câu hỏi luận văn trước và sau khi ChatGPT ra đời. PowerNotes, một công ty tích hợp các dịch vụ OpenAI vào Google Docs, cho phép giảng viên theo dõi các thay đổi do AI tạo ra trong các tài liệu. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này đều cho kết quả hạn chế.
Để ứng phó với những thách thức này, nhiều tổ chức giáo dục được cho là phải điều chỉnh phương pháp dạy và đánh giá của mình. John Warner, một cựu giảng viên viết văn, cho rằng các giảng viên nên cập nhật phương pháp giảng dạy của mình.
Theo John Warner, việc AI tạo ra các bài luận đại học hiện nay một phần do định dạng cứng nhắc của các bài tập truyền thống, vì vậy các giáo viên nên thu hẹp phạm vi bài tập, tập trung vào các gợi ý ngắn hơn, cụ thể hơn liên quan đến các khái niệm viết hữu ích. Ví dụ, học sinh có thể được yêu cầu tạo một đoạn văn sống động, đưa ra quan sát rõ ràng về môi trường xung quanh hoặc viết một vài câu biến trải nghiệm cá nhân thành một khái niệm rộng hơn.
AI tạo sinh cũng có thể hoàn thành các bài tập này, nhưng bằng cách làm cho chúng phù hợp hơn với cuộc sống của họ, học sinh có thể muốn tự mình thực hiện dự án. Ít nhất thì cũng đáng thử, vì hiện tại, các trường học đang ở thế thua cuộc trong cuộc chiến với AI.