Theo báo cáo từ trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR của Anh, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ vượt Singapore vào năm 2029.
Báo cáo của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR của Anh cho thấy, quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 đạt 450 tỷ USD, tăng một bậc so với năm trước, lên thứ 34 trên thế giới và sẽ vượt Singapore vào năm 2029. Khi đó GDP của Việt Nam được dự báo lên mức 676 tỷ USD, trong khi Singapore là 656 tỷ USD.
Đến năm 2039, GDP Việt Nam có thể đạt 1.410 tỷ USD, xếp thứ 25 toàn cầu, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Philippines. Thành tựu này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực mà còn phản ánh sức bền của nền kinh tế trước những thách thức toàn cầu.
GDP toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 110 nghìn tỷ USD (2024) lên 221 nghìn tỷ USD (2039). Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ phát triển vượt bậc so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, và Singapore.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới – World Bank (WB), trong năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt gần 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người.
Theo phân loại mới nhất áp dụng cho năm 2023-2024, Việt Nam chưa lọt nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao (upper-middle income).
Tuy nhiên, dự báo của CEBR cho thấy GDP/đầu người năm 2024 sẽ đạt 4.469 USD, vượt ngưỡng phân loại thu nhập trung bình cao (4.466 USD). Điều này mở ra cơ hội để Việt Nam chính thức gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025, với GDP/đầu người dự kiến đạt 4.783 USD.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn về GDP/đầu người so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực, sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2026, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 4 trong ASEAN-6 với GDP/đầu người đạt 6.140 USD, vượt qua Indonesia và Philippines.
Ở góc độ sức mua tương đương (PPP), GDP/đầu người của Việt Nam năm 2024 ước đạt 16.193 USD và được phân loại là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Để duy trì đà phát triển, Việt Nam cần tập trung cải thiện năng suất lao động, đầu tư vào giáo dục và công nghệ nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập với các quốc gia láng giềng.
Hiện Việt Nam là một trong những nước duy trì được tốc độ phát triển rất nhanh sau đại dịch. Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn với rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương và là điểm đến của dòng vốn FDI, cũng như là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đang là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật…
Năm 2024, Việt Nam ghi nhận khá nhiều tín hiệu tích cực, trong đó có hiện tượng “đại bàng” tỷ USD dồn dập đến Việt Nam với các kế hoạch rót vốn đầu tư. Trong năm 2024, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, có thể đạt 40 tỷ USD, thuộc top 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Tính đến tháng 11 năm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Pháp và Malaysia. Những quan hệ đối tác này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, đồng thời củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Đến cuối tháng 11, cả nước có 41.720 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 497 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 319 tỷ USD.