Về trang chủ Nổi bật Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương thừa nhận có việc “câu” bệnh nhân ra ngoài làm dịch vụ

Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương thừa nhận có việc “câu” bệnh nhân ra ngoài làm dịch vụ

Liên quan đến loạt bài viết phản ánh tình trạng bác sĩ “câu” bệnh nhân ra ngoài làm dịch vụ, ngày 7.4, lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định sẽ nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh tại đơn vị này.
Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp.

Xử lý nghiêm người vi phạm

Liên quan đến loạt bài viết phản ánh tình trạng bác sĩ “câu” bệnh nhân ra ngoài làm dịch vụ mà Báo Lao Động đã đăng tải, ngày 7.4, đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương đã có cuộc làm việc, cung cấp thông tin đến Báo Lao Động.

Trả lời về tình trạng các bác sĩ chỉ định, giới thiệu bệnh nhân ra các cơ sở y tế ngoài công lập để làm dịch vụ, PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương – khẳng định: “Tình trạng đó là có. Chúng tôi từng thông báo trên giao ban, nhắc nhở công nhân viên, bác sĩ điều dưỡng phải thực hiện trách nhiệm của mình, thực hiện đúng quy định của bệnh viện, của pháp luật đã đề ra”.

“Chúng tôi rất ghi nhận sự phản ánh của Báo Lao Động. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền của mình”- ông Hiệp nói.

Theo lãnh đạo bệnh viện này, bệnh viện không có chủ trương cho bác sĩ chuyển bệnh nhân đi các cơ sở khác như vậy. Việc chuyển người bệnh đi cơ sở khác phải được thực hiện theo thoả thuận giữa bệnh viện với các đơn vị qua các công văn được bệnh viện gửi đi, đồng thời có thông báo đến các bác sĩ, kíp trực khoa phòng.

“Đối với các bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân có bảo hiểm đúng tuyến được chuyển lên bệnh viện, bệnh viện sẽ có trách nhiệm chuyển đến các bệnh viện mà chúng tôi đã liên hệ. Những trường hợp không cấp cứu, người bệnh tạm chờ đợi, hoặc đi cơ sở khác để thực hiện”- ông Hiệp nói.

Đối với những trường hợp khám theo yêu cầu, thì việc tuân thủ quy định khám chữa bệnh cho người bệnh là trách nhiệm của các bác sĩ.

Thạc sĩ Trịnh Thị Hồng Lý- Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ – Bệnh viện Mắt trung ương – khẳng định: Trước đó có nghe dư luận về việc bác sĩ đưa bệnh nhân ra ngoài làm dịch vụ, nhưng không có phản ánh của người bệnh nên chưa thể xử lý gì. Với cương vị quản lý nhân sự, đơn vị này cũng có báo cáo trên các cuộc họp giao ban của bệnh viện, cũng đã nhắc nhở anh chị em phải thực hiện theo đúng quy định.

Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Bệnh viện Mắt Trung ương).

Thiếu vật tư y tế trầm trọng, phải chuyển bệnh nhân cấp cứu đi bệnh viện khác

Về vấn đề thiếu vật tư, hoá chất, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định tình trạng thiếu là có, thiếu rất nhiều vật tư y tế, hiện bệnh viện vẫn đang triển khai các phương án để khắc phục.

“Những gì còn thì chúng tôi vẫn dùng, những gì thiếu thì bệnh viện cố gắng khắc phục bằng việc kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ. Đồng thời chờ đợi các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế để có thể đấu thầu mua sắm vật tư y tế phục vụ người bệnh” – PGS Nguyễn Xuân Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, đối với những trường hợp cấp cứu bệnh viện cũng có phương án chu đáo. Những trường hợp có bảo hiểm y tế đúng tuyến, trường hợp cấp cứu bệnh viện cũng sẽ giải quyết trách nhiệm đầy đủ bằng cách liên hệ, có công văn gửi đến các bệnh viện khác.

Những trường hợp đi khám chữa bệnh đi khám theo yêu cầu, mặc dù có bảo hiểm nhưng có khi không phải cấp cứu thì bệnh viện yêu cầu chờ đợi một thời gian. Nhưng tất cả trường hợp cấp cứu đều giải quyết hoặc chuyển đến cơ sở mà bệnh viện đã liên hệ.

Cũng nói thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Mắt Trung ương phân tích: Trước tình hình thiếu vật tư trong khám chữa bệnh của ngành y tế nói chung đã làm cho bệnh viện gặp nhiều khó khăn, không giải quyết được các trường hợp bệnh nhân đến điều trị phải sử dụng trang thiết bị vật tư hiện nay chưa triển khai đấu thầu được, vì chưa có hướng dẫn triển khai các văn bản của Chính phủ, của Bộ Y tế đã ban hành.

Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương.

“Trước tình hình đó, chúng tôi đã gửi hàng trăm bệnh nhân sang các bệnh viện Bạch Mai, BV 103, BV Mắt Hà Nội,…về việc đề nghị hỗ trợ Bệnh viện Mắt Trung ương phẫu thuật cấp cứu mà bệnh viện đã phát hiện ra trong quá trình khám chữa bệnh, để người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế. Từ đó đến nay, bệnh viện vẫn đang tiến hành để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, khi cơ sở chưa đủ điều kiện”- đại diện phòng Kế hoạch- Tổng hợp cho biết.

Đồng thời, bệnh viện cũng có báo cáo với Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế, thể hiện trách nhiệm với người bệnh.

“Không có người bệnh thì giải quyết được gì? Chúng tôi nhận thức được là phải giữ người bệnh, giữ uy tín cho bệnh viện, giữ chất lượng đặt lên hàng đầu. Nhưng có những thứ không vượt qua được…” – ông Hiệp tâm tư.

Theo ông Hiệp, đối với dịch vụ kĩ thuật đều được quản lý trên máy, không có đầu vào, thiếu bất kỳ 1 vật tư tiêu hao nào, không thể mổ được nên cũng có trường hợp, tất cả các thứ đầy đủ, chỉ thiếu 1 vật tư rất nhỏ, cũng không thể thực hiện.

“Đây là điều chúng tôi thấy rất khó khăn. Thực sự đây là nỗi khổ tâm của lãnh đạo bệnh viện, toàn thể bệnh viện. Người bệnh khổ, chúng tôi cũng quá khổ. Áp lực rất lớn…” – ông Hiệp nói.

Như Báo Lao Động đã phản ánh, sau nhiều ngày ghi nhận, nhóm phóng viên đã chứng kiến hành trình “trần ai” của rất nhiều bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Dù đăng ký các dịch vụ ở bệnh viện công, nhưng có một điểm chung là bệnh nhân này đều được các bác sĩ tại đây chỉ định ra phòng khám hoặc bệnh viện tư để thực hiện chụp chiếu, hay phẫu thuật với chi phí vô cùng đắt đỏ.

Phổ biến nhất là bác sĩ chỉ định các bệnh nhân đi chụp chiếu tại Phòng khám Vietlife (số 14 Trần Bình Trọng – Hai Bà Trưng- Hà Nội) và giới thiệu, chỉ dẫn cho nhiều bệnh nhân đến phẫu thuật, điều trị tại Bệnh viện Mắt Hồng Sơn (709 Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội).

Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến người bệnh, khiến người bệnh phải vất vả, chạy đôn chạy đáo nhiều cơ sở khám chữa bệnh, phải chi tiền túi nhiều hơn cho y tế, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện.

Theo Báo Lao Động

Có thể bạn quan tâm