Tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, cùng với đó nhập siêu trong tháng Năm cũng vọt lên mức cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá nông, lâm sản liên tục đi xuống
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng Năm ước đạt 21,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, nhóm nông, lâm, thủy sản giảm 7,2%, trong khi nhóm nhiên liệu khoáng sản giảm 4,9% so với 5 tháng đầu năm 2018. Chi tiết hơn, đến hết tháng Năm, có tới 6/9 mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 1%, hạt điều giảm 14,1%, càphê giảm 23%, hạt tiêu giảm 2,1%, gạo giảm 20%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 9%… Bên cạnh đó, có 10/16 mặt hàng xuất khẩu có giá giảm so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, sự sụt giảm mạnh nhất đều đến từ các mặt hàng nông sản.
Đơn cử, giá xuất khẩu bình quân nhân điều giảm 21,1% so với 5 tháng năm 2018, trong khi mặt hàng càphê giảm 11,4%, hạt tiêu giảm 26%, gạo giảm 15,5%, cao su giảm 7,1%… Ông Hoàng Anh Tuấn -Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, trong tháng Năm, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế-chính trị.
Cụ thể, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc leo thang căng thẳng đã gây áp lực lên cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới. Các nhân tố địa chính trị đã tạo sức ép khác nhau lên giá dầu. Tuy nhiên, do sự gia tăng nguồn dầu dự trữ, mối lo về triển vọng kinh tế thế giới và xung đột thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc kéo dài khiến giá dầu thô ngọt nhẹ giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay vào ngày 23/5 (khi giảm 6% so với ngày trước đó).
Ở thị trường trong nước, do thời tiết đang vào mùa nắng nóng, nhu cầu đối với một số nhóm hàng thực phẩm giảm, nhu cầu các mặt hàng đồ gia dụng làm mát tăng, mức sử dụng điện và nước sinh hoạt tăng. Riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp nên nhu cầu giảm, giá giảm và ở mức thấp.
Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 84,027 tỷ USD, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu cho thấy, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Hàng dệt may; Giày dép các loại; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng; Điện thoại các loại và linh kiện…
Con số thống kê chỉ ra sau 5 tháng, cả nước đã xuất khẩu ước đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thâm hụt thương mại tăng lên
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu có dấu hiệu nhích lên. Thống kê sơ bộ của cơ quan này thì trong tháng Năm cả nước bỏ ra khoảng 22,8 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, tăng 8,6% so với tháng trước. Chỉ tính riêng nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước đã đạt 20,1 tỷ USD, tăng 9,2% so với tháng 4/2019.
Trong khi đó, nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu cũng tăng 10,1%, đạt 1,75 tỷ USD. Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao trong nhóm này là: Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 22,3%, chế phẩm thực vật tăng 53,1%, đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 65,3%…
Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả trên, trong tháng Năm cả nước nhập 1,3 tỷ USD. Tính chung 5 tháng năm 2019 nhập siêu 548 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,6 tỷ USD).
Lý giải thêm về việc nhập siêu, theo đại diện Bộ Công Thương, sự dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay kéo theo nhu cầu nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng theo.
Trong khi đó, ông Kitagawa, Trưởng Đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Văn phòng Đại diện tại Hà Nội cho biết, hiện tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3% đang thấp hơn nhiều so với một số nước lân cận trong khu vực châu Á.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc để phục vụ sản xuất, kinh doanh…
Theo Chinhphu
Cà Mau: Thuê gia công xâu chuỗi hạt, nữ quái 9X lừa đảo gần 70 tỷ