Ngày 25/4, cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức, đã đề cập đến Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat. Hoạt động của dự án này đang được dư luận quan tâm trong những ngày qua do có nhiều thông tin trái chiều.
Ông Ngô Văn Ninh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Dự án có quy mô 200 ha được xây dựng tại thôn Kambute, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Đây là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh. Ban đầu, chủ đầu tư cũ của dự án là Công ty Kim Phát đã đầu tư trồng rừng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng. Toàn bộ khu vực này là đồi đất đá rất xấu, khắc nghiệt, không có nước. Doanh nghiệp đã trồng thử nghiệm 160 ha cây xoan chịu hạn nhưng bị chết hết, sau đó trồng keo nhưng cũng không sống nổi.
Sau đó, dự án được chuyển sang chủ đầu tư mới là Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) sản xuất thương mại Kim Phát. Công ty đã phải đưa xe cơ giới, máy xúc đổ đất mới, cải tạo nền đất cũ để trồng rừng, nên cây mới sống được. Sau đó doanh nghiệp này đã xây dựng Nhà máy chế biến sữa để tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người dân địa phương. Công ty được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thống nhất chủ trương điều chỉnh, bổ sung hạng mục Du lịch văn hóa tâm linh vào mục tiêu dự án và điều chỉnh tên, công năng sử dụng của hạng mục Khu sinh hoạt trung tâm thành Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh.
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động (7/3/2023), mỗi ngày thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, Khu vực tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat đã xuất hiện những thông tin trái chiều về dự án này. Nhiều thông tin cho rằng quần thể du lịch tâm linh này có những hoạt động tôn giáo không đúng quy định của pháp luật; một số hạng mục hoạt động không đúng nội dung cấp phép… Do đó, ngày 31/3, Bộ Nội vụ đã tổ chức Đoàn công tác phối hợp với tỉnh Lâm Đồng kiểm tra các trình tự thủ tục đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này. Qua kiểm tra, Đoàn xác định chưa phát hiện có sai phạm. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định tăng cường công tác quản lý, giám sát và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng các hoạt động được cấp phép, nếu sai phạm sẽ kiên quyết xử lý.
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo các sở Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Công an tỉnh cho biết: trước đây, dự án này cũng có một số vi phạm trong xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích… và bị xử phạt hành chính. Sau đó doanh nghiệp đã chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng, hoàn tất mọi thủ tục pháp lý theo quy định. Qua kiểm tra giám sát, đến nay các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương không phát hiện dấu hiệu vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Ông Bùi Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết: Dự án Khu vực tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat được xây dựng và hoạt động ở một vùng đất khó khăn, xa xôi hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ đói nghèo cao. Dự án đi vào hoạt động đã làm thay đổi bộ mặt cả 1 vùng đất đói nghèo, lạc hậu. Nhiều hộ đồng bào bắt đầu phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch, nên cuộc sống khấm khá dần lên.
Trước đó ngày 7/3/2023, Khu vực tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat đã khánh thành, mở cửa phục vụ du khách. Đáng chú ý, tại đây có Đại bảo tháp kinh luân được xác lập kỷ lục thế giới Guinness Word Record vào cuối năm 2022. Đại bảo tháp được công nhận lớn nhất thế giới với chiều cao 37,22m, đường kính 16,53m, được làm bằng chất liệu đồng tinh khiết, dát vàng 24k, trọng lượng 200 tấn, có thể quay xung quanh trục đứng.
Cùng ngày, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chính thức trao Chứng nhận Không gian văn hóa tâm linh dành cho Không gian Phật giáo Kim cương thừa tại Samten Hills Dalat, Việt Nam. Từ khi mở cửa đến nay, mỗi ngày khu du lịch này thu hút hàng ngàn lượt khách tới tham quan, thưởng lãm và trở thành 1 trong những khu tham quan du lịch thu hút khách đông nhất của tỉnh Lâm Đồng.
Theo TTXVN