Giá vàng thường tăng mạnh trong tuần lễ Thần Tài và sau đó sụt giảm. Năm nay, vàng thế giới diễn biến bất ngờ, có thể tác động tới diễn biến giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn dịp đầu năm mới.
Giá vàng giảm mạnh trước dịp lễ Thần Tài
Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên năm Giáp Thìn ngày 15/2 (mùng 6 Tết), đa số các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc lớn như Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Bảo Tín Minh Châu,… giảm mạnh giá vàng mua vào và bán ra so với thời điểm trước Tết, theo biến động giá thế giới.
Cụ thể, tới 15h30 chiều ngày 15/2, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giảm giá vàng miếng SJC 500.000 đồng/lượng (mua vào) và 400.000 đồng/lượng (bán ra) so với mức giá trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn (ngày 7/2), xuống còn 76,05 triệu đồng/lượng (mua) và 78,45 triệu đồng/lượng (bán).
Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng giảm khoảng 400.000-500.000 đồng/lượng, xuống còn 76,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 78,5 triệu đồng/lượng (bán ra) so với trước Tết.
Giá vàng nhẫn sáng 15/2 được các cửa hàng điều chỉnh giảm khoảng 130.000-150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên ngày 14/2, phổ biến ở mức 64,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65,7 triệu đồng/lượng (bán ra).
Lượng khách mua vàng vào cao hơn lượng khách bán ra. Tỷ lệ tại Bảo Tín Minh Châu hôm 15/2 là 55% khách mua vào và 45% khách bán ra.
Tới cuối giờ chiều 15/2, giá vàng nhẫn SJC loại 1-2 chỉ được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 63,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 64,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Như vậy, giá vàng trước ngày Lễ Thần Tài năm nay có biến động hơi khác so với mọi năm, theo xu hướng giảm trên thế giới.
Tuy nhiên, giá vàng nhẫn, vàng trang sức và vàng miếng SJC có thể tăng trong các phiên tới đây cho đến ngày Thần Tài (10 tháng Giêng) nếu giá vàng thế giới ổn định trở lại hoặc quay đầu tăng giá.
Trong nhiều năm gần đây, sức cầu mua vàng rất lớn dịp ngày vía Thần Tài để cầu tài lộc cho cả năm đã kéo giá nhiều loại vàng tăng nhanh, nhiều đợt thêm cả triệu đồng/lượng.
Trong gần một thập kỷ qua, hoạt động mua vàng ngày Thần Tài diễn ra sôi động. Người dân tấp nập đi mua vàng đón lộc, đẩy giá vàng tăng nhanh trong khoảng 1 tuần. Doanh nghiệp kinh doanh vàng lãi lớn. Còn giá vàng giảm nhanh sau đó.
Xu hướng mua vàng Thần Tài lan rộng ra mọi tầng lớp. Người dân thường chọn mua các sản phẩm bằng vàng như: nhẫn tròn trơn, vàng miếng, trang sức bằng vàng ta, vàng tây gắn đá ngọc quý thiên nhiên, lì xì mạ vàng, hũ muối, hũ gạo bằng vàng,…
Thống kê các năm gần đây cho thấy, giá vàng trong phiên trước và chính ngày Thần Tài thường tăng nhanh hơn khá nhiều, từ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng so với mức tăng giá vàng thế giới quy đổi ở cùng thời điểm.
Giá vàng ngày vía Thần Tài năm ngoái (Quý Mão) có mức tăng mạnh hơn các năm trước do giá vàng thế giới trong những ngày đầu 2023 tăng vọt, lên mức cao nhất trong 9 tháng. Giá vàng miếng tăng 500 nghìn đồng/lượng chỉ trong 2 phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán sau khi đã tăng 1 triệu đồng/lượng trong tuần giáp Tết.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và các sản phẩm vàng Thần Tài khác tăng nhanh hơn, mức chênh giữa giá mua vào và bán ra cũng lớn hơn vài trăm nghìn đồng/lượng so với mức chênh vàng miếng.
Thần Tài năm Giáp Thìn: Có tăng mạnh, giảm sâu?
Khác với mọi năm, trong phiên mở đầu năm mới, giá vàng các loại đã giảm khá mạnh theo sau đợt lao dốc của giá vàng trên thị trường thế giới đúng trong dịp Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán.
Giá vàng thế giới giao dịch đã bốc hơi 40-50 USD trong phiên ngày 13/2 (rạng sáng ngày 14/2 giờ Việt Nam) và rớt sâu về ngưỡng 1.990 USD/ounce, tương đương mức giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng nếu quy đổi ra tiền Việt.
Có thể thấy, mức giảm của giá vàng thế giới là khá mạnh. Trong khi đó, mức giảm giá vàng miếng SJC khi mở các doanh nghiệp mở cửa đầu năm mới Giáp Thìn ngày 15/2 chỉ khoảng 500.000 đồng/lượng.
Tốc độ giảm chậm hơn khiến mức chênh lệch giá vàng thế giới quy đổi và giá vàng miếng SJC trong nước tới cuối ngày 15/2 lên mức gần 19 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh gần cao kỷ lục và nó có thể tác động tới quyết định mua bán vàng của người dân.
Giá vàng nhẫn, vàng trang sức các thương hiệu giảm hơn triệu đồng/lượng so với mức cao kỷ lục 66 triệu đồng/lượng trước Tết và xuống mức khoảng 64,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này cao hơn giá thế giới quy đổi khoảng 4-5 triệu đồng/lượng.
Tới cuối giờ chiều 15/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới nhích lên mức 1.995 USD/ounce, quy đổi theo giá USD ngân hàng Vietcombank (24.610 đồng/USD) có giá 59,7 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí.
Với việc giá vàng thế giới có xu hướng hồi phục sau cú lao dốc và sức cầu vàng dịp ngày lễ Thần Tài tăng mạnh, giá vàng trong nước có thể tăng trong các phiên sắp tới từ 16-19/2 (tức từ mùng 7 tới 10 âm lịch).
Trong ngày 15/2, tại Hà Nội, nhiều người dân tranh thủ mua vàng sớm khi giá giảm. Nhiều nơi tại các con “phố vàng” như Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng ghi nhận tình trạng xếp hàng chờ 20-30 phút để mua vàng.
Tuy nhiên, lượng mua khá ít, đa phần mua khoảng 1-2 chỉ vàng, bên cạnh vàng trang sức có linh vật hình rồng. Đa số người dân mua vàng mang tính lấy may, chứ không tính toán đầu tư hay lời lãi.
Trên thực tế, giá vàng nhẫn gần đây đã tăng mạnh, thêm hơn 10 triệu đồng/lượng, kể từ đầu năm 2023 và hiện cao hơn giá thế giới khá nhiều. Do vậy, sức cầu đối với mặt hàng này dịp lễ Thần Tài năm nay được dự báo sẽ không lớn.
Dù vậy, với xu hướng cầu lớn hơn cung, giá vàng nhẫn dịp lễ Thần Tài vẫn được dự báo tăng và có thể lập kỷ lục cao mới (trên 66 triệu đồng/lượng) nếu giá vàng thế giới nhích lên trong vài ngày tới. Hiện, nguồn cung vàng trong nước vẫn thiếu do các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng làm nữ trang.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có biện pháp ổn định thị trường vàng. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan này chưa có động thái gì. Các cơ quan chức năng cũng triệt phá các đường dây mua bán vàng lậu dẫn đến nguồn cung vàng nguyên liệu khan hiếm.
Giá vàng miếng SJC hay vàng nhẫn,… hiện đối mặt với rủi ro giảm mạnh nếu chính sách quản lý vàng có thay đổi. Rủi ro giảm đối với vàng miếng SJC sẽ lớn hơn so với vàng nhẫn do có mức chênh với giá thế giới lớn hơn.