Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc giảm thuế VAT trong 6 tháng như tờ trình của Chính phủ cũng chỉ có tác dụng kích cầu tiêu dùng, giải quyết khó khăn một cách tức thời.
Chiều 1.6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian giảm đến năm 2024, thậm chí 2025.
Liên quan đến đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phương án trình đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay, nhất là 6 tháng nữa. Phương án trình phù hợp với cân đối cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.
Liên quan đến đề xuất đưa ôtô vào diện được giảm thuế VAT 2%, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ôtô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Ôtô không nằm trong diện được giảm thuế là do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế.
Về đề xuất giảm 50% thuế trước bạ ôtô, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã trình với Chính phủ và Chính phủ đã đồng thuận với kiến nghị này: “Giảm 50% thuế trước bạ sản xuất ôtô trong nước”.
Về số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng tồn dư gửi tại ngân hàng, theo ông Phớc số tiền này đã được bố trí nhiệm vụ chi và đã có trong dự toán ngân sách được Hội đồng nhân dân tỉnh và Quốc hội phê chuẩn. Vì vậy, không lấy nguồn này để chi cho các nhiệm vụ chi khác. Bởi vì Hiến pháp quy định là các khoản chi đều phải nằm trong dự toán.
“Chúng ta mong muốn cơ cấu chi thì phải trình với Quốc hội”, ông Phớc nhấn mạnh.
Lý giải tại sao nguồn tồn dư ngân sách không gửi vào ngân hàng thương mại mà gửi vào Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết điều này để bảo đảm an toàn, tránh rủi ro và gửi ngắn hạn.
Về vấn đề mua sắm tập trung, mua sắm phương tiện, sử dụng kinh phí thường xuyên để chi cho mua sắm, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận đúng như ý kiến của đại biểu Quốc hội phản ánh vấn đề hiện khó khăn.
Về hoàn thiện pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ vừa qua rất là nỗ lực trong vấn đề hoàn thiện pháp luật. Trong năm 2022, Chính phủ ban hành 103 Nghị định, trong đấy Bộ Tài chính chúng tôi chiếm khoảng 33%. Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 34 Nghị định và 77 Thông tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng muốn giải quyết các nút thắt phải tập trung hoàn thiện pháp luật, dùng một luật để sửa nhiều luật, dùng một nghị định để sửa nhiều nghị định, nhưng phải tổng hợp hết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để hóa giải được những nút thắt. Như vậy mới tạo được sự phát triển kinh tế, cộng với các giải pháp đồng bộ khác nữa.
Theo Báo Lao Động