Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Thực phẩm Canada – Ông Chris Forbes – và phái đoàn doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu đậu nành của Canada đến TP. Hồ Chí Minh ngày 28/12 để thực hiện chương trình giới thiệu, xúc tiến thương mại về ngành công nghiệp đậu nành tiên tiến của Canada, tìm kiếm cơ hội, kết nối kinh doanh với các DN nhập khẩu Việt Nam.
Nhiều cơ hội tăng trưởng thương mại Việt Nam- Canada
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam đang giữ vị trí thứ 5 châu Á về xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước sang Canada, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình từ 20- 25% mỗi năm, đạt khoảng 6,36 tỷ CAD vào năm 2018.
Ông Chris Forbes đánh giá Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở khu vực Đông Nam Á. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Canada từ ngày 30/12/2018 và tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng giao thương giữa hai nước.
Sau khi hiệp định hoàn tất lộ trình cắt giảm thuế, 94% sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Canada sẽ có lợi thế trong việc xuất khẩu đến thị trường các nước trong khối, bao gồm Việt Nam. Các sản phẩm của Canada được cắt giảm thuế nhiều nhất và hiện được quan tâm nhiều nhất tại thị trường Việt Nam bao gồm: thủy hải sản, thịt bò, trái cây, lúa mì và thực phẩm chế biến. Một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh từ năm 2019 như dệt may, giầy dép, túi xách, nhựa, đồ gỗ…
Hoạt động giao thương về nông nghiệp và thực phẩm giữa Canada và Việt Nam ngày càng phát triển. Nông sản và thủy hải sản chiếm hơn một nửa mặt hàng xuất khẩu của Canada đến Việt Nam. Năm 2018, xuất khẩu Canada trong lĩnh vực này đạt 612,4 triệu CAD, chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm chủ lực từ Canada bao gồm lúa mì, dầu hạt, thủy hải sản, thức ăn chăn nuôi, thịt, trái cây và sản phẩm sữa. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khối ASEAN.
Riêng về thị trường Canada, hiện nguồn hàng tiêu dùng của Canada dựa vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu; trong đó, 50% nhập từ Hoa Kỳ, còn lại từ các khu vực khác như khu vực Mỹ Latin và châu Á. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng từ Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% trong tổng nhu cầu nhập khẩu của Canada. Nếu xét quy mô thị trường, Canada chỉ bằng 1/10 quy mô thị trường Hoa Kỳ, nhưng giá trị nhập khẩu trên đầu người của Canada lại gấp đôi Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, thị trường này chủ yếu là dân nhập cư với lượng người gốc châu Á khá lớn; trong đó, cộng đồng người Việt Nam có khoảng 250.000 người với nhu cầu lương thực thực phẩm rất cao. Đây là lợi thế quan trọng để các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và hàng nông sản nói riêng tăng xuất khẩu vào thị trường Canada.
Canada muốn tăng xuất khẩu đậu nành vào thị trường Việt Nam
Ông Chris Forbes cho biết đậu nành là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Canada, với diện tích trồng ngày càng tăng tại khu vực phía Tây của Canada. Vào năm 2017, diện tích trồng đậu nành đã tăng lên 504% (3,1 triệu mẫu) so với năm 2010. Sản lượng đậu nành của Canada năm 2017 đạt hơn 7,7 triệu tấn, mức tăng cao nhất trong lịch sử.
Ông Andrew Jones, Chủ tịch Hiệp hội Đậu nành Canada (Soy Canada) cho biết, đậu nành Canada hiện được xuất khẩu tới 71 quốc gia. Trong đó, Việt Nam là thị trường rất quan trọng. Năm 2017, Việt Nam nằm trong top 10 nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất của Canada với kim ngạch 70 triệu CAD.
Trong đó, đậu nành biến đổi gen chiếm tới 69,6 triệu CAD, xếp ở vị trí thứ 4, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc và Malaysia. đậu nành Canada xuất khẩu vào Việt Nam đa phần là loại đậu dùng để sản xuất sữa đậu nành và đậu phụ. Lượng đậu nành dùng để sản xuất thức ăn gia súc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Đến tìm hiểu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đậu nành Canada tại Việt Nam lần này là 3 hiệp hội trong ngành hành đậu nành bao gồm Soy Canada, Hội nông dân Ontario, Hội nông dân Quebec và 9 DN trong ngành đậu nành. Các DN trong đoàn đều là các DN lớn của Canada và rất quan tâm tới thị trường Việt Nam như St. Lawrence, Hensall Co-op, Field Farms Marketing, Sevita International…
Đại diện các DN nhập khẩu của Việt Nam cũng đánh giá rất cao chất lượng sản phẩm đậu nành nói riêng và các mặt hàng nhập khẩu từ Canada nói chung. Ông Trương Hùng – Phó chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm dinh dưỡng NutiFood cho biết:
Khi nhập khẩu nguyên liệu từ Canada về sản xuất trong đó có đậu nành dùng để sản xuất sữa đậu nành rất yên tâm về chất lượng, có các cơ quan kiểm dịch an toàn thực phẩm của Canada hỗ trợ tích cực cho các DN nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu đậu nành của Việt Nam sẽ còn tăng cao khi nhu cầu sữa đậu nành cũng dần tăng trong cơ cấu mặt hàng sữa của người tiêu dùng và điều này đòi hỏi các nhà sản xuất thực phẩm phải nhanh chóng đáp ứng.
Theo Congthuong
Sinpore: Ra mắt xe buýt điện không người lái đầu tiên trên thế giới
Dịch tả lợn châu Phi: Tấn công 6 tỉnh phía Bắc, cả nước căng mình chống dịch
Dịch tả lợn châu Phi: Tấn công 6 tỉnh phía Bắc, cả nước căng mình chống dịch