Về trang chủ Chưa được phân loại Điện lực Việt Nam sẽ ra sao nếu tập đoàn EVN hợp tác với nhà thầu không đủ năng lực?

Điện lực Việt Nam sẽ ra sao nếu tập đoàn EVN hợp tác với nhà thầu không đủ năng lực?

Thời gian gần đây, bạn đọc liên tục phản ánh về việc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có dấu hiệu sai phạm trong quá trình tổ chức đầu thầu các gói thầu cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Nợ ngập đầu nhưng vẫn trúng thầu

Theo đó, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia dự thầu nhưng vẫn nộp hồ sơ chào thầu. Đáng chú ý nhất là nhà thầu Noble Resources International Pte Ltd (Noble Singapore, viết tắt NRI). Tại Singapore, NRI hoạt động không hiệu quả, các báo cáo tài chính từ năm 2015 đến nay chỉ rõ, NRI liên tục thua lỗ, không đủ điều kiện tham gia dự thầu.

Chất lượng công trình, sản lượng điện năng, an ninh năng lượng quốc gia sẽ ra sau nếu EVN bắt tay với nhà thầu kém chất lượng?

Theo báo cáo kiểm toán của Hiệp hội nhà thầu Singapore, trong năm 2017, NRI báo cáo lỗ trước thuế là 3.160.240.000,0 USD (Ba tỷ một trăm sáu mươi triệu hai trăm bốn mươi nghìn đô la Mỹ); lỗ sau thuế là 3.106.620.000,0 USD (Ba tỷ một trăm lẻ sáu triệu sáu trăm hai mươi nghìn đô la Mỹ). Tổng tài sản của NRI là: 1.788.863.000,0 USD (Một tỷ bảy trăm tám mươi tám triệu tám trăm sáu mươi ba nghìn đô la mỹ). Trong khi đó, tổng nợ vay lên đến 4.102.963.000,0 USD (Bốn tỷ một trăm lẻ hai triệu chín trăm sáu mươi ba nghìn đô la mỹ).

Với số nợ khổng lồ lên đến trên 4 tỷ USD, thì liệu có công ty nào dám chào mời và chẳng có công ty nào muốn tiếp cận hợp tác. Thế nhưng, trong gói thầu NH2020-VT01 của Tập đoàn EVN về việc mua than nhập khẩu để vận hành thương mại các nhà máy nhiệt Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng, do ông Vũ Thanh Tùng -Giám đốc Ban CTI-EVN, ký và phát hành ngày 19/7/2018, thì bằng một cách “thần kỳ” nào đó công ty NRI đã trúng thầu.

Câu hỏi đặt ra là liệu một nhà thầu đang “nợ ngập đầu” như NRI có đủ điều kiện để đấu thầu và đủ điều kiện để được đưa vào Danh sách nhà thầu trúng sơ tuyển đối với đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển; danh sách nhà thầu được mời tham dự thầu đối với đấu thầu hạn chế; danh sách nhà thầu có hồ sơ quan tâm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm hay không?

Bởi lẽ đánh giá năng lực nhà thầu có điều kiện tiên quyết là nhà thầu không trong quá trình tái cấu trúc, không trong nguy cơ phá sản và đặc biệt không có bất kỳ khoản nợ xấu nào trước đây. Tiêu chí đánh giá nhà thầu về năng lực tài chính có nêu rõ các yêu cầu của nhà thầu tham gia phải đạt yêu cầu của Hồ sơ mời thầu.

Gian lận trong hoạt động kế toán và chứng khoán

Theo Reuters, 3 cơ quan liên ngành của Chính phủ Singapore là Bộ Thương mại Cảnh sát Singapore (CAD), Cục quản lý tiền tệ của Ngân hàng trung ương Singapore (MAS), và Hiệp hội kế toán Singapore (ACR) đang tiến hành điều tra việc gian lận trong hoạt động kế toán, lừa đảo nhà đầu tư của Tập đoàn Noble (Noble Group, sở hữu 100% cổ phần của nhà thầu NRI), và đồng thời điều tra luôn công ty NRI vì doanh thu của NRI chiếm gần 94% doanh thu của Tập đoàn mẹ.

Hiện nay, Uỷ ban chứng khoán Singapore cấm Tập đoàn Noble Group tái cấu trúc, và không đồng ý cho đổi tên thành New Noble. Việc Tập đoàn Noble Group và công ty con NRI cùng lỗ khoản tiền rất lớn trên 4,9 tỷ USD đang rúng động thị trường chứng khoán Singapore và buộc phải tái cấu trúc theo yêu cầu của chủ nợ là các ngân hàng.

Tập đoàn NRI đang mắc khoảng nợ hơn 4 tỷ USD và đứng trước nhiều cáo buộc sai phạm về tài chính.

Tất cả các số liệu về NRI dường như đang quay lưng lại với EVN. Một nhà thầu không đủ năng lực, đang bị chính quốc gia của mình thanh tra, bị cáo buộc nhiều sai phạm tài chính, thì chắc chắn không đủ tư cách để tham gia đấu thầu bất kỳ các gói thầu nào, nhưng lại trúng vào gói thầu quan trọng của tập đoàn EVN thì liệu trong câu chuyện này có sự minh bạch? Hay tập đoàn EVN đang bắt tay với nhà thầu “dởm” để trục lợi bất chính?

Ngay khi nhận được tài liệu bạn đọc cung cấp, phóng viên nhiều lần liên hệ, thậm chí có công văn hỏa tốc đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN bố trí làm việc để làm rõ nội dung tố cáo. Tuy nhiên, cho đến nay tập đoàn EVN vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào về sự việc này.

Việc kéo dài thời gian trả lời báo chí, phải chăng trong công tác chọn nhà thầu của EVN có điều gì đó chưa minh bạch? Hay nhà thầu NRI tự “tô vẽ” một bộ hồ sơ kiểm toán hoàn hảo, che giấu đi khoảng nợ hơn 4 tỷ USD và qua mặt luôn các chuyên gia hàng đầu của EVN? Phóng viên sẽ tiếp tục xác minh làm rõ và cung cấp thông tin tới độc giả trong thời gian sớm nhất.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân dùng nhiên liệu than đá, với tổng công suất lên đến 5.600 MW và một cảng biển, được xây dựng bên quốc lộ 1 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Phát điện 3 là chủ đầu tư của 3/4 nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, bao gồm: Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Nguồn Hợp tác và Phát triển

Có thể bạn quan tâm