Nhiều trường hợp dù cân nặng đang ở mức bình thường nhưng vẫn nghĩ bản thân thừa cân và không dám ăn. Thậm chí, có người giảm cân quá mức dẫn đến suy giảm về thể chất tinh thần, khối cơ nạc giảm sút.
Cao 1m53 nhưng nặng đến 60kg, Minh Anh (19 tuổi, Hà Nội) luôn cảm thấy tự ti vì thân hình có phần cục mịch. Mong muốn giảm cân để có thể mặc quần áo size S, cô thiếu nữ quyết tâm giảm cân. Tuy nhiên, thay vì tập thể dục cô chọn cách nhịn ăn.
Những ngày không phải đến trường, cô ngủ một mạch đến tận trưa để bỏ qua bữa sáng. Đến bữa, cô cũng ăn rất ít, đặc biệt là không ăn tinh bột, lúc nào đói quá cô gái chọn cách uống nước lọc.
Đằng đẵng suốt mấy tháng, cuối cùng cô gái cũng giảm xuống còn 49kg. Được mọi người khen gầy xinh, cô gái lại càng khao khát giảm cân hơn nữa.
Tuy nhiên cũng vì thế, trong gia đình cô xảy ra tranh cãi nảy lửa. “Mẹ lúc nào cũng làu bàu, cáu nhặng lên nào là “mày nhìn xem mày có còn giống con người không, da xanh xao”, “gầy đến thế rồi còn muốn giảm đến thế nào nữa”… Đến bữa, mẹ cứ nhìn mình gảy gảy đồ ăn là lại cáu tiếp”, Minh Anh nhớ lại.
Thậm chí, có giai đoạn cô gái bị chán ăn, ăn gì cũng không ngon. Thấy con tụt xuống còn 43kg, mẹ bắt cô đi khám và kết quả cô bị gầy độ 1, có dấu hiệu trầm cảm nhẹ.
Những trường hợp mong muốn giảm cân đến mức bị ám ảnh như Minh Anh không phải hiếm gặp. Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mới đây tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 13 tuổi trong tình trạng suy dinh dưỡng, chán ăn trầm trọng, nặng 51kg và cao 1m73.
Trước đó 1 năm, cậu bé cao 1m56, nặng 67kg, khá bụ bẫm. Đi học, cậu hay bị bạn bè trêu là béo phì. Dần dần cậu ngày càng thu mình, không chơi đùa nhiều với các bạn và âm thầm tìm cách giảm cân. Cậu bé tự giảm tất cả lượng thức ăn nạp vào cơ thể, đồng thời thực hiện các bài tập thể dục đốt cháy mỡ thừa (HIT) với cường độ cao khoảng 1-2 tiếng/ngày nhằm giảm cân.
Thời gian này, cậu cũng bước vào tuổi dậy thì nên cao lên nhanh chóng, cân nặng cũng giảm đi, thân hình cân đối. Tuy nhiên, cậu không giảm cường độ luyện tập và ăn kiêng, vì thế thân hình người bệnh dần trở nên gầy gò, có biểu hiện mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn trước.
Đáng nói, cậu luôn ám ảnh mình béo phì. Khi nhìn vào gương, bệnh nhân vẫn cho rằng phần tay chân và bụng vẫn còn béo nên cắt bỏ khỏi thực đơn tất cả các loại thịt cá vì sợ béo phì, sợ béo lại bị các bạn bè chế nhạo.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết, phòng khám của viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp là trẻ em và người lớn đến khám sau khi đã tự áp dụng chế độ ăn kiêng. Phần lớn điều này đến từ áp lực bạn bè hoặc cha mẹ hướng dẫn nhận thức cho trẻ về cân nặng, vẻ đẹp ngoại hình từ khi trẻ còn nhỏ. Không ít cha mẹ đã cho trẻ ăn kiêng quá mức để nhanh chóng đạt mục tiêu giảm cân cho trẻ. Thậm chí, không ít trẻ béo phì phải học cách đếm calo trong từng miếng ăn của mình khi cho vào miệng trước khi trẻ kịp hiểu biết về calo là gì.
“Bên cạnh đó, nhiều trẻ đến với phòng khám dù cân nặng đang ở mức hoàn toàn bình thường nhưng trẻ vẫn nghĩ bản thân thừa cân và không dám ăn. Trong khi đó việc ăn kiêng quá mức đôi khi khiến trẻ sụt giảm về chiều cao khá nhiều”, TS Sơn nói.
Tình trạng này cũng hay gặp ở người lớn. Nhiều người đến với phòng khám sau một thời gian sử dụng thuốc giảm cân và ăn kiêng quá mức dẫn đến suy giảm về thể chất tinh thần, khối cơ nạc giảm sút thiếu hụt, cũng như gặp các vấn đề về sức khỏe khác.
Như vậy mục đích giảm cân để khỏe đẹp ban đầu của mọi người dường như đã bị phản tác dụng do việc lạm dụng giảm cân quá mức, thiếu khoa học cũng như những ám ảnh quá mức về cân nặng và một hình thể đẹp, TS Sơn cho biết.
Theo ông, việc bị ám ảnh quá mức về giảm cân có thể khiến người bệnh có xu hướng muốn giảm cân nhanh, thúc đẩy hành vi nhịn ăn, tập thể dục quá mức, tự nôn ói sau ăn. Nếu người bệnh thường xuyên nhịn ăn, tập luyện thể dục quá mức, ăn uống không đầy đủ dưỡng chất, tinh thần không thoải mái sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi, thường xuyên mất ngủ, thiếu sức sống, suy giảm chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, hội chứng sợ tăng cân còn có thể là nguồn cơn làm khởi phát các chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn ăn uống hoặc rối loạn lo âu. Hơn thế, người bệnh cũng sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ sức khỏe khi liên tục duy trì các thói quen tập luyện, ăn uống không khoa học.
Những người bị hội chứng ám ảnh cân nặng thường sẽ có xu hướng tránh né, không muốn trò chuyện hay giao tiếp với ai. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, khiến người bệnh suy giảm khả năng giao tiếp, mất dần sự tự tin đối với chính mình
Làm gì để việc giảm cân không còn là nỗi ám ảnh, là áp lực?
Theo TS Sơn, mỗi người khi muốn giảm cân cần đặt ra mục tiêu cân nặng phù hợp, tập trung vào việc đạt được sức khỏe tốt, năng lượng tốt, chăm sóc sức khỏe, hạnh phúc, nhiều niềm vui, thân thiện hơn và yêu thương nhiều hơn thay vì cố gắng giảm cân.
Đồng thời, tìm hiểu thông tin và giảm cân một cách đúng đắn. Bạn nên kiểm soát lượng calo nạp vào gây nên sự thâm hụt từ đó cơ thể sẽ đốt mỡ tạo năng lượng thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả.
Thay vì sử dụng những cách giảm cân cực đoan thì nên nghe ý kiến của chuyên gia, những người có kiến thức về dinh dưỡng để có một thực đơn ăn uống khoa học và lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, cần duy trì tập luyện thể thao lành mạnh. Thay vì cứ cố gắng tập luyện “điên cuồng” và không kiểm soát, bạn hãy lựa chọn cho mình một bộ môn dựa theo sở thích của bản thân. Khi tập luyện theo đúng sở thích sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, dần xóa bỏ các ám ảnh, nỗi lo sợ về cân nặng
“Chia sẻ với mọi người để có thể cùng đồng hành với bạn trong việc giảm cân và giúp bạn giải tỏa nhưng căng thẳng khó khăn”, TS Sơn nhấn mạnh.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Báo Dân Trí