Về trang chủ Nổi bật Định hình “Cơ hội vàng” rất khác cho Việt Nam

Định hình “Cơ hội vàng” rất khác cho Việt Nam

Với 100 triệu người, Việt Nam chính thức vào nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Đặc biệt quy mô 100 triệu người đang trong thời kỳ dân số vàng không chỉ là cơ hội cho VN nâng cao vị thế trong bối cảnh nguồn nhân lực được lợi thế của các quốc gia mà còn nhằm phát triển KT-XH của đất nước. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế VN về các cơ hội cũng như hóa giải thách thức của Việt Nam trước xu hướng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh hiện nay.
Ở cột mốc dân số Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu người, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho rằng đó là “100 triệu niềm hy vọng, 100 triệu giấc mơ, 100 triệu giải pháp”. Theo quan điểm cá nhân ông, ở cột mốc này chúng ta nên nói về hy vọng, giấc mơ hay giải pháp?

Trước tiên, phải khẳng định, con số 100 triệu dân là một bước chuyển rất có ý nghĩa và cần được ghi nhận. Tôi không biết con 100 triệu này đã đếm hết người Việt ở nước ngoài chưa nhưng nói đến người Việt là phải nói đến tất cả người Việt Nam trên thế giới. Và thế giới này là thế giới toàn cầu hóa, thế giới mà người Việt ở chỗ nào cũng đều có thể đóng góp cho tổ quốc, cho đất nước. Nhìn theo cách đó thì cứ thêm một người Việt là thêm một nút mạng, một nút hội tụ… Nếu kết nối được đủ các tầng, các tọa độ thì sức mạnh của con số 100 triệu dân sẽ ghê gớm lắm. Đó là sức mạnh tổng thể quốc gia, sức mạnh của hợp lực quốc gia, sức mạnh cộng hưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thế nên, nói dân số đạt ngưỡng 100 triệu người là phải đặt trong khái niệm thời đại mới thấy hết ý nghĩa của nó.

Hơn 1.000 người tham gia xếp biểu tượng hình đất nước tại Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” ở tỉnh Phú Thọ

Còn nhận định của UNFPA tất nhiên hoàn toàn đúng vì chúng ta đang nói về con người chứ không phải tài sản hay bất cứ thứ gì khác. Mà đã là con người thì đều có giấc mơ, hy vọng và giải pháp. Nếu trước đây con người phụ thuộc vào sức mạnh cơ bắp, phụ thuộc vào máy móc thì thời đại ngày nay là thời đại của trí tuệ. Lần đầu tiên con người đứng dậy với cái đầu (trí tuệ – PV) của mình. 100 triệu người là một trăm triệu cái đầu với 100 triệu niềm hy vọng mà theo tôi đó là hy vọng về một nguồn sức mạnh để đất nước bứt phá, vượt lên. 100 triệu con người cũng là 100 triệu giấc mơ và giấc mơ cũng là một thứ sức mạnh. Có thể mỗi cá nhân cụ thể có 1 giấc mơ khác nhau nhưng giấc mơ chúng ta, của dân tộc 100 triệu người xuyên suốt quá trình lịch sử đến nay là giấc mơ hòa bình, giấc mơ hạnh phúc, giấc mơ của một quốc gia hùng mạnh để đối diện với thế giới, cùng với thế giới, chung sức với thế giới. Và bởi mỗi người là một chủ thể, là 1 trí tuệ, nó gắn với năng lực hành động, năng lực sáng tạo. Theo nghĩa đó, 100 triệu con người cũng là 100 triệu giải pháp.

3 yếu tố tích hợp với nhau sẽ tạo ra một sức mạnh theo cấp số nhân. Không chỉ khi nào Tổ quốc bị xâm lăng nó mới hợp lại mà trong đời sống hằng ngày nó cũng nối mạch với nhau, thông với nhau và kết nối với cả thế giới. Tôi nghĩ, ý nghĩa của cột mốc 100 triệu dân số là ở chỗ đó.

Thanh niên xếp biểu tượng Trái tim thể hiện tình yêu Tổ quốc trong hành trình Tôi yêu tổ quốc tôi năm 2019
Cơ cấu dân số vàng (thường kéo dài 30 năm) là một điều kiện vô cùng quan trọng để một quốc gia nhược tiểu bứt phá trở thành một cường quốc. Với dân số 100 triệu người trong đó gần 70% ở độ tuổi lao động, Việt Nam đang nắm trong tay cơ hội lớn để bứt phá. Nhưng cơ cấu dân số vàng của Việt Nam cũng đang ở chu kỳ cuối (dự báo kéo dài đến năm 2036) trong khi kinh tế lại đang trong giai đoạn “khó khăn chưa từng thấy”, chúng ta phải làm gì để không lỡ “vàng” ở chặng cuối này thưa ông?

Đúng là chúng ta đã “tiêu” gần hết thời lượng của giai đoạn dân số vàng. Thực ra, quãng đường đó chúng ta cũng đã tranh thủ làm được nhiều cái nhưng chưa hết tầm, chưa hết mức. Dù vậy, điều quan trọng là bây giờ chúng ta vẫn trong giai đoạn đó, nghĩa là chúng ta vẫn còn cơ hội để mà bứt phá. Nhưng tôi phải nhấn mạnh, trong thời đại của trí tuệ con người, chúng ta phải tận dụng dân số vàng (dân số trẻ) ở khía cạnh năng lực sáng tạo thì mới đúng xu hướng. Đi đúng xu hướng cũng giống bơi mà nương theo sóng, sẽ đi rất nhanh, rất xa.

Còn chúng ta vẫn hiểu cơ hội vàng của thời đại cơ khí hóa, công nghiệp hóa, thời đại của lao động tốn nhiều nhân lực và đi vào làm sóng đã bị loại bỏ, đã bị kéo ra thì chắc chắn chúng ta sẽ bị chậm, bị lỡ nhịp. Vì thế chúng ta phải định hình một cơ hội vàng rất khác và thay đổi nhanh cấu trúc hiện tại để thiết kế một cách phát triển mới cho dân tộc, tương thích với giai đoạn dân số vàng của thời đại kinh tế tri thức, kinh tế liên quan đến trí tuệ sáng tạo.

Tôi vẫn phải lưu ý rằng thách thức rất lớn. Nó càng lớn gấp bội khi chúng ta đã tiêu gần hết giai đoạn dân số vàng. Vì vậy ở chặng cuối này đòi hỏi chúng ta phải có tư duy khác thường, vượt trội thì mới chớp được thời cơ. Nếu vẫn tư duy họp bàn, ít trách nhiệm cá nhân, tinh thần cạnh tranh kém, môi trường không công khai minh bạch thì sẽ bỏ mất cơ hội.

Thời gian không còn nhiều trong khi, nền tảng thị trường còn khiếm khuyết, ông đánh giá thế nào giữa nguy cơ bỏ lỡ và khả năng chớp cơ hội của Việt Nam trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng?

Chúng ta chỉ còn 1/3 quãng đường theo logic thông thường. Chỉ còn chặng cuối nên lúc này là lúc khó. Chúng ta hay nghĩ lúc khó là lúc không làm được gì cả hoặc làm sẽ có kết quả ít nhưng riêng Việt Nam thì khác. Việt Nam là “cùng tắc biến”, nghĩa là lúc có chuyện, chúng ta dồn lực nghĩ, làm và đảo ngược cuộc chơi. Ví dụ những năm 85 – 86, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, tình hình Việt Nam hết sức nguy cấp. Trong bối cảnh chúng ta lật ngược tình thế bằng một chương trình đổi mới mà theo tôi, quan trọng nhất là chủ trương “chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần”, bản chất là cho tư nhân tham gia. Chỉ có 1 việc đó thôi là đất nước xốc tới, thoát khỏi khủng hoảng. Đến năm 1997, năm 2008 cũng tương tự, chúng ta cũng vững vàng vượt qua và mỗi lần như vậy lại là một lần đổi mới. Có cảm giác, cứ đến lúc có vấn đề, dường như năng lực để vượt qua của Việt Nam lại phát huy và bây giờ cũng vậy. Vì thế, đừng thấy khó mà sợ. Có khi khó lại hay.

Vấn đề là thời gian ngắn, chúng ta phải tận dụng tối đa để vượt lên trong khi bản tính của người Việt Nam là từ từ, thong thả. Cái này xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, thói quen mùa vụ, “ơn trời mưa nắng phải thì”, chúng ta lãng phí một ngày như không, bỏ qua một tháng như không. Nếu nhìn từ góc độ đó, khả năng bỏ lỡ khả thi hơn là khả năng tận dụng. Nhưng nếu ta tăng thêm cho nó một động lực, một sự thúc đẩy, câu chuyện sẽ khác.

Thời đại dân số vàng phát huy năng lực của tuổi trẻ
Ông có thể gợi ý một động lực, một sự thúc đẩy để câu chuyện khác đi, nghĩa là nghiêng về khả năng “làm bàn” hơn là bỏ lỡ cơ hội?

Cũng như thời kỳ đổi mới năm 1986. Trước đó, mọi cái được chuẩn bị, được tích nén bằng sự ngăn sông cấm chợ, bằng câu chuyện nghèo đói, câu chuyện xé rào từng bước một… Hiện nay những điều đó, theo một nghĩa nào đó đang diễn ra. Tôi cho rằng đây là thời điểm chín muồi của cái logic “cùng tắc biến”. DN đang vất vả thế này, kinh tế quý 1 sa sút thế này, triển vọng là rất khó khăn. Nếu “cùng tắc biến” được thì lợi thế của thời kỳ dân số vàng sẽ bùng lên khủng khiếp.

Bởi DN tư nhân Việt Nam tiềm năng rất lớn, năng lực tự thân rất dồi dào nhưng chưa được tháo gỡ để bùng lên. Tôi hỏi cô nhé, có nền kinh tế nào mà lãi vay 14 – 15%/năm không? Các DN của chúng ta đã và đang đi vay trường kỳ kháng chiến với lãi suất đó. So với mức lãi vay 3 – 4%/năm của các nước, lãi vay của chúng ta cao gấp 2 – 3 lần trong khi DN của ta còn trẻ, yếu mà vẫn trụ lại được. Tương tự, một dự án ở nước ngoài tính từ lúc bắt đầu tới lúc làm xong mất 2 năm còn của ta thì 5 năm. Có nghĩa là chúng ta nhiều hơn họ 3 năm chi phí vốn. Tính sơ sơ thì tổng chi phí của DN Việt cao gấp đôi DN nước ngoài, chưa kể các chi phí lót tay, đi đêm… thế mà họ vẫn phát triển. Nếu giờ chúng ta bớt 1/3 tổng chi phí mà họ đang phải gánh thì cộng đồng DN trong nước sẽ vươn lên mãnh liệt. Nếu bớt ngang với thế giới thì chắc chắn họ sẽ bật lên khủng khiếp. Vậy còn 1/3 giai đoạn dân số vàng, chúng ta có quyết gỡ cho họ được không?

Lúc này Chính phủ đang nỗ lực rất cao cho những chuyện đó dù tôi biết không hề đơn giản. Nhưng năm 1986 chúng ta làm được những điều vĩ đại thì bây giờ cũng làm được chứ? Nói chung nguy cơ là rất lớn nhưng cơ may vẫn còn. Cơ may theo logic là đến đoạn khó thì chúng ta hay bật ra được. Càng khó sức bật càng tốt. Hy vọng là như vậy.

Nếu phải chọn những mũi đột phá cho “thập kỷ vàng” với dân số 100 triệu theo ông nên tập trung cho những ngành nào để kinh tế VN bứt phá? 

Chọn cái gì là câu chuyện của thị trường, của thế hệ trẻ, của xu hướng thế giới, của các nhà đầu tư… nhưng như tôi nói trên, công nghệ cao phải là nòng cốt. Những ngành là thế mạnh của đất nước cũng phải chuyển qua nền tảng công nghệ cao chứ không duy trì mô hình cũ. Khi thành số (kinh tế số) rồi thì biên phát triển là vô tận. Còn nếu vẫn là vật thể nó sẽ là hữu hạn. Thực tế những tập đoàn lớn nhất của Việt Nam đều sử dụng hoặc hướng tới công nghệ cao nhất.

Cũng phải lưu ý rằng, chúng ta chưa có trải nghiệm cạnh tranh trong lĩnh vực này nên có thể mọi sự xác định đều có thể là chưa chuẩn. Nhưng tôi tin rằng, Việt Nam khi nhập cuộc cùng với thế giới thì sẽ bứt lên rất nhanh bởi ông đi sau, ông sẽ chọn được cái tốt nhất cho mình. Vấn đề mà tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải rút kinh nghiệm rất nhiều về hành xử xã hội nếu muốn tận dụng được cơ hội dân số vàng trong xu thế thời đại ngày nay. Không phải tự nhiên mà một thời đại mới ra đời được. Khó lắm. Vì từng cá nhân cụ thể cho đến cả lực lượng doanh nghiệp đều dễ bị xua đuổi, hủy hoại, thậm chí tàn sát bằng chính thái độ của chính mỗi chúng ta…

Những ngành là thế mạnh của đất nước cũng phải chuyển qua nền tảng công nghệ cao
Ông có thể nói rõ hơn… 

Ví dụ, VinFast là một thử nghiệm mà tuyệt đại đa số người Việt coi đó là liều mạng hoặc chưa tin. Nhưng nếu về mặt xu thế thì có đáng tin không? Chúng ta đều biết, tương lai của thế giới nằm ở xe điện và ô tô điện là một hướng ưu tiên chiến lược mang tính toàn cầu. Vậy thì đáng tin quá đi chứ. Nếu đã đáng tin, thì chúng ta có coi VinFast như một tài sản của đất nước và hỗ trợ họ không? Tôi nói thật, nếu để một mình có thể hy sinh đấy. Nhưng nếu coi là tài sản đất nước thì tại sao nhiều người lại có thái độ dè bỉu? Nhiều người thấy ông Vượng (ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, công ty mẹ VinFast) gặp rủi ro lại sung sướng?

Tất nhiên, không ai cấm anh ghét người ta nhưng với tư cách là người Việt trong thời đại dân số vàng, thời đại của trí tuệ sáng tạo và chúng ta đang bàn đến một lĩnh vực đi tiên phong của loài người thì chúng ta phải có thái độ khác chứ? Không thể dửng dưng như thế được. Và cũng đừng nghĩ đấy là việc của ông Vượng mà phải coi VinFast là một cuộc chơi mang tính khẳng định của người Việt. Chỉ có 2 năm trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt và đầy dè bỉu như thế mà họ vươn lên được thì thái độ của chúng ta phải như thế nào? Còn hiểu theo nghĩa VN cần một cách phát triển thì ít nhất đó cũng là một thử nghiệm cần được ủng hộ. Có thể không phải ủng hộ bằng tiền nhưng cần hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, và ủng hộ bằng thái độ hành xử.

Phải coi VinFast là một cuộc chơi mang tính khẳng định của người Việt

Không chỉ DN mà cá nhân cũng vậy. Trường hợp Flappy Bird trước đây là ví dụ. Đó là một trò chơi cực kỳ thông minh của VN mà vừa mới ào ra cái là cả thế giới phải bỏ phiếu bằng tiền. Nhưng khi công bố của VN thì nhiều người ồ lên, kiểu sao cái thằng đó giàu nhanh thế mà mình lại nghèo thế này. Rồi hò nhau “truy sát” làm nó chột đi mất. Tất nhiên hệ quả là VN thiệt hại, thuế chẳng có đồng nào, người Việt không ai giàu lên một xu nào, thế giới mất đi một sản phẩm trí tuệ. Quan trọng hơn với VN là mất đi một gợi ý, một dẫn dắt phát triển. Nếu trò chơi đó được phát triển thì rất có thể đã có cả một làn sóng đua theo và đất nước hưởng lợi. Đó chính là cách hành xử xã hội mà tôi cho rằng, chúng ta phải rút kinh nghiệm rất sâu sắc.

Trên thế giới, Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi thành công trong việc bứt phá trở thành các nền kinh tế phát triển đã rơi vào tình trạng mức sinh rất thấp đến nỗi phải nhập khẩu lao động từ nước ngoài để duy trì kinh tế. Thực tế mức sinh ở VN cũng đang giảm. Ngay trong gia đình tôi, bố mẹ tôi có 4 người con, đến lượt chúng tôi mỗi người chỉ sinh 1 hoặc 2 người con. Ông có cho đây là một mối lo ngại không với VN hay không? 

Đúng thế. Dân số của Nhật đã giảm liên tục trong suốt những năm qua. Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phải lên tiếng kêu gọi hành động “ngay bây giờ hoặc không bao giờ” để ngăn chặn đà sụt giảm dân số nghiêm trọng. Hàn Quốc cũng tương tự, năm 2022, với tỷ lệ sinh trung bình 0,78 – mức thấp nhất kể từ năm 1970, Hàn Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ lệ sinh dưới 1. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải nhập khẩu lao động hàng thập kỉ qua. Đầu năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm dân số kể từ năm 1961, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021.

Trở lại với VN, mốc 100 triệu dân số chúng ta mới chỉ đang tư duy ở góc “à, ta có 100 triệu người, một sức mạnh và ta sài nó như thế nào”. Nhưng kéo dài cơ cấu dân số vàng hiện nay để tạo ra nguồn lực quan trọng nhất phải được coi là chiến lược phải ưu tiên hàng đầu. Thêm được 1 năm là thêm 1 trăm triệu sức mạnh, tạo ra một nguồn lực mấy trăm tỉ, cả ngàn tỉ USD. Nên một chiến lược dân số là phải tính đến ngay từ bây giờ.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm