Về trang chủ Kinh doanh Gánh nặng chi phí đè doanh nghiệp

Gánh nặng chi phí đè doanh nghiệp

Trong bối cảnh Chính phủ cùng các bộ, ngành đang tìm mọi phương án hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp logistics vẫn oằn lưng gánh phí cầu đường.

Khổ vì phí chồng phí

Suốt 1 tuần qua, trạm BOT Phú Hữu (TP.Thủ Đức, TP.HCM) trở thành một trong những “điểm nóng” giao thông của TP.HCM. Nếu như trong ngày đầu thu phí (17.9), người dân và tài xế phản đối khiến khu vực trạm thu phí hỗn loạn, giao thông ùn tắc nghiêm trọng, thì những ngày gần đây, các phương tiện phản ứng bằng cách đồng loạt chuyển hướng chạy về đường Nguyễn Thị Định, vào đường Nguyễn Thị Tư, dồn sức ép lên những tuyến đường dân sinh vốn đã quá tải. Ngược lại, trạm BOT Phú Hữu nhiều thời điểm ghi nhận vắng hoe, rất ít xe lớn qua lại.

Anh Đặng Kim Sơn, tài xế lái xe container cho một doanh nghiệp (DN) vận tải tại TP.HCM, cho biết cả quãng đường dài gần 3 km, nhưng bãi lấy hàng cách trạm thu phí chưa đến 500 m mà mỗi lần vào lấy hàng anh phải đóng cho trạm BOT Phú Hữu 220.000 đồng (cho 2 lượt ra/vào). Chi phí này là quá cao và chưa phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi đó, những hộ gia đình đăng ký xe đưa rước con đi học, ra vào trạm phải tốn thêm 42.000 đồng/lượt; nhiều người dân làm nghề lái taxi sinh sống bên trong khu vực trạm thu phí bán kính chỉ 200 m nhưng cũng phải đóng thêm phí BOT ít nhất 2 lần mỗi ngày. Chưa kể, đường vào BOT Phú Hữu là độc đạo, ngắn, mặt đường xuống cấp, mùa mưa thì ngập nước, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên khiến người dân đi lại khó khăn. Do đó, việc BOT Phú Hữu đưa vào thu phí với mức giá cao và chính sách miễn/giảm còn nhiều bất cập đang vấp phải ý kiến phản đối gay gắt của người dân và cánh tài xế taxi, xe công nghệ…


Phí cầu đường đè nặng lên vai các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu
Đối với DN, chi phí đẩy lên càng nặng nề hơn. Ông Lê Quang Lâm, Giám đốc Công ty QTL Logistics, kể vanh vách: Hàng từ các tỉnh phía đông – tây khi vận chuyển vào khu vực TP.HCM phải chịu thêm phí cầu đường tại trạm BOT Xa lộ Hà Nội (160.000 đồng/lượt xe, không phân loại container), trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (163.000 đồng/lượt/container rỗng, 342.000 đồng/lượt/container hàng). Hàng từ các tỉnh phía nam bắt buộc phải trả phí BOT cầu Phú Mỹ (80.000 đồng/lượt xe) và BOT đường Nguyễn Văn Linh (35.000 đồng/lượt xe). Chưa kể, DN phải đóng phí cơ sở hạ tầng cảng biển cho TP.HCM (250.000 đồng/container loại 20 feet, 500.000 đồng/container 40 feet) và các chi phí phát sinh khác do hoạt động vận hành sản xuất.

“Thu phí BOT đường Nguyễn Thị Tư, DN đưa hàng xuất nhập khẩu (XNK) vào các cảng khu vực Phú Hữu sẽ phải chịu phí chồng phí. Đây là khu vực tập trung nhiều cảng biển có những tuyến dịch vụ đặc thù, là cửa ngõ XNK nơi các chủ hàng đều mong muốn sử dụng dịch vụ, đồng thời tuyến đường này là huyết mạch độc đạo, xe ra vào bắt buộc phải trên cùng một tuyến đường. Việc triển khai kế hoạch thu phí cầu đường và trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư diễn ra vào thời điểm này thật sự không hợp lý, tạo thêm những áp lực không đáng có, trực tiếp đưa DN vào trạng thái bù lỗ trên mỗi chuyến vận tải”, ông Lâm bức xúc.Trong khi phía chính quyền, chủ đầu tư và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, Công ty CP vận tải và thương mại Quốc Tế (ITC Corp), đơn vị khai thác cảng container quốc tế SP-ITC, đã phải tự bỏ tiền hỗ trợ các đối tác từ 50 – 100% phí qua trạm BOT Phú Hữu, nhằm giảm chi phí cho DN.

Áp lực chi phí “khủng khiếp”

Bên cạnh những loại thuế, phí bắt đầu thu hoặc được điều chỉnh tăng một cách chính thức, các DN logistics, XNK còn phải gánh thêm rất nhiều chi phí không tên.Cách đây hơn 1 tháng, hệ thống khai hải quan điện tử bị “sập nguồn”, kéo dài hơn 1 ngày đêm. Đến nay, mặc dù hoạt động khai báo hải quan đã vào guồng trở lại, tuy nhiên theo phản ánh của nhiều DN làm hàng xuất khẩu, tính liên thông, kết nối dữ liệu giữa hải quan và cảng vẫn còn bị trục trặc. Điều này khiến chi phí của DN đội lên đáng kể. Chẳng hạn, việc khai báo đã không phải thực hiện thủ công, nhưng thỉnh thoảng, việc đính kèm số container lại không “ăn” vào hệ thống khiến nhiều DN XNK không nhận được mã vạch. Nếu không có mã vạch, hàng hóa đã đưa về cảng cũng không lấy ra được.

Trạm BOT Phú Hữu nhiều thời điểm rất ít xe lớn qua lại, do bị người dân phản ứng vì thu phí cao

Bà Nguyễn Q. Khánh (đại diện một công ty logistics tại Q.1, TP.HCM) thông tin: “Không lấy được mã vạch, có ra cảng cũng không lấy được hàng. Hàng hóa lưu lại bãi ngày nào là chi phí đội lên ngày đó. Nhiều DN XNK không chịu chi phí thêm này, mà đơn vị làm dịch vụ chịu. Chẳng hạn, với lô hàng container đông lạnh đã hoàn tất thủ tục hải quan, nhưng phía cảng chưa nhận được mã vạch, vẫn không lấy hàng được. Số tiền lưu tại cảng phải trả thêm khoảng 1,5 triệu đồng/ngày/container. Còn hàng lưu bãi 23 USD/ngày, lưu tại bãi kiểm hóa (hàng chờ để kiểm hóa) trả thêm khoảng 270.000 đồng/ngày… Nhưng thường chậm lại kéo dài hơn 1 ngày, thậm chí cả 3 – 5 ngày, nên chi phí có tên nhưng cũng như không tên, đội lên rất lớn”.Lãnh đạo một DN thương mại và tiếp vận chia sẻ: Tình hình XNK hàng hóa năm 2023 từ VN đi các nước giảm sút rất nghiêm trọng, đặc biệt là các ngành hàng trọng điểm như dệt may, da giày, gỗ… Những chỉ số dự báo được cho là lạc quan nhất về tình hình kinh tế chung năm 2024 vẫn còn bỏ ngỏ, chưa khẳng định ngành XNK của VN sẽ khởi sắc trong thời gian ngắn sắp tới. Trong bối cảnh đó, để đưa một container hàng hóa từ TP.HCM ra thị trường nước ngoài và ngược lại, hiện các DN XNK đã và đang phát sinh rất nhiều chi phí như: phí XNK mỗi container hàng hóa thông qua các cảng, hãng tàu, phụ phí XNK, thuế XNK; lệ phí cầu đường tại các trạm BOT.

“Đặc biệt, sau khi cơn bão số 3 kéo theo những trận lũ lịch sử, dù không nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng các DN phía nam cũng bị tác động. DN nào may mắn không bị đứt nguồn hàng từ đối tác, nhà cung ứng thì cũng đã trích một phần đáng kể trong lợi nhuận hoặc doanh thu để thực hiện các công tác thiện nguyện, hỗ trợ đồng bào và cả đối tác của mình ngoài kia. Do đó, bất cứ khoản chi phí tăng thêm nào vào giai đoạn này cũng sẽ gây thêm áp lực khủng khiếp cho DN. DN quy mô càng lớn, chi phí đội lên càng nhiều”, vị này giãi bày.

 

Đây là thời điểm nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách để DN khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng, điển hình là mở rộng tài khóa, tiền tệ, để lại tiền cho người dân tăng chi tiêu, cho DN có vốn làm ăn, mở rộng hoạt động kinh doanh.
TS Huỳnh Thanh Điền
TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đánh giá: Kinh tế VN vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, cộng thêm sức tàn phá của thiên tai, bão lũ, thiệt hại càng thêm nặng nề. Đây là thời điểm nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách để DN khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng, điển hình là mở rộng tài khóa, tiền tệ, để lại tiền cho người dân tăng chi tiêu, cho DN có vốn làm ăn, mở rộng hoạt động kinh doanh. “Linh hồn” của chính sách mở rộng tài khóa là giảm thu, giảm những khoản chi phí đầu vào để hỗ trợ DN. Khi DN khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh đồng nghĩa với tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thêm thu nhập để chi tiêu, từ đó khôi phục kinh tế. Khi kinh tế ổn định thì có thể tăng thu để bù lại thâm hụt ngân sách.”Do đó, nếu được, nhà nước cần can thiệp để tạm lùi thời gian áp dụng thu phí, kéo dài thêm 1 năm nữa để có đủ dư địa cho kinh tế hồi phục. Có rất nhiều cách. Đơn cử, với những loại thuế, phí, giá mà nhà nước quy định…, đến thời hạn tăng giá thì tạm lùi hoặc kéo dài chương trình hỗ trợ giảm giá thêm 1 năm. Với phí BOT, do đã ký hợp đồng với DN nên có thể giãn chu kỳ tăng giá bằng cách cho phép DN kéo dài thêm thời gian thu phí 1 – 2 năm để bù lại khoản thu. Tùy từng trường hợp, từng thời điểm chính sách cũng cần linh hoạt điều chỉnh để hỗ trợ nền kinh tế”, TS Huỳnh Thanh Điền đề xuất.

Cần chính sách hỗ trợ mạnh và nhanh

Không phải chỉ trạm BOT Phú Hữu của TP.HCM bị người dân phản ứng vì thu phí cao vào đúng giai đoạn DN khó khăn, những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội đã lan truyền bức xúc với câu chuyện sau khi chở hàng cứu trợ đồng bào các tỉnh phía bắc bị thiệt hại do bão lũ, nhiều xe tải về đến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị chặn lại, yêu cầu trả phí. Cụ thể, trưa 13.9, một đoàn thiện nguyện gồm 8 xe chở nhu yếu phẩm do các nhà hảo tâm của tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận quyên góp hỗ trợ các tỉnh phía bắc di chuyển đến địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Khi đoàn xe đến trạm thu phí cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), đại diện đoàn xin được miễn vé qua trạm nhưng nhân viên trạm thu phí không đồng ý. Đáng lưu ý, trong suốt quá trình làm thiện nguyện, đoàn xe này di chuyển qua nhiều tỉnh, thành và đều được các trạm thu phí hỗ trợ.


Phí cầu đường đè nặng lên vai các DN vận tải, xuất nhập khẩu

Trước đó, Cục Đường bộ VN đã gửi văn bản đề nghị các đơn vị, nhà đầu tư, DN xem xét, chỉ đạo các trạm thu phí miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ khi đi qua trạm thu phí cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới; phối hợp Khu Quản lý đường bộ khu vực và các cơ quan liên quan của địa phương tổ chức phân làn, phân luồng, hướng dẫn giao thông để các xe trên lưu thông qua trạm thu phí nhanh nhất. Đề nghị này phát đi trên cơ sở lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng, giúp người dân khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, đại diện đơn vị khai thác vận hành cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi lại cho rằng các xe được miễn phí qua trạm thu phí phải thực hiện theo quy định của Cục Đường bộ. Ngoài xe thuộc diện đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, các xe còn lại muốn được miễn phí phải có giấy xác nhận của Cục. Thời gian qua, có nhiều đoàn chở hàng cứu trợ nhưng khi qua trạm vẫn đóng phí như bình thường.
Đây là một trong những ví dụ điển hình mà chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đã cảnh báo ngay khi Chính phủ định hướng khẩn cấp có chính sách hỗ trợ DN và người dân sau cơn bão số 3. Theo ông Thành, cũng như giai đoạn sau dịch bệnh, có 2 chính sách hỗ trợ quan trọng có thể triển khai được ngay. Thứ nhất là chính sách tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất. Thứ hai là chính sách tài khóa liên quan đến miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí. “Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng… và Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ này phải được thực hiện thật nhanh, phải xây dựng làm sao để DN tiếp cận dễ dàng nhất, hiệu quả nhất trên cơ sở chủ trương xuyên suốt từ trên xuống dưới. Nếu ở trên chủ trương hỗ trợ mà ở dưới lại chần chừ hoặc làm khó thì coi như vô ích. Quan trọng nhất của chính sách hỗ trợ là nhanh, trúng và dễ tiếp cận”, TS Võ Trí Thành khuyến nghị.
Chủ đầu tư đề xuất mở rộng diện miễn, giảm phí qua BOT Phú Hữu

Trong báo cáo vừa gửi Sở GTVT TP.HCM về tình hình hoạt động tại trạm BOT Phú Hữu, Công ty CP xi măng Vicem Hà Tiên kiến nghị miễn thu phí đối với xe đưa rước học sinh, xe thu gom rác, ô tô dưới 12 ghế sử dụng cho mục đích kinh doanh của hộ dân thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng trong phạm vi tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu; giảm 50% mức thu đối với ô tô của cán bộ nhân viên thuộc các DN có trụ sở trên tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu và ô tô không sử dụng để kinh doanh của DN có trụ sở cách trạm BOT Phú Hữu trong phạm vi 500 m tính từ nơi đặt trạm.Phía nhà đầu tư cũng kiến nghị UBND P.Phú Hữu sớm tổ chức đối thoại với cư dân và DN, có sự tham dự của Sở GTVT và Xí nghiệp quản lý đường BOT Phú Hữu, để trao đổi các ý kiến, kiến nghị liên quan việc thu phí tại trạm BOT Phú Hữu.

Theo Thanh niên.

Có thể bạn quan tâm