Đó là thông tin được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) đưa ra tại Diễn đàn kinh tế tư nhân VN 2019 tại Hà Nội.
Theo ông Châu, quy mô thị trường bất động sản tăng trưởng gấp đôi trong 10 năm qua với sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân. Có thể nói, các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang dẫn dắt và thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất động sản vẫn tồn tại một số vấn đề về môi trường kinh doanh chưa thật sự minh bạch, lành mạnh, công bằng, bình đẳng. Những năm trước đây, đã có hiện tượng hình thành nhóm lợi ích trong lĩnh vực bất động sản, kể cả một số dự án BT được thanh toán đối ứng bằng quỹ đất đô thị, dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đợt rà soát, thanh tra, kiểm toán rất quyết liệt trong thời gian vừa qua.
Doanh nghiệp bất động sản đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản, do tính thiếu ổn định, khó đoán định về chính sách, do hiện tượng áp dụng “hồi tố” đối với một số trường hợp trong thời gian gần đây hoặc doanh nghiệp không tiên lượng được về chi phí trước khi ra quyết định đầu tư.
Điển hình là tiền sử dụng đất dự án, doanh nghiệp không thể dự đoán được số tiền phải nộp, hoặc lúc nào được nộp… Trong hơn 2 năm qua, TP HCM có hơn 150 dự án bị rà soát, thanh tra. Hậu quả là thị trường bất động sản bị giảm quy mô, bị sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung căn hộ, nhà ở, giá cả có xu thế tăng do nguồn cung ít mà nhu cầu lại cao.
Từ quý 3-2017 đến nay, thị trường bất động sản TP.HCM liên tục bị sụt giảm. Năm 2018, quy mô thị trường giảm 34% so với năm 2017. Quý 1-2019, số lượng dự án được Sở Xây dựng phê duyệt giảm đến 67%, thu ngân sách từ tiền sử dụng đất giảm khoảng 70%. Số lượng căn hộ giảm 57% so với Q1-2018.
Trong lúc chờ đợi sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến bất động sản, HOREA kiến nghị cán bộ, công chức hiểu luật và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, không máy móc, lệ thuộc từ ngữ. Ví dụ: Sở Quy hoạch kiến trúc không nhận hồ sơ trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của “nhà đầu tư” dù đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND TP.
Đồng thời HOREA đề nghị các Bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, đơn giản hoá, công khai hoá, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình hành chính, trước hết là về chấp thuận chủ đầu tư dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có một tỷ lệ nhỏ đất công (chiếm khoảng 10%); hoặc quy trình, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án hiện nay. TP HCM đã rút gọn thủ tục hành chính khi cấp phép xây dựng thì đồng thời thẩm định thiết kế dự án luôn.
Theo TTO
Tân Hồng Uy: Lấy đất đã bán cho khách hàng đem thế chấp ngân hàng
Đại Dương: Bị kiến nghị xử phạt 275 triệu vì bán dự án Valencia Riverside
DIC: Giữa khủng hoảng thất tín với khách hàng, lọt vào bảng xếp hạng FAST500
Khánh Hòa: Bị đâm chết do hát karaoke kiểu khủng bố ở xóm trọ