Về trang chủ Khỏe-Đẹp El Nino làm muỗi sinh trưởng nhanh hơn, đe dọa bùng phát dịch sốt xuất huyết

El Nino làm muỗi sinh trưởng nhanh hơn, đe dọa bùng phát dịch sốt xuất huyết

Theo nhận định của chuyên gia, thời tiết trong điều kiện El Nino làm muỗi sinh trưởng nhanh hơn. Từ tháng 7 – 11 năm nay, nhiều khả năng số ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng lên.

Cơ quan khí tượng cho biết, El Nino đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam và sẽ tiếp tục phát triển từ tháng 6 cho tới hết năm 2023, duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 80 – 90%.

El Nino và biến đổi khí hậu ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, sức khỏe của người dân

Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn cả về cường độ và quỹ đạo.

PGS – TS Phạm Thị Thanh Ngà, Phó viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cho biết thực tế cho thấy trong những năm El Nino, diễn biến thời tiết và khí hậu thường rất bất thường và khó dự báo; thiên tai thường tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế – xã hội, môi trường và sức khỏe người dân.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét ký sinh trùng, Côn trùng T.Ư), cho hay thời tiết ngày càng thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho muỗi phát triển.

Biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino đã thay đổi quá nhiều trong những năm gần đây. Theo chu kỳ, khoảng 4 – 5 năm thì xuất hiện 1 năm có ca sốt xuất huyết tăng cao. Tuy nhiên, theo ghi nhận 5 năm gần đây, có tới 3 năm là 2017, 2019, 2022 có số ca mắc đạt mức cao. Năm nay, Hà Nội có số ca mắc có thể sẽ rất cao, bởi so với cùng kỳ năm ngoái thì số ca mắc cũng đạt tới 65%.

TS Nguyễn Văn Dũng

Theo ông Dũng, năm 2022 là năm đỉnh điểm của sốt huyết và ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất lịch sử. 3 tháng đầu năm 2023, số ca mắc vẫn chưa giảm, từ tháng 4 đến tháng 6 số ca mắc giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lượng người mắc sốt xuất huyết vẫn rất lớn.

Trưởng khoa Côn trùng cho biết thêm, nguyên nhân số ca mắc tăng cao là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã làm giảm miễn dịch của nhiều người dân. Khi chống dịch, người dân đôi khi “quên” những hành động trong việc xử lý những nơi dễ làm tổ đẻ của muỗi.

“Ngoài ra, thời tiết nắng nóng rồi mưa giông tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của muỗi. Đặc biệt, hình thái thời tiết này khiến chu kỳ phát triển của muỗi rất nhanh, muỗi từ trứng đến trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng. Muỗi phát triển nhanh cộng với việc gia tăng mật độ khi tiếp xúc với con người, chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát dịch”, TS Dũng phân tích.

“Từ tháng 7 đến tháng 11 năm nay, nhiều khả năng số ca mắc sẽ tăng lên”, TS Dũng nhận định.

TS Nguyễn Văn Dũng cho rằng, công tác phòng bệnh sốt xuất huyết thời điểm hiện tại, phương pháp hiệu quả nhất vẫn là việc dọn dẹp, loại bỏ những vật dụng có thể chứa nước mưa, ngăn chặn được môi trường sinh sản của muỗi.

“Tâm lý sử dụng hóa chất để diệt muỗi đang xảy ra vô cùng phổ biến. Nhiều gia đình, khu phố thuê dịch vụ dùng hóa chất diệt muỗi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ muỗi kháng thuốc”, ông Dũng nói.

Cuối tháng 6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “WHO đang chuẩn bị cho khả năng rất cao là hiện tượng El Nino trong năm 2023 và năm 2024 có thể làm tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại bệnh liên quan đến virus khác như zika và chikungunya. Tác động của biến đổi khí hậu làm tăng khả năng sinh sản của muỗi và lây lan các bệnh này nhanh hơn”.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm