Khô hạn kéo dài khiến địa bàn huyện U Minh Thượng xảy ra 297 điểm sạt lở, 26 căn nhà bị sụp xuống kênh, thiệt hại ước tính 90 tỷ đồng.
Thông tin nêu ra trong cuộc họp của UBND tỉnh Kiên Giang với các sở, ngành về tình hình sạt lở vào mùa khô tăng cao ở địa bàn, ngày 8/4.
Sụt lún ở địa phương diễn biến phức tạp ở vùng đệm U Minh Thượng. Từ đầu tháng 3 đến nay, xã Minh Thuận, An Minh Bắc ghi nhận 297 điểm sạt lở trên chiều dài hơn 8 km. Tỉnh lộ ĐT 965 đi qua khu vực có 37 điểm sạt lở. 26 căn nhà bị hư hỏng, thiệt hại gần 3,7 tỷ đồng, ảnh hưởng nhiều người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 đến sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng nửa tháng. Hiện một số trạm cấp nước ở khu vực huyện Kiên Lương, An Minh, Kiên Hải, lưu lượng khai thác bị giảm, nguồn nước bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép…
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu các ngành liên quan triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại, sớm khắc phục các tuyến đường giao thông bị chia cắt… Lãnh đạo tỉnh giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố tình huống khẩn cấp do sạt lở, sụt lún tại các xã thuộc huyện U Minh Thượng.
Nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 3 đã ảnh hưởng nhiều tỉnh thành miền Tây. Nhiều tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, người dân thiếu nước ngọt sử dụng, diện tích lớn lúa chết khô. Khô hạn khiến huyện Trần Văn Thời ở Cà Mau xuất hiện khoảng 340 vụ sụt lún tại các tuyến sông, kênh với tổng chiều dài hơn 9 km.
Hôm qua họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia nêu hạn mặn năm nay không khốc liệt bằng đợt năm 2015-2016 và 2016-2020, song tác động rất lớn đến cuộc sống, sản xuất người dân. Dự báo tình trạng nắng nóng kéo dài hơn 10 ngày nữa. Mùa mưa năm nay sẽ muộn hơn cùng kỳ 10-15 ngày, từ 20/4 có mưa trái mùa, đến 20/5 chính thức vào mùa mưa.