Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Doanh nghiệp Việt đầu tư “hộ chiếu xanh” để chinh phục khách hàng thế giới

Doanh nghiệp Việt đầu tư “hộ chiếu xanh” để chinh phục khách hàng thế giới

Bằng chiến lược đầu tư xanh hóa, doanh nghiệp Việt hướng đến nền tảng kinh doanh với sự tối ưu chi phí và lợi nhuận bền vững.

Nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định phải có “hộ chiếu xanh” để định vị thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu và phát triển bền vững. Nói cách khác, nếu DN không đáp ứng được tiêu chí xanh sẽ mất cơ hội, mất thị trường.

Tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng mỗi năm

Trong nửa đầu năm 2023, với hàng loạt đơn hàng bị mất về tay Ấn Độ và Bangladesh, các công ty dệt may Việt Nam (VN) mới nhận ra tầm quan trọng của đầu tư xanh trong ngành hàng này.

“VN đã đánh mất vị trí thống lĩnh và năng lực cạnh tranh trong ngành dệt may một phần do chậm trễ chuyển đổi xanh. Chuỗi cung ứng xanh là thành tố quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và cơ hội lấy được đơn hàng” – TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, ĐH RMIT VN, nói.

Nhưng không phải doanh nghiệp Việt nào cũng đợi xu hướng xanh gây sức ép lên quá trình kinh doanh mới thay đổi, mà đã nhanh chóng thực thi chiến lược đầu tư xanh từ rất sớm. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết các nước châu Âu ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu về trách nhiệm phát triển xanh và tiêu dùng xanh cho nhà sản xuất, xuất khẩu. Do đó, để có thể đưa hàng vào thị trường khó tính này, nhiều năm qua công ty triển khai mạnh mẽ sử dụng năng lượng tái tạo bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái hay những lò hơi đốt bằng than chuyển sang đốt bằng điện, nguyên liệu sinh khối không gây ô nhiễm môi trường.

Doanh nghiệp Việt đầu tư 'hộ chiếu xanh' để chinh phục khách hàng thế giới

Khách hàng nước ngoài ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu về trách nhiệm phát triển xanh và tiêu dùng xanh cho nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam

“Ngoài ra, công ty đã tăng sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm lên rất nhiều lần để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của các thị trường xuất khẩu” – ông Việt cho hay.

Tương tự, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Vinamilk – một ông lớn trong ngành sữa, cho biết đơn vị luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường và tìm cách sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng. Ví dụ, Vinamilk đã chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là khí CNG và BIOMASS để thay thế năng lượng truyền thống như dầu FO, DO.

“Nước là một tài nguyên quan trọng phục vụ cho quá trình sản xuất nhưng chúng tôi cũng ý thức được sự quan trọng của tài nguyên này đối với cuộc sống con người trong bối cảnh nguồn nước ngầm đang cạn kiệt dần và ô nhiễm. Do đó, công ty đã sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất bằng các biện pháp tiết kiệm và tái sử dụng. Quỹ 1 triệu cây xanh cho VN cũng là một trong các hoạt động nằm trong định hướng này của chúng tôi” – bà Hương cho biết.

Thách thức phía trước

Thông thường các DN sẽ đối diện với việc đầu tư ban đầu khá cao cho chuyển đổi hạ tầng để đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Ngay cả khi đã chấp nhận đầu tư, công ty lẫn nhân viên cũng không thể nhanh chóng triển khai mô hình kinh doanh xanh, mà đòi hỏi thời gian lẫn sự kiên nhẫn.

Chẳng hạn, thu gom chất thải phân hủy sinh học và chất thải không phân hủy sinh học trong các thùng chứa riêng biệt có thể là một quá trình tốn nhiều công sức và thời gian. Do đó, DN phải thường xuyên kiểm tra các hướng dẫn có được tuân thủ chính xác hay không cho đến khi mỗi nhân viên quen với quy trình này. Điều này có nghĩa rằng tiến độ chậm và tăng dần dễ gây khó chịu cho những ai muốn thấy kết quả ngay lập tức.

DN kinh doanh đều hướng đến lợi nhuận nên khi chuyển sang đầu tư mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường có thể tiêu tốn nguồn lực và khó duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng đều. Nó sẽ gây ảnh hưởng đến việc chi trả cổ tức cho cổ đông. Đây cũng là rào cản khiến DN khó thuyết phục cổ đông chấp nhận chuyển đổi xanh mô hình kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải

 

Một ông lớn khác là Nestlé VN đã đi rất nhanh trong mô hình kinh tế xanh. Từ năm 2015, các nhà máy của Nestlé VN đạt mục tiêu không chất thải rắn chôn lấp ra môi trường. Riêng trong năm ngoái, nhờ các sáng kiến tái sử dụng, tái chế và tuần hoàn nước, các nhà máy của Nestlé VN đã tiết kiệm được hơn 240.000 m3 nước trong sản xuất.

Đáng chú ý, toàn bộ bã cà phê được công ty tái sử dụng làm nhiên liệu sinh khối cho lò hơi trong sản xuất cà phê, giúp giảm thiểu trung bình hơn 14.000 tấn CO2 phát thải và tiết kiệm được 54 tỉ đồng chi phí nhiên liệu mỗi năm.

Tín chỉ carbon, hồ sơ xanh tạo lợi thế lớn trong xuất khẩu

Tín chỉ carbon đang được nhiều DN đánh giá sẽ tạo ra những chuyển động mới cho đầu tư xanh, có thể đem lại lợi nhuận phân bổ cho cộng đồng.

Vào năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời ký hợp tác với một công ty quốc tế, lập dự án để thực hiện xác lập loại tín chỉ này cho mô hình canh tác lúa bền vững của tập đoàn. Mô hình này có các giải pháp về quản lý nước, phân bón và rơm rạ sau thu hoạch đúng cách, giúp giảm lượng khí thải nhà kính tạo ra trong suốt một vụ lúa ước tính lên đến 2.000 tấn CO2.

“Sau khi trừ tất cả chi phí thực hiện mô hình và xác lập tín chỉ, toàn bộ nguồn thu còn lại sẽ đầu tư ngược lại cho nông dân, thông qua các hoạt động như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, đầu tư đầu vào không lãi suất” – ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, mục tiêu chính của Tập đoàn Lộc Trời trong việc xác lập tín chỉ carbon là tạo ra hồ sơ xanh cho mảng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu và Mỹ. Khi luật về thuế carbon có hiệu lực vào năm 2025 ở các quốc gia này, hồ sơ sản xuất xanh là một lợi thế lớn trong cạnh tranh xuất khẩu và tăng sản lượng xuất khẩu vào các quốc gia khó tính.

“Làm được điều này, chúng tôi kỳ vọng nâng cao thương hiệu của riêng mình nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung. Nói cách khác, thương hiệu xanh giúp DN lẫn quốc gia định vị mình về tính tuân thủ của các sản phẩm và dịch vụ trên cơ sở tôn trọng môi trường và phát triển bền vững” – chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời nói.

Mới đây, VinaCapital cũng đã thành lập quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, chuyên đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon. Quỹ VinaCarbon sẽ đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra các tín chỉ carbon. Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn khí thải nhà kính được cắt giảm. Đây là một loại hình đầu tư đầu tiên ở VN.

TS Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và môi trường VN, đánh giá thị trường tín chỉ carbon cũng mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, DN. Cụ thể hơn, các DN vừa có khả năng tạo ra nguồn doanh thu bổ sung từ việc giao dịch hạn ngạch hay tín chỉ carbon, vừa nâng cao hình ảnh và tăng tính cạnh tranh khi tham gia các thị trường carbon. Qua đó, đóng góp vào mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia và toàn cầu, góp phần vào thực hiện cam kết mục tiêu Net zero (đưa mức phát thải ròng bằng 0) của quốc gia vào năm 2050.

Thích ứng với dịch chuyển của thế giới

Ông Phạm Đình Ngãi, Chủ tịch Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), cho biết công ty đang phát triển mô hình kinh doanh vừa tạo doanh thu vừa tạo tác động tích cực cho xã hội và môi trường. Cụ thể, công ty đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ mật hoa dừa hữu cơ tại VN. Đây là thực phẩm đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thế giới về vị ngọt mới, lành tính và tốt cho sức khỏe của người dùng.

“Với mô hình mới, chúng tôi đã giúp tăng giá trị kinh tế cho nông hộ 3-5 lần. Nông dân trồng dừa khi đồng hành với chúng tôi đã tăng từ 3 triệu đồng lên 9-12 triệu đồng/tháng. Và đặc biệt là kinh tế tuần hoàn hướng tới Net zero, vì mỗi cây dừa trên 10 tuổi trung bình mỗi năm hấp thụ 770 kg CO2” – ông Ngãi cho biết.

Ông Ngãi thông tin thêm sau bốn năm khởi nghiệp, hiện tại công ty có vùng nguyên liệu dừa đạt nhiều chứng nhận hữu cơ quốc tế, có nhà máy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ISO 22000:2018, FDA, OCOP 5 sao, sản xuất được sáu sản phẩm từ mật hoa dừa và trong tương lai sẽ là 30 sản phẩm từ mật hoa dừa.

95% thị trường của Sokfarm hiện tại bán trên 30 tỉnh, TP của VN và xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức và trong tháng 10 này là Mỹ. “Chúng tôi đã chuẩn bị thật kỹ năng lực ở giai đoạn đầu và bây giờ đã sẵn sàng để mang sản phẩm nông nghiệp Việt ra thế giới, mang ngoại tệ về VN. Chúng tôi mong muốn tối ưu tính bản địa đặc trưng vùng miền của mình, thích ứng với dịch chuyển của thế giới” – ông Ngãi nói.

Theo plo.vn

 

Có thể bạn quan tâm