Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất sớm triển khai cơ chế giá điện hai thành phần, thực hiện thí điểm trong năm nay.
Đó là khẳng định mới đây của ông Võ Quang Lâm – phó tổng giám đốc EVN – liên quan đến việc xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần.
Theo ông Lâm, EVN đang báo cáo Bộ Công Thương để sớm triển khai các cơ chế giá điện hai thành phần nhằm có thể thực hiện thí điểm sớm trong năm nay, từ đó có thể triển khai diện rộng trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Thí điểm, sau đó triển khai diện rộng
“Đây là cách chúng ta tạo ra sân chơi minh bạch hơn, công bằng hơn và hiệu quả hơn cho tất cả các bên, kể cả phía nhà máy điện, nguồn điện cũng như doanh nghiệp sử dụng điện và người dân, để tiến tới thị trường điện trong thời gian tới” – ông Lâm nói.
Việc xây dựng biểu giá điện hai thành phần thay cho cơ cấu biểu giá hiện nay cũng là nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thực hiện, nhằm tiến tới việc hoàn thiện và vận hành thị trường điện cạnh tranh.
Giải thích về giá điện hai thành phần, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế, nói giá điện này sẽ gồm giá công suất và giá điện năng.
“Nôm na khá giống với giá cước điện thoại cố định. Tức là người dùng phải chi trả một số tiền cố định gọi là tiền thuê bao hằng tháng, dù không nghe gọi gì, gọi là giá công suất. Phần thứ hai được tính trên lượng điện năng tiêu thụ, gọi là giá điện năng” – ông Đức giải thích.
Theo ông Đức, đây không phải là đề xuất mới khi năm 2013 Chính phủ đã yêu cầu nghiên cứu, áp dụng cơ chế này, giao cho Bộ Công Thương xây dựng.
Vì vậy, có thể tính toán đến việc áp dụng cơ chế giá điện này cho đối tượng hộ sinh hoạt, nhưng cần thực hiện theo cơ chế thí điểm đối với khách hàng mới ở một vài nơi trong một khoảng thời gian để ghi nhận ý kiến từ khách hàng.
Ông Đức cũng đồng tình cho rằng cơ chế này tạo sự công bằng hơn. Bởi việc tính giá điện hai thành phần sẽ phản ánh chính xác chi phí mà ngành điện phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng.
Vị chuyên gia pháp chế cũng so sánh với những trường hợp sử dụng công suất như nhau, nhưng chi phí phải thanh toán có thể được tính khác nhau.
Ví dụ với một nhà máy hoạt động liên tục 24/24 giờ, có lượng điện năng tiêu thụ ổn định. Trong khi đó với một nhà hàng, lượng điện tiêu thụ mạnh vào buổi trưa và buổi tối.
Mặc dù sản lượng điện hai đối tượng này là như nhau, nhưng chi phí tiền điện sẽ khác nhau nếu áp dụng theo cơ chế giá điện hai thành phần.
Lý do là bởi chi phí để phục vụ tiêu thụ điện năng cho đối tượng nhà hàng có thể nhiều hơn do tiêu dùng điện vào giờ cao điểm.
Tính đúng chi phí tiêu dùng điện thực tế
Nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho hay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng giá điện hai thành phần, chủ yếu cho khách hàng sản xuất kinh doanh, song cũng có nước áp dụng cho điện sinh hoạt.
Việc áp dụng biểu giá hai thành phần (gồm giá công suất và điện năng), sẽ khác với biểu giá điện một thành phần hiện nay, khi giá điện chỉ được tính theo điện năng là lượng điện tiêu thụ.
Điểm khác nhau là biểu giá điện một thành phần theo điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi về nguyên vật liệu. Còn giá điện hai thành phần còn bao gồm chi phí cố định như chi phí khấu hao tài sản, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương…
Vì vậy, ông Thỏa cho rằng biểu giá điện một thành phần không phản ánh hết tác động gây ra đối với sản xuất điện. Trong khi đó, biểu giá điện hai thành phần phản ánh đầy đủ chi phí đầu tư và chi phí vận hành.
Việc áp dụng cách tính này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đó là việc giúp người dùng điện điều chỉnh hành vi sử dụng điện cho hiệu quả. Từ đó góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện thực hiện có hiệu quả, nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.
Biểu giá này cũng giúp cân bằng phụ tải cho hệ thống. Cơ chế này giúp các hộ sử dụng điện sử dụng ổn định hơn, các phụ tải cũng ổn định hơn ở mọi thời điểm.
Với việc nghiên cứu thí điểm như đề xuất của EVN, theo ông Thỏa, sẽ giúp chúng ta cần có thời gian đánh giá, tổng kết và nhân rộng đại trà nếu thực sự hiệu quả.