Về trang chủ Văn hóa Du lịch Du lịch di sản kiến trúc Pháp ở Hải Phòng

Du lịch di sản kiến trúc Pháp ở Hải Phòng

Ở Hải Phòng không chỉ có food tour, thành phố này còn có nguồn tài nguyên di sản kiến trúc Pháp rất đầy đặn.

Nồi cơm du lịch di sản

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đánh giá rất cao khối tài nguyên di sản kiến trúc đô thị Hải Phòng. Theo bà, những di sản kiến trúc Pháp ở thành phố này, hay nói chung là di sản đô thị ở Hải Phòng, rất may mắn không bị xáo trộn mất mát gì nhiều. Từ đó, có thể khai thác để sử dụng cho du lịch di sản. “Di sản đô thị với kiến trúc Pháp ở đây chính là nồi cơm du lịch di sản”, PGS-TS Thục nói tại Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di sản đô thị thời Pháp thuộc gắn với du lịch văn hóa ở Hải Phòng” vừa qua.

TS-KTS Nguyễn Quốc Tuân, Trường ĐH Phương Đông, cho biết khu phố Pháp của Hải Phòng có niên đại hình thành sớm (1874 – 1888), có thể nói là đầu tiên ở miền Bắc VN, cùng thời với khu phố Pháp của Hà Nội. Căn cứ theo các bản đồ thì khu phố Pháp hiện nay chính là khu trung tâm lịch sử đô thị duy nhất và xuyên suốt các thời kỳ của TP.Hải Phòng.

Bưu điện Hải Phòng, địa chỉ check in ưa thích của du khách

Mặt khác, do toàn bộ các công trình kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc ở đây đều được dùng làm trụ sở công quyền của thành phố từ năm 1955 đến nay, nên khu phố Pháp Hải Phòng còn mang một giá trị lớn nữa. Đó là tính toàn vẹn của một di sản đô thị, vốn rất khó giữ gìn ở các thành phố lớn trong thời gian hơn 100 năm qua.

Ông Tuân cũng đánh giá cao các nguồn lực khác của đô thị Hải Phòng. Đó là các hình ảnh biểu tượng, căn tính văn hóa địa phương thể hiện qua các bài hát, tác phẩm văn học, vở kịch, tác phẩm hội họa – điêu khắc… về đất và người Hải Phòng. Thành phố cũng có nhiều tên tuổi văn hóa – nghệ thuật thời cận đại lừng danh như Khái Hưng, Hoàng Ngọc Phách, Văn Cao, Nguyên Hồng, Đoàn Chuẩn, Trần Văn Cẩn. Đây là nguồn lực cho các bảo tàng danh nhân của thành phố. Một nguồn lực khác là các di sản công nghiệp như nhà máy cũ, công trình giao thông (cầu thép, đập)…

TS-KTS Tuân cho biết thêm “nồi cơm du lịch di sản” ở Hải Phòng hiện có 3 sản phẩm nổi bật. Thứ nhất, food tour đang khai thác khá thành công văn hóa ẩm thực đặc sắc trong khu phố trung tâm Hải Phòng. Thứ hai, chương trình “Hải Phòng – Lòng vòng check in” giới thiệu đến du khách những khung hình đẹp tại thành phố cảng với điểm ga Hải Phòng, Bưu điện thành phố, Ngân hàng Nhà nước, Nhà hát thành phố và Bảo tàng Hải Phòng (đều là các công trình kiến trúc Pháp). Thứ ba, tour tản bộ chủ đề “Hải Phòng một thoáng xưa” với hành trình tìm hiểu các di tích và thắng cảnh nổi tiếng tại khu vực trung tâm thành phố.

Nhà hát Lớn Hải Phòng với nhiều nét văn hóa bản địa
Những tư vấn mới

TS-KTS Nguyễn Vinh Quang, Trường ĐH Phương Đông, cho rằng Hải Phòng nên học tập một số kinh nghiệm khai thác du lịch từ di sản đô thị của nhiều nước trên thế giới. Malaysia là đất nước giữ gìn được những khu vực di sản đô thị thuộc địa quý giá, lượng di sản kiến trúc thuộc địa phong phú. Trong đó, George Town, di sản thế giới được UNESCO công nhận, nổi tiếng với những tòa nhà lịch sử kết hợp yếu tố Âu – Trung Quốc – Mã Lai được bảo tồn hiệu quả. Một di sản UNESCO khác là Malacca, từng là một thương cảng quan trọng, lại có kiến trúc mang ảnh hưởng của thực dân Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Du khách rất thích những giao thoa văn hóa này.

TS Vinh Quang cũng nhắc tới việc rất nhiều công trình kiến trúc thuộc địa ở Singapore đã được cải tạo lại, nâng cấp và chuyển đổi chức năng mới thành các nhà hàng, khách sạn cao cấp để công chúng và du khách khắp nơi trên thế giới dễ dàng tiếp cận và thưởng ngoạn. Khu vực cảng Clarke Quay, một thương cảng sầm uất thế kỷ 19, đã được cải tạo và phục hồi, sau một thời gian dài bị bỏ quên. “Sự thay đổi của Clarke Quay diễn ra nhanh chóng từ những năm 1980 đến 2008, với sự phối hợp của cơ quan Tái phát triển đô thị, Tổng cục Du lịch Singapore, các nhà đầu tư tư nhân. Clarke Quay không lâu sau đó dần trở thành một trong những địa điểm rất thu hút khách du lịch tới vui chơi, giải trí và thưởng ngoạn di sản”, TS Vinh Quang cho biết.

Với Hải Phòng, nhóm nghiên cứu của Th.S Nguyễn Văn Thắng, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cho rằng nên học kinh nghiệm của Clarke Quay để tổ chức khu vực ngã ba sông Tam Bạc – sông Cấm. Theo đó, nên tổ chức dải hoạt động kinh tế đêm, gồm các ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán bar, với tuyến phố đi bộ ven sông. Trên sông Tam Bạc, có thể tái hiện cảnh những thuyền buồm nâu, thuyền buôn tấp nập trong ký ức ngày trước của nhiều người, giờ trở thành tàu thuyền du lịch, tàu dịch vụ…

Nhóm này cũng đưa ra các ý kiến cho các khu vực khác như biến khu cảng Hải Phòng thành không gian công cộng. Tại không gian này, bến Sáu Kho có thể cải tạo thành một trung tâm sáng tạo nghệ thuật…

Họ cũng muốn tổ chức trục di sản văn hóa với bảo tàng, nhà trưng bày, gallery nghệ thuật hai bên dải vườn hoa trung tâm kéo dài từ nhà triển lãm thành phố ra tới công viên Kim Đồng. Các thiết chế này được hình thành dựa trên chuyển đổi công năng một số biệt thự Pháp.

Với khu phố Tam Bạc, vốn có nhiều hoạt động đặc sắc của người Việt và người Hoa trước đây, nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển du lịch trải nghiệm, food tour. Nhóm đề nghị xem xét tái hiện vào mỗi cuối tuần mô hình chợ Sông, nơi thuyền buôn tấp nập trao đổi hàng hóa trên sông Tam Bạc như những năm đầu thế kỷ 20; có thể tổ chức chợ đêm ở dãy phố ven sông Tam Bạc. Trong khi đó, food tour cũng được đề nghị phát triển tại khu vực ga Hải Phòng và một số ô phố xung quanh với khu chợ Cố Đạo nổi tiếng về món nem cua, bánh đa cua, cùng các hiệu bánh có tiếng trên phố Cầu Đất.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm