Nguyễn Tường là dòng tộc khoa bảng nổi danh ở đất Hội An xưa, nhưng có lẽ ít người biết rằng ngoài việc có công khai quốc thời vua Gia Long, thì những hậu duệ đời sau cũng có đóng góp vô cùng quan trọng trong làn sóng đổi mới văn hóa.
Đó là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, với những tên tuổi trụ cột như Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) và nhiều tên tuổi khác, như nhà văn Khái Hưng, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân…
Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường (Phanbook và NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn hồi ký có giá trị, được chấp bút bởi bà Năm Thế, người con gái duy nhất trong số 7 anh chị em của Nhất Linh.
Bằng lời kể mộc mạc và đầy chân thành, một gia tộc nhiều tài danh nhưng đầy sóng gió cũng đã hiện lên một cách sáng rõ, từ đó giúp cho độc giả hiểu thêm về phông nền của những cây bút tài hoa vang bóng một thời.
Hồi ký văn chương
Tuy là một cuốn hồi ký “sự thật việc thật”, nhưng chính sự thăng trầm và dòng chìm nổi của gia tộc Nguyễn Tường đã khiến câu chuyện bà Năm Thế kể trở nên đẹp đẽ và đầy dấu ấn: về tuổi thơ êm đềm, các ngày lễ tết, người mẹ tần tảo và những vùng đất quê hương đổi thay liên tục…
Ở đó bà Năm Thế đi từ những ngày thơ ấu khi nhà còn ở phố Hàng Bạc, với bà Bẩy có ô mai thơm lừng, với ông nấu bếp đầy thứ bánh ngon. Bà cũng hài hước kể lại những chuyện dở khóc dở cười như người phụ nữ ăn trộm vào nhà để lấy quần áo trong khi nhà bà cũng không khá hơn… Tất cả điều này đã khắc họa nên đời sống tuy nhiều khó khăn nhưng vẫn vui vẻ, đầm ấm.
Khi thân phụ bà nghỉ việc ở ấp Thái Hà, quê ngoại Cẩm Giàng là nơi mà cả gia đình thiên di đến ở. Nơi đó vẫn còn đậm nét hình ảnh người mẹ tần tảo buôn bán ở bên đường tàu, sau đó là đi cân gạo và rồi sang Lào để làm kinh tế… Đó còn là người bà thương yêu con cháu dẫu là đứa lứa cho đến đứa nhỏ thì đều hết mức, và những khóm rau bà gánh đi bán vào sớm tinh sương…
Đó còn là những ngày tết sum họp, khi các anh từ Hà Nội, Hải Dương đi tàu tết về, để sau đó là chuyện học hành, chuyện thầy giáo và những mảnh vá áo quần được làm thoăn thoắt trong mùi bánh thơm, trong cái se lạnh của bầu không khí cận tết.
Thế nhưng khó khăn chồng chất khó khăn, mọi thứ xấu đi khi thân phụ bà qua đời đột ngột tại xứ xa xôi, dẫn đến cả gia đình bà ngày càng lâm vào túng thiếu, để các ngày tết không còn những lần sum họp vui vẻ, mà đó chỉ là những tiếng đòi nợ, nợ chồng chất nợ, ngày ngày tháng tháng.
Trải qua khoảng thời gian khó khăn ấy, là những năm tháng tiếp tục sau này khi từng anh trai trong gia đình trưởng thành, lấy vợ; rồi lại qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Thạch Lam qua đời khi mới 33, sau đó là Hoàng Đạo khi mới 48. Nhất Linh giao mình cho dòng lịch sử, rồi đến người mẹ tần tảo suốt cuộc đời kia…
Trong cuốn sách này, bà Nguyễn Thị Thế một cách chậm rãi điểm qua rất nhiều nút thắt của một dòng tộc, khi đầy thân ái nhưng cũng xúc động về cố nhân xưa, về một gia đình “Thụy Cẩm Tam Long Vinh Bách Thế” (Ba con rồng bằng gấm đẹp vinh hiển muôn đời) nay đã không còn, chỉ còn bóng dáng người muôn năm cũ.
Và tuy không phải là một nhà văn, nhưng tác giả bằng những quan sát vô cùng tinh tế và giọng văn trần thuật chân phương… mà cuốn sách này đã chạm đến được đáy tâm hồn độc giả. Từ đó ta biết thêm một gia tộc trải qua đầy chìm nổi với nhiều khó khăn, thử thách, và rồi để lại những giá trị quý cho đến đời sau.
Những giai thoại
Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường bên cạnh gợi nhắc những ký ức cũ, cũng cung cấp cho độc giả những giai thoại hiếm hoi về 3 trụ cột của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, giúp người đọc có thêm hiểu biết đằng sau tác phẩm của họ, động lực thúc đẩy cũng như những nguồn cảm hứng ban đầu.
Trong tác phẩm này, một Thạch Lam hiền hòa, tinh nhạy đã được hiện lên, với việc nuôi thỏ, với tuổi ấu thơ tinh nghịch mà cũng đáng yêu một cách không ngờ. Nhà văn yểu mệnh ấy đến những hơi tàn vẫn còn tiếc rẻ nhành liễu ở bên khung cửa bị chặt đứt, cũng như món dưa chưa, cá kho, cơm nguội… khao khát ăn thêm lần nữa.
Hay nói về chính nguồn gốc của tác phẩm, bà Nguyễn Thị Thế cũng nhớ về những ngày xưa như sau: “Tôi không ngờ em Sáu có trí nhớ dai thế, như truyện em tôi tả hai chị em thức đợi chuyến tàu đêm qua rồi mới đi ngủ. Năm đó tôi mới có chín tuổi, em tôi lên tám mà mẹ tôi đã giao cho hai chị em tôi coi hàng. Cửa hàng chỉ bán có rượu, ít bánh khảo, thuốc lào, cốt để đưa khách quen vào trong nhà bà ngoại.
Tối đến hai chị em phải ngủ lại để trông hàng. Hai chị em vì ở nhà quê đã lâu nên bạo dạn. Chủ nhà là hai bà cụ đã già tóc bạc phơ, hình như hai người là bạn với nhau, đều không có con, tôi cũng không rõ là ở đâu tới. Một bà trẻ, khỏe mạnh hơn dọn hàng cơm cho khách ăn, thỉnh thoảng cũng có người lỡ tầu ngủ trọ lại. Hàng bà cụ rất sạch sẽ, món ăn cũng ngon. Những con cá chép rán vàng, rồi canh cá nấu măng chua, mấy cái chân giò luộc, trông thật thèm”.
Nhất Linh và những sinh hoạt thường ngày cũng được bà ghi chép lại rất đậm dấu ấn. Theo đó ông là người anh trai yêu thương các em vô cùng, hay giặt đồ hộ, vui tính mà lại khéo tay, nặn tượng bằng đất rất đẹp. Ông cũng giúp bà giã vừng rồi lấy cơm nóng đổ vào cối trộn lên ăn mà không để ra chén bát như vốn thường lệ, từ đó dẫn đến việc có biệt danh là anh “Tam cối”.
Anh cả và anh Hai thì hay đọc sách và thường trầm mặc, anh tư Hoàng Đạo thì hơi yếu đuối thường không động tay, trong khi đó em sáu Thạch Lam thì lại hay nói nhất nhà. Bảy anh em họ vẫn thường chơi trò trận giả khi mẹ vắng nhà, sau đó là đi đá banh, bắt cua tôm cá.
Cuốn hồi ký này cũng nhắc đến khoảng thời gian hoạt động chính trị của Nhất Linh, Hoàng Đạo, cũng như những năm lịch sử kháng Pháp đầy biến động. Lịch sử có thể đã qua, nhưng tên tuổi và dấu ấn của gia tộc Nguyễn Tường còn đó và lưu danh muôn đời.
Cùng với Nhất Linh, cha tôi và Căn nhà An Đông của mẹ tôi, Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường là một tài liệu đặc biệt và rất chi tiết dành cho những ai muốn tìm lại chân dung của những nhà cải cách quan trọng, gắn liền với nhóm Tự Lực Văn Đoàn và tờ Phong hóa, Ngày nay.
Theo Báo Thanh Niên