Hết 6 tháng đầu năm, tuy tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào VN giảm nhẹ, song vốn giải ngân cũng đã tăng trở lại sau 5 tháng giảm liên tục… Với những diễn biến mới, triển vọng tăng vốn FDI trong thời gian tới khá cao.
Giải ngân vốn FDI tăng
Chiều 29.6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án có tổng mức đầu tư hơn 246 triệu USD của Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd. Trong đó, dự án Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc xe điện. Dự kiến tháng 1.2025, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động chính thức. 3 ngày trước đó, UBND TP.Hải Phòng cũng trao giấy chứng nhận đăng ký điều chỉnh cho dự án LG Innotek Hải Phòng với vốn tăng thêm hơn 1 tỉ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên trên 2 tỉ USD. Việc vốn đầu tư nước ngoài mở rộng đang cải thiện đáng kể cho thu hút vốn FDI trong tháng cuối quý 2.
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cập nhật cho thấy trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký đạt 13,43 tỉ USD, giảm 4,3%, nhưng mức giảm tích cực hơn nhiều so với các tháng trước. Cụ thể, tháng 5 mức giảm là 7,3%, tháng 4 giảm gần 18%, tháng 3 giảm 38,8%… Tuy vậy, trong cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài vào VN 6 tháng đầu năm, chỉ có vốn điều chỉnh là giảm so với cùng kỳ (giảm hơn 57%). Còn lại vốn đăng ký mới tăng mạnh hơn 31%, đạt hơn 6,49 tỉ USD; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 4 tỉ USD, tăng 76,8% so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy vốn FDI giải ngân tăng nhẹ trong 6 tháng qua, ước đạt 10,2 tỉ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Mức tăng nhẹ, nhưng đây có thể là một sự khởi đầu tích cực cho xu hướng tăng trở lại của vốn giải ngân. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận xét vốn giải ngân tăng trở lại cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng qua đã phần nào hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông Hoàng cũng là người tiết lộ rằng “trong tay đang có một danh sách rất dài các dự án quy mô lớn dự định đầu tư vào VN” tại Diễn đàn doanh nghiệp VN – Hàn Quốc diễn ra vào tuần cuối tháng 6 vừa qua. Ông cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang thận trọng trong việc đưa ra quyết định cuối cùng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có rất nhiều bất ổn.
Minh chứng cho những cải cách hành chính hiệu quả, quan trọng, giúp thu hút vốn FDI, có thể dẫn câu chuyện của Quảng Ninh. Theo đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, 2 dự án của Foxconn nói trên được giải quyết các thủ tục chỉ trong vòng 12 giờ làm việc, kể từ khi nhà đầu tư nộp hồ sơ là chiều 27.6, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp sau đó 1 ngày là chiều 28.6. Đến nay, Foxconn đã có 3 dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 383 triệu USD.
Cải cách thủ tục hành chính để đón dự án tỉ USD
Trong thực tế, sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn mở rộng đầu tư là nguyên nhân chính khiến vốn điều chỉnh vẫn đang giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của VN. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư mới hiện vẫn tập trung vào các tỉnh, TP có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…. như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai.
Tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho biết nếu so sánh các yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài truyền thống, thì TP.HCM có nhiều yếu tố bất lợi, vì quỹ đất phát triển công nghiệp rất hạn chế, không thể đón được các dự án yêu cầu quỹ đất lớn; chi phí đầu vào tăng cao, việc tuyển lao động khó khăn, kết nối hạ tầng chưa được thông suốt đang là rào cản thu hút đầu tư nước ngoài tại TP.HCM. Tuy vậy, ông Hưng nhấn mạnh: “Khi các thế mạnh trước đây không còn nữa, TP.HCM xác định chiến lược thời gian tới là tập trung thu hút các chuỗi cung ứng, trong đó TP là nơi đặt những phần quan trọng của chuỗi cung ứng như trụ sở chính, trung tâm R&D, trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, trung tâm kết nối, hỗ trợ… nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trực tiếp tại các tỉnh lân cận”.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh: Giải ngân đầu tư công, giải ngân vốn FDI tăng góp phần quan trọng nhằm tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đầu tư khu vực tư nhân trong nước còn khó khăn thì nỗ lực thu hút thêm vốn FDI là cần thiết.
Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Chinh (TP.HCM) nhận xét đã thấy những điểm sáng đáng chú ý trong thu hút FDI. Đặc biệt, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM có dấu hiệu tăng mạnh, hơn 30% vốn FDI trên các “mặt trận”. Nếu xét về dự án, TP.HCM hiện đang dẫn đầu cả nước về số dự án FDI mới trong 6 tháng qua, chiếm gần 40%, dự án điều chỉnh tăng chiếm 25% và góp vốn mua cổ phần cũng chiếm hơn 65%.
Ông Vũ Quốc Chinh nói: “Kết quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc không như kỳ vọng. Tăng trưởng của nước này trong 5 tháng đầu năm cũng không đạt như kỳ vọng nên nhiều nhà đầu tư tìm hướng mở rộng sản xuất sang các nước lân cận. VN đang đón sự chuyển dịch đầu tư này, bằng chứng là các tập đoàn công nghệ lớn, đầu tư lớn tại Trung Quốc, vẫn đang mở rộng đầu tư vào VN, góp phần tăng vốn FDI trong 6 tháng đầu năm. Không hẳn là làn sóng, nhưng quan sát cho thấy sự dịch chuyển sản xuất từ các nước có triển vọng tăng trưởng giảm sút sang VN rất rõ”.
Một thông tin đáng chú ý trong báo cáo 6 tháng của Cục Đầu tư nước ngoài là Trung Quốc đứng thứ ba về số vốn đăng ký, với 1,95 tỉ USD, nhưng đứng đầu về số dự án mới, chiếm 18% trong tổng số 1.293 dự án.
Ngoài ra, ông Chinh cũng cho rằng sẽ có dự án tỉ USD vào VN trong thời gian tới. “Không phải không có căn cứ mà Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh về danh sách các dự án đầu tư nước ngoài lớn đang xem xét vào VN. Cần nhắc lại cuộc “đổ bộ” hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ vào VN vào tháng 3 vừa qua và chuyến đi quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc sang VN trong tháng 6, đi cùng là hơn 200 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc.
Tất cả đều nằm trong chuỗi chuyển động đó. Việc tăng tốc mở rộng đầu tư, giải ngân tăng là hệ quả tất yếu cho những chuyến đi ngoại giao đã đóng vai trò quan trọng trong thu hút FDI. Quan trọng hơn lúc này là chúng ta phải tích cực đón đầu được sự dịch chuyển dòng vốn này. Phải trải thảm mời họ bằng cải cách hành chính quyết liệt, nói đi đôi với làm. Câu chuyện cải cách hành chính của Quảng Ninh, Hải Phòng… rất đáng để các địa phương có chiến lược thu hút FDI tham khảo, áp dụng. Chỉ có cải cách hành chính mạnh mẽ thì dự án triệu, tỉ USD mới quay lại với chúng ta một cách hoành tráng được”.
Theo Báo Thanh Niên