Khi bước vào kỷ nguyên phát triển và hội nhập, văn hóa Việt Nam có nhiều thuận lợi và thời cơ để vươn mình mạnh mẽ, nhưng cũng đứng trước không ít thách thức. Cần có một số giải pháp cấp thiết nhằm phát triển lĩnh vực văn hóa trong kỷ nguyên mới.
Trong kỷ nguyên mới, khi đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đưa ra một số giải pháp cấp thiết, cần làm ngay trong lĩnh vực văn hóa nhằm giúp Việt Nam vươn mình trong thời kỳ mới.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách
Để văn hóa thực sự vươn mình, không chỉ cần sự phát triển tự thân của văn hóa mà còn cần một nền tảng thể chế vững vàng, những chính sách đột phá và sự chung tay từ mọi thành phần xã hội. Từ đó, văn hóa Việt Nam không chỉ duy trì giá trị cốt lõi mà được tiếp thêm sức sống mới, sẵn sàng đón nhận những đổi thay và khẳng định vị thế quốc gia trong cộng đồng toàn cầu.
Từ khi đổi mới đất nước đến nay, vấn đề thể chế, chính sách văn hóa đã được nhận biết và hoàn chỉnh, sửa chữa qua việc ban hành nhiều văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL. Tuy vậy, vấn đề thể chế trong văn hóa hiện vẫn là một trở ngại lớn với nhiều vấn đề cần khắc phục: trước hết là sự chồng chéo và mâu thuẫn trong nhiều văn bản luật ở cả trung ương và địa phương của những bộ, ban, ngành khác về nguồn nhân lực, nguồn tài chính, đất đai, tài sản, nhà cửa, tổ chức…
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách phải bắt đầu từ tư duy mở, sẵn sàng đón nhận những ý tưởng đổi mới, khuyến khích sự sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của người làm văn hóa. Để làm được điều này, các thể chế, chính sách văn hóa cần được xây dựng với tầm nhìn xa, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phải tiên đoán được xu hướng tương lai, giúp văn hóa có thể linh hoạt thích nghi với những thay đổi của thời đại, góp phần tạo động lực phát triển hơn là duy trì tính ổn định và chưa đồng bộ như hiện nay.
Đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Từng bước cân đối cơ cấu nguồn lực cán bộ cho phù hợp. Có chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng nhân tài. Đào tạo lực lượng lao động có các kỹ năng và chuyên môn phù hợp để thích ứng trong bối cảnh mới, có ước mơ và động lực, có năng lực sáng tạo, có khả năng thích ứng với môi trường chuyển đổi; Đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như bảo tồn di sản, nghệ thuật, truyền thông văn hóa… để tạo ra một thế hệ chuyên gia có năng lực đóng góp vào việc phát triển văn hóa quốc gia.
Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới
Khi thế giới trở nên “phẳng” hơn trong thời đại công nghệ, việc hội nhập không chỉ giúp Việt Nam tiếp thu những tinh hoa văn hóa toàn cầu mà còn là cơ hội để chúng ta giới thiệu nét đặc sắc của mình với bạn bè quốc tế trong kỷ nguyên mới. Chủ động mở rộng, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Khuyến khích các cá nhân tổ chức tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế với tư cách là thành viên của các mạng lưới quốc tế về văn hóa, nghệ thuật.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị của đất nước trong kỷ nguyên mới, khiến cho văn hoá trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi hệ thống các giải pháp về chính sách, truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lực.
Công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới cần phải có sự phát triển mạnh hơn giai đoạn trước. Muốn thực hiện được điều này cần phải cụ thể hóa những mục tiêu đã được nêu ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có sự thay đổi hay cải cách những vấn đề về thể chế pháp luật liên quan đến việc phát triển công nghiệp văn hóa như những vấn đề tài chính, đầu tư cho văn hóa, lao động và nguồn nhân lực văn hóa, thuế sản phẩm và dịch vụ văn hóa, phát triển doanh nghiệp văn hóa…
Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa
Chuyển đổi số trong văn hóa là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu. Chuyển đổi số trong văn hóa mang lại nhiều tác động tích cực, không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là một bước đi chiến lược và cần thiết để đảm bảo rằng văn hóa Việt Nam không chỉ được lưu giữ mà còn phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Công nghệ số giúp lưu trữ và bảo tồn các tài nguyên văn hóa vật thể (hiện vật, kiến trúc) và phi vật thể (lễ hội, nghệ thuật biểu diễn) dưới dạng dữ liệu kỹ thuật số, bảo vệ chúng khỏi nguy cơ mai một hoặc bị hư hỏng theo thời gian. Chuyển đổi số cũng góp phần tạo ra môi trường tương tác, giúp người dân dễ dàng tham gia sáng tạo và lan tỏa giá trị văn hóa thông qua các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời giúp quảng bá văn hóa Việt Nam một cách thường xuyên, nhanh chóng, cập nhật trên trường quốc tế.
Tăng cường đầu tư cho văn hoá
Sự đầu tư và hỗ trợ từ phía Nhà nước, không chỉ về nguồn lực tài chính mà còn là những biện pháp khuyến khích tinh thần sáng tạo, bảo trợ nghệ sĩ và tạo điều kiện để những tài năng văn hóa, nghệ thuật phát huy tối đa khả năng của mình. Đầu tư cho văn hóa không chỉ dành cho các ngành nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, điện ảnh… mà còn xây dựng nền tảng giáo dục, để từ đó nuôi dưỡng ý thức về văn hóa cho mỗi người ngay từ khi còn nhỏ.
Chính sách khuyến khích như giảm thuế cho các tổ chức nghệ thuật, tạo lập quỹ hỗ trợ sáng tạo, đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, trung tâm nghệ thuật công cộng… là những biện pháp quan trọng giúp nâng cao đời sống văn hóa của xã hội, đồng thời tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật thăng hoa.
Trong kỷ nguyên mới, văn hóa chính là động lực phát triển bền vững của đất nước. Các giải pháp tập trung vào bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ gìn được bản sắc dân tộc mà còn vươn mình ra thế giới. Những nỗ lực này sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và đầy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên mới.