Qua câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ, càng hiểu hơn vì sao nhân dân Việt Nam lại yêu mến vị Đại tướng của mình như vậy – một người tài năng, khiêm tốn, giản dị… suốt cả cuộc đời.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là tháng 5 năm 1986, sắp đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lần ấy, đến nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đường Hoàng Diệu, tôi thực sự ngạc nhiên, cứ đứng nhìn khu vườn rộng yên tĩnh, nhiều cây xanh chỉ có một người đứng trong bốt gác ngoài cổng.
Thời đó, chưa có điện thoại di động nên tôi không thể gọi điện xin phép trước. Phu nhân Đại tướng hơi ngạc nhiên khi tôi tự giới thiệu là phóng viên báo Tiền Phong. Đại tướng nhanh nhẹn đi ra cửa đón tôi. Ông ngồi xuống chiếc ghế để cạnh cửa sổ phòng khách và bảo tôi cùng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.
Dù lần đầu được gặp Đại tướng, tôi cảm thấy thật gần gũi như người thân trong gia đình bởi sự thân tình, cởi mở.
Đại tướng hỏi tôi quê ở đâu, hồi ở bộ đội thuộc đơn vị nào?
Hôm ấy tôi mặc bộ quân phục. Tôi thưa là quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đại tướng bảo: “Gần quê miềng, Quảng Bình”.
Khi tôi kể với Đại tướng thời ở trong quân ngũ tôi là sĩ quan điều khiển tên lửa thuộc Tiểu đoàn 61 Đoàn tên lửa Sông Đà, Tiểu đoàn 61 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, hai lần được phong anh hùng. Tôi thấy Đại tướng rất vui.
Thực tình tôi muốn viết một bài báo về chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu để đăng trên báo Tiền Phong.
Suốt buổi trò chuyện, Đại tướng gần như không nói gì về mình, chỉ kể chuyện Bác Hồ. Khi tôi hỏi Đại tướng vì sao có câu chuyện “kéo pháo vào lại phải kéo pháo ra”? Đại tướng đứng dậy khoát một vòng tay ý nói đó là một câu chuyện dài, không thể nói mấy câu.
Rồi sau đó Đại tướng nói về quyết tâm của Bác Hồ là phải chiến thắng trong chiến dịch này. Quyết tâm chiến thắng của Bác Hồ được truyền đến từng chiến sĩ, từng người dân thồ hàng chở đạn… Tạo ra sức mạnh chiến thắng mà quân thù không ngờ tới…
Đại tướng không nói về mình, về những chuyện mà tôi mong được ông kể, nhưng qua những điều mà Đại tướng tâm sự tôi hiểu chiến dịch Điện Biên Phủ có tầm quan trọng chiến lược to lớn thế nào khi mà Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo với tinh thần quyết thắng dù phải hy sinh gian khổ thế nào, dù phải kéo pháo ra, kéo pháo vào gian nan vất vả…
Và thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó, chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu” tạo ra bước ngoặt lịch sử buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ-Ne-Vơ, đem lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Và qua câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi càng hiểu hơn vì sao nhân dân Việt Nam lại yêu mến vị Đại tướng của mình như vậy – một người tài năng, khiêm tốn, giản dị… suốt cả cuộc đời.
Khi trở về tòa soạn, một đồng chí ủy viên ban biên tập gọi tôi lên và bảo: “Này, ai cử cậu đi vậy? Cậu to gan thật…?”
Tôi bảo: “Thưa anh, em tự đi, không ai cử em cả, em đi với tư cách là người lính đến thăm vị Đại tướng tổng tư lệnh của mình…”.
Tôi biết là không ổn nên bài báo viết về chiến dịch Điện Biên Phủ mà suốt đêm tôi mới hoàn thành đành để yên trong cặp. Dạo đó là thời điểm rất nhạy cảm.
Sau này, nhất là thời gian tôi làm TBT, tôi thường đi cùng Phạm Yên, Nguyễn Hoàng Sơn, Hữu Việt lên thăm, chúc Tết Võ Đại tướng. Tôi cảm nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ưu ái báo Tiền Phong thời tôi làm TBT. Có bài viết nào của ông cần đăng báo, Đại tướng gửi báo Tiền Phong đầu tiên.
Có lần đồng chí thư ký gọi điện cho tôi nói Đại tướng muốn gặp riêng tôi. Tôi đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp một mình.
Gần bốn mươi năm làm báo, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Và một trong những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ ấy là những lần được trò chuyện, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, đi gặp Bác Hồ và những vị tiền bối cách mạng, nhưng hình ảnh vị đại tướng từng thắng “Ba đế quốc to” vẫn mãi trong tâm trí của người dân nước Việt.
Theo Báo Tiền Phong