Vào tháng 8.2008, khi Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang được triển khai, trên Báo Lao Động có bài viết “Một siêu dự án, một ẩn số lớn” nêu lên những điều không bình thường của dự án này cũng như cảnh báo nguy cơ để lại hậu quả nặng nề nếu dự án thất bại. Thực tế xảy ra đã không khác nhiều so với dự báo. Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có buổi làm việc với tỉnh Long An và kết luận: Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam phải có phương án giải quyết dứt điểm trước 15.4.2023.
Chuyện lạ từ Long An
Cách đây gần 20 năm, khi tỉnh Long An chưa có nhiều các dự án công nghiệp, thì Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (DA NMBGPN) với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng thật sự hấp dẫn với địa phương khi hứa hẹn sẽ là cú hích quan trọng đưa địa phương phát triển, làm thay đổi cả vùng Đồng Tháp Mười nghèo khó… Có lẽ vì vậy mà tỉnh Long An đã bằng mọi cách để có được dự án nên không quan tâm đầy đủ đến hậu quả có thể xảy ra.
Bộ không làm được thì tỉnh làm
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư phát triển GTVT (Tracodi, trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 6, Bộ GTVT) làm chủ đầu tư vào tháng 10.2003 với số vốn hơn 1.487 tỉ đồng (sau đó điều chỉnh tăng lên gần 2.300 tỉ đồng, phần nhiều là vốn vay nước ngoài do Trung ương bảo lãnh), quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm. Ngày 28.10.2003, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt dự án do Tracodi làm chủ đầu tư, được triển khai trên vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh.
Tuy nhiên, dự án đã chậm được triển khai do cơ quan chủ quản của Tracodi chậm thông qua, dù ngày 25.1.2005, Tracodi đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị toàn bộ và dịch vụ kỹ thuật với Công ty Androtz – Cộng hoà Áo. Có lẽ vì “sốt ruột” nên UBND tỉnh Long An đã kiến nghị và được ngành GTVT đồng ý cho tiếp nhận nguyên trạng toàn bộ Doanh nghiệp Nhà nước Tracodi vào ngày 1.6.2005. Ngay tức thì, tỉnh Long An bắt tay khởi động lại dự án.
Dấu hiệu bất thường
Lúc ấy dư luận ở Long An khá xôn xao xung quanh việc UBND tỉnh tiếp nhận chủ đầu tư dự án là Tracodi để được triển khai dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Có ý kiến cho rằng, Bộ GTVT muốn giúp tỉnh Long An nên “tặng” 1 doanh nghiệp của ngành mình. Nhưng cũng có ý kiến e ngại việc tỉnh “nhận chủ đầu tư để có dự án” trong khi các doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh đã và đang chuyển nhanh sang cổ phần hóa.
Theo đúng quy trình, UBND tỉnh Long An thành lập Hội đồng thẩm định Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam với sự tham dự của các ngành có liên quan trong tỉnh. Lúc ấy, Sở KHCN tỉnh Long An cử kỹ sư Lê Minh Triết (Phó Giám đốc sở, nay đã nghỉ hưu) tham gia hội đồng.
Ông Triết nhớ lại, khi được cử tham gia hội đồng, ông đã tìm hiểu và biết rằng, trước đó, khi chủ đầu tư dự án là Tracodi còn trực thuộc ngành GTVT, dự án này đã không thể thông qua, hẳn là có lý do. Giờ Tracodi về trực thuộc UBND tỉnh Long An, dự án được khởi động lại.
Nhờ bạn bè ở Bộ KHCN cung cấp thêm thông tin và bằng kiến thức của một kỹ sư được đào tạo bài bản, ông Triết biết thêm, dự án này là không khả thi vì trang thiết bị, công nghệ tuy có hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu, nhưng không phù hợp với nguyên liệu cây đay ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.
Vào dự các cuộc họp hội đồng để xem xét dự án, ông Triết bao giờ cũng trình bày lập luận khoa học của mình để phản bác. Tuy nhiên, có thể do lúc ấy tỉnh Long An chưa có nhiều dự án công nghiệp, trong khi Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam quá hấp dẫn, hứa hẹn làm thay đổi cả vùng Đồng Tháp Mười nghèo khó, nên nó có sức thu hút cao. Có người còn khuyên ông Triết nên ủng hộ, vì nợ vay nước ngoài thực hiện dự án do Trung ương bảo lãnh, nếu dự án có thất bại thì tỉnh Long An cũng không thiệt hại gì, nhưng ông Triết vẫn không đồng ý. Sau đó ông Lê Minh Triết được cho thôi tham gia Hội đồng thẩm định dự án.
Chỉ mấy tháng sau, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã rầm rộ khởi công, ồ ạt xây dựng, nhưng mãi mãi không thể đi vào hoạt động.
Ông Triết chia sẻ, nếu lúc đó ông kiên quyết hơn, như làm tường trình gửi lên HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An, hay cấp cao hơn, có thể dự án đã được xem xét một cách cẩn trọng hơn, không để gây ra hậu quả lớn như ngày hôm nay.