Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận có vốn đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng. Dự án này từ đầu xây dựng trên quy hoạch hồ thủy lợi Tân Mỹ, lo ngại gây mất an toàn hồ đập. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, dự án này nằm trong danh sách Bộ Công an đang xác minh, điều tra.
Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận giai đoạn 1 (xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) đã đóng điện thành công, chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tháng 3.2020.
Dự án Nhà máy Điện thuộc Công ty CP Thiên Tân Solar Ninh Thuận do Tập đoàn Thiên Tân làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích hơn 1.400 ha, với tổng mức đầu tư 1.248 tỉ đồng, công suất lắp đặt 1.000MWp, sản lượng phát điện dự kiến khoảng 75.000MWh/năm.
Dự án gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có công suất 50MWp, được khởi công xây dựng và hoàn thành trong thời gian 7 tháng (từ tháng 7.2019 – tháng 2.2020).
Đáng nói ngay từ đầu, dự án điện mặt trời ngàn tỉ này triển khai đã chồng lên quy hoạch thủy lợi thuộc dự án Thủy lợi Tân Mỹ trên địa bàn huyện Bác Ái.
Ông Võ Đình Vinh – Giám Đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận xác nhận có việc dự án được phê duyệt nhưng chồng quy hoạch hồ thủy lợi. Ông Vinh cho rằng trách nhiệm chính thuộc về các bộ, ngành thẩm định hồ sơ, phê duyệt dự án ngay từ đầu.
“Phê duyệt quy hoạch vùng tưới thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi đó, phê duyệt quy hoạch điện mặt trời thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương. Dĩ nhiên, việc phê duyệt có chồng lấn hay không thì các bộ, ngành này nắm rõ” – ông Võ Đình Vinh thông tin thêm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan cung cấp hồ sơ tại các dự án điện mặt trời cho Cơ quan Điều tra Bộ Công an xác minh, điều tra theo thẩm quyền.
Trong danh sách các dự án điện mặt trời mà tỉnh Ninh Thuận cung cấp hồ sơ có dự án điện mặt trời Thiên Tân Solar – dự án được phê duyệt chồng lên quy hoạch hồ thủy lợi Tân Mỹ.
Theo nguồn tin của Lao Động, dự án điện mặt trời Thiên Tân Solar là 1 trong số 14 dự án với tổng công suất 964 MW đã và đang được áp dụng giá FIT 9,35 Uscent/kWh không đúng đối tượng tại Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.
Từ năm 2020 đến ngày 30.6.2022, EVN phải thanh toán tăng khoảng 1.481 tỉ đồng (số tạm tính) so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết 115 của Chính phủ.