Giáo dục đại học Việt Nam đang có những bước chuyển biến, dần thay đổi tỷ lệ từ 70% vào đại học, 30% học nghề hiện nay thành tỷ lệ ngược lại: 70% học nghề và 30% vào đại học, để tiếp cận xu hướng chung của thế giới. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Đào Ngọc Dung về xu hướng phát triển đào tạo nghề hiện nay.
Tổng hợp số liệu cho thấy, qua các kỳ thi THPT quốc gia 3 năm trở lại đây, tâm lý của phụ huynh, thí sinh đã có sự thay đổi khi dịch chuyển từ ĐH sang học nghề. Rất nhiều học sinh không còn giữ suy nghĩ phải vào đại học bằng mọi giá như những năm trước, mà bản thân các em và gia đình đã có định hướng rõ ràng đi học nghề ngay từ đầu.
Nếu năm học 2017, có 190.000 học sinh không đăng ký tham gia xét tuyển đại học, thì đến năm học 2018 là 237.320 em, tăng 5,2 % so với năm 2017.
Thị trường lao động thừa “Thầy” thiếu “Thợ”
Hàng năm, nước ta có trung bình hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT đều chọn con đường thi vào các trường đại học. Thế nhưng, chỉ có hơn 400.000 học sinh đạt được nguyện vọng của mình và khoảng 370.000 học sinh chọn học tại các trường dạy nghề (Cao đẳng, trung cấp nghề). Như vậy tỷ lệ thầy – thợ 1:1, điều này đã dẫn đến một hiện trạng đang tồn tại ở nước ta là: Thừa “Thầy” thiếu “Thợ”.
Hệ thống giáo dục ở VN được phân ra 2 khối: khối đào tạo hàn lâm (Academic training) và khối đào tạo nghề (Vocational training). Đào tạo hướng hàn lâm là học sinh sẽ học tại các cấp độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, còn đào tạo nghề chỉ từ cấp độ chứng chỉ nghề (Certificate) đến trung cấp, cao đẳng nghề (Diploma).
Hai khối đào tạo này có sự khác biệt rõ rệt: đào tạo nghề chú trọng thực hành, giảng viên phải có kinh nghiệm làm việc, tay nghề cao và thời gian đào tạo ngắn từ 6 tháng – 2 năm. Trong khi đó, khối đào tạo hàn lâm thì chú trọng về nghiên cứu, lý thuyết, giảng viên phải có học vị, kiến thức rộng, thời gian đào tạo dài từ 4 năm trở lên.
Thực trạng một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm và có hơn 60% tân cử nhân các trường đại học ở nước ta chấp nhận những công việc trái ngành, trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu.
Xu hướng học trường nghề gia tăng
Hiện có xu hướng học sinh không lựa chọn đại học mà chuyển hướng sang học nghề, điều này thể hiện ngay trong số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp gia tăng. Ngoài ra còn khá nhiều thí sinh có đăng ký để lấy kết quả đại học nhưng cũng chỉ dùng kết quả đó để học nghề. Bởi học nghề thời gian ngắn, ít tốn kém, ra trường dễ tìm việc làm.
Xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là tín hiệu tích cực, một kết quả tốt trong phân luồng sau trung học phổ thông ở nước ta hiện nay. Cùng với sự phát triển ngày càng hoàn thiện hơn của thị trường lao động, tinh thần “khởi nghiệp” của lớp trẻ, các phụ huynh và thí sinh ngày càng có sự lựa chọn phù hợp hơn, không cố sức vào đại học mà đã cân nhắc rất cẩn thận việc học cấp nào, trường nào, ngành gì để đáp ứng yêu cầu nhu cầu tuyển dụng lao động…
Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh, nhiều chuyên gia ngành giáo dục nhận định: Hiện ý thức phân luồng của thí sinh cũng rõ ràng hơn. Tỷ lệ thất nghiệp cao ở lứa tuổi thanh niên là thực tế cho thấy sự mất cân bằng trong định hướng, giáo dục nghề nghiệp thời gian qua.
Số liệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay cho thấy có đến 30% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học. Con số này, sẽ dần dần tăng lên, dựa trên những quyết sách mới của ngành để đảm bảo cân bằng trong giáo dục hướng nghiệp ở các trình độ.
Bên cạnh đó, các thông tin về thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp… đã có những tác động nhất định đến việc lựa chọn của thí sinh. Trong khi, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc có thu nhập ngay thì việc học đại học dài hạn, chi phí lớn, nhưng tương lai chưa chắc tìm được việc làm cũng đã khiến nhiều thí sinh chùn bước vào đại học…
Rất nhiều ngành nghề hiện nay chỉ cần học trong một thời gian ngắn là có thể làm việc tốt với mức lương hấp dẫn, như: Chăm sóc sắc đẹp, Điều dưỡng viên, Du lịch khách sạn; Với ngành tiếng Hàn, tiếng Nhật được coi là ngành học “thời thượng” hiện nay, bởi cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt trong các công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam.
70% học sinh sẽ học trường nghề
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trao đổi về hướng phát triển đào tạo nghề, Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh:
Phải xác định dạy nghề là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, chúng ta muốn phát triển, hội nhập, muốn nâng cao năng suất lao động để đổi mới tăng trưởng thì dứt khoát phải đào tạo nghề. Việc đào tạo nghề trước hết phải phân luồng ngay từ THCS, bao nhiêu phần trăm sẽ vào học nghề, bao nhiêu phần trăm lên THPT, rồi ở cấp THPT bao nhiêu phần trăm sẽ vào đại học. Việt Nam sẽ dần thay đổi tỷ lệ từ 70% đại học-30% học nghề hiện nay thành tỷ lệ ngược lại: 70% học nghề và 30% đại học, để tiếp cận xu hướng chung của thế giới.
Mới đây nhất, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Quyết định số 522/QĐ-TTg, ký ngày 14/5/2018, sẽ là bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, đến năm 2020, 40% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học hệ cao đẳng. Công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ có những đổi mới căn bản và toàn diện. Chương trình đào tạo phải gắn rất chặt với điều tra thị trường lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực ở các lĩnh vực ngành nghề, từ đó định hướng học tập cho các em, học xong là có việc làm ngay.
Theo Bachkhoahanoi
https://eltimes.vn/co-gai-nhay-cau-o-hai-phong-gia-dinh-cung-vong-facebook-noi-co-con-song/
Mỹ: Quản lý chặt phiếu mua thực phẩm giảm giá cho người nghèo
Hàn Quốc: Hàng ngàn người Việt đổ xô đi xin visa 5 năm do tin đồn