THĂM DÒ TRƯỚC AFF CUP
Đội tuyển VN đã học hỏi được nhiều trong thất bại trước đội Nga tối 5.9. Đó là tận mắt chứng kiến khoảng cách vời vợi về kỹ thuật, thể lực, tư duy chơi bóng, cách tổ chức lối chơi giữa một đội bóng Đông Nam Á với đội tuyển hùng mạnh từng vào tới tứ kết World Cup 6 năm trước. Rõ ràng thầy trò HLV Kim Sang-sik không nên bị phán xét năng lực chỉ với một trận thua trước đối thủ quá mạnh so với phần đông các đội châu Á (chưa nói đến Đông Nam Á). Bởi trong bóng đá, có những cách biệt đôi khi cần tới cả hàng chục năm để san lấp.
Tuy vậy, trận gặp đội tuyển Thái Lan (20 giờ ngày 10.9) sẽ rất khác. Mối duyên nợ giữa bóng đá VN và Thái Lan đã kéo dài ngót 3 thập niên. Dù trên khía cạnh thành tích lẫn đối đầu, đội bóng xứ chùa vàng đều vượt trội (bất bại 6 trận gần nhất), song đây là khoảng cách có thể san lấp được. Đội tuyển Thái Lan đang nhỉnh hơn VN, nhưng không nhiều. Nhiệm vụ HLV Kim Sang-sik được giao khi ngồi vào “ghế nóng” chính là cân bằng cán cân giữa hai đội, hay xa hơn là giúp đội tuyển VN giành lại vị thế số một Đông Nam Á. Khi hành trình tiến ra World Cup đã khép lại, Quang Hải cùng đồng đội cần trở về khu vực, hài lòng với những đích ngắm vừa tầm hơn.
Quang Hải sẽ có nhiều cơ hội hoạt động hơn trong trận gặp đội tuyển Thái Lan
Tất nhiên, thắng một trận giao hữu với Thái Lan không có nghĩa là bắt kịp đẳng cấp đối thủ. HLV Masatada Ishii khẳng định sẽ tạo cơ hội cho nhiều cầu thủ trẻ, khi không gọi Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan. Trong bối cảnh hai đội có thể tái ngộ ở AFF Cup, chuyện người Thái (cũng như VN) thăm dò, giấu bài cho trận đấu tới là bình thường.
Thay vì theo dõi chuyển động của đối thủ, điều người hâm mộ VN quan tâm là diện mạo của thầy trò HLV Kim Sang-sik khi đương đầu với kình địch. Trong trận cuối dưới thời HLV Park Hang-seo (chung kết lượt về AFF Cup 2022), đội tuyển VN đã thua toàn diện trước Thái Lan, cả về cách triển khai, áp đặt thế trận, kiểm soát bóng hay tạo cơ hội. Trong 5 năm thành công cùng ông Park, đội tuyển VN từng một lần thắng Thái Lan (1-0, King’s Cup 2019) và đôi lần cầm hòa đối thủ. Nhưng nhìn chung đó là khoảnh khắc hơn là trình độ thực sự.
Thất bại trước Thái Lan cũng đặt dấu chấm hết cho lối mòn phòng ngự phản công quen thuộc của ông Park. Cho thấy dù đã chơi vượt khả năng, bóng đá VN vẫn chưa hẳn thoát được ám ảnh về đối thủ này. Song, khi chuyển sang lối chơi kiểm soát và chủ động hơn với HLV Philippe Troussier, đội tuyển VN vẫn thua. Vậy ở trận tới gặp Thái Lan, học trò ông Kim Sang-sik sẽ đá phòng ngự phản công hay đôi công sòng phẳng? Câu trả lời từ trận này sẽ hé lộ sức mạnh và tâm thế của đội tuyển VN.
HLV KIM TÍNH toán GÌ?
Khả năng kiểm soát bóng và kỹ thuật cơ bản của cầu thủ VN chưa thể bằng Thái Lan. Đồng nghĩa, HLV Kim Sang-sik cần đấu pháp hợp lý và biết mình biết người. Dễ thấy trong 3 trận dưới thời HLV Kim, sự thay đổi của đội tuyển VN chưa xuất hiện từ sơ đồ chiến thuật và con người, mà chủ yếu tập trung ở tiêu chí. Khi chuyển từ phòng ngự sang tấn công, cầu thủ được yêu cầu chuyền bóng nhanh và trực diện (không quan trọng chuyền ngắn hay dài, đánh biên hay trung lộ) để nhanh chóng tiến sang phần sân đối phương, tiếp cận vòng cấm và mở ra cơ hội. Còn khi chuyển từ tấn công sang phòng ngự, cầu thủ áp sát nhanh hơn, gây áp lực cường độ cao, rồi nhanh chóng di chuyển khối đội hình lùi xuống để thủ thế.
Trong trận gặp Thái Lan, đội tuyển VN vẫn cần phát huy những điểm mạnh nói trên. Có thể không cầm bóng nhiều, nhưng đã đoạt được bóng là tấn công nhanh và chuẩn xác. Ngoài ra, học trò ông Kim cũng cần triển khai bóng bài bản từ sân nhà để tự kiến thiết lối chơi, kiểm soát tốt nhịp độ. Đội tuyển VN cần chơi chủ động và có mảng miếng hơn thay vì tự phát như giai đoạn cuối của triều đại ông Park, nhưng cũng cần lên bóng gãy gọn và có ý đồ, thay vì chuyền lòng vòng như thời HLV Troussier. HLV Kim đã nhìn thấy thiếu sót từ người tiền nhiệm. Nhưng để nhào nặn tập thể mang phong cách của riêng mình, nhà cầm quân người Hàn Quốc cần thời gian.
Theo Thanh niên.